Những ngôi nhà “Đại đoàn kết” ở Nghệ An

(Mặt trận) -Nhờ đổi mới phương thức kêu gọi, vận động, cho nên chỉ một thời gian ngắn, Nghệ An đã kêu gọi huy động các nguồn lực hơn 104 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng mới 1.975 nhà “Đại đoàn kết”, giúp hộ nghèo, cận nghèo có được những mái ấm tưởng như chỉ có được trong mơ.

Thành phố Việt Trì chăm lo đời sống cho người nghèo

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở huyện Yên Định

Xây dựng những khu dân cư tự quản, ấm no, hạnh phúc ở tỉnh Phú Thọ

Lan tỏa tình người nơi “vũng lõm”

Đầu năm 2020 vừa qua, gia đình ông Vũ Đức Khuông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở thôn Đồng Tiến, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai được đón cái Tết ấm cúng trong ngôi nhà “Đại đoàn kết” (ĐĐK) khang trang. Ông bà có hai người con trai thì một người chết, một người thiểu năng trí tuệ, hai cô con gái đi lấy chồng. Ngôi nhà của gia đình ông Khuông xây dựng nhiều năm đã dột nát, hư hỏng. Từ 50 triệu đồng quỹ của cuộc vận động xóa nhà dột nát, tạm bợ cho hộ nghèo, cận nghèo của thị xã Hoàng Mai và được nhân dân trong xã, thôn hỗ trợ ngày công, vật liệu xây dựng, vợ chồng ông Khuông đã xây dựng được ngôi nhà trị giá hơn 200 triệu đồng khang trang, kín trên bền dưới để an hưởng tuổi già. Bị mù mắt do ảnh hưởng chất độc da cam, bà Lê Thị Mỳ, gia đình chính sách ở thôn 8, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, ngoài số tiền 90 triệu đồng hỗ trợ của Nhà nước, MTTQ xã Quỳnh Vinh còn vận động các nhà hảo tâm giúp thêm hơn 20 triệu đồng, hàng nghìn viên gạch và bà con khối xóm giúp hàng trăm ngày công xây dựng nhà mới… Hôm bàn giao nhà mới, bà Mỹ dò dẫm từng bước chân trong ngôi nhà, sờ từng cánh cửa, góc tường với niềm hạnh phúc không nói thành lời.

 Khánh thành, bàn giao nhà Đại đoàn kết tặng gia đình bà Lê Thị Tâm, ở xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai.

Mới đây, gia đình ông Lê Văn Khân, bệnh binh hạng 3/3 ở thôn 10, xã Quỳnh Vinh, cùng sự hỗ trợ 100 triệu đồng Quỹ Hạt giống Việt (thuộc Báo Nhân Dân) tài trợ đã làm được ngôi nhà ĐĐK trị giá hơn 300 triệu đồng thay thế ngôi nhà cũ đã dột nát. Thời gian qua, Quỹ Hạt giống Việt đã hỗ trợ xây nhà ĐĐK cho nhiều gia đình nghèo, chính sách ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên toàn quốc. Riêng địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, trong năm 2020, Quỹ Hạt giống Việt đã hỗ trợ xây sáu nhà ĐĐK, với số tiền 100 triệu đồng/nhà.

Chủ tịch MTTQ xã Quỳnh Vinh, Lê Văn Thành cho biết: Một số đơn vị, trong đó có xã miền núi Quỳnh Vinh tuy còn nhiều khó khăn hơn các địa phương khác ở thị xã Hoàng Mai nhưng lại thuộc tốp đầu trong việc xóa nhà tạm. Thông qua cuộc vận động xóa nhà tạm, thời gian qua, xã đã tổ chức xây mới 19/25 nhà tạm, dột nát. Với số tiền hỗ trợ ban đầu của thị xã, địa phương đã huy động sự giúp sức của cả cộng đồng, con em xa quê, các hội đoàn thể (như Hội Cựu chiến binh giúp ngày công làm móng, xây nhà…) cùng nội lực, quyết tâm của dòng họ, gia đình đã xây được những ngôi nhà khang trang với chi phí khoảng 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng, gấp nhiều lần so với số tiền hỗ trợ ban đầu. Đây thật sự là những ngôi nhà trong mơ dành cho hộ nghèo.

Đồng chí Võ Văn Dũng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, nguyên Bí thư Thị ủy Hoàng Mai cho biết: Khi thành lập, thị xã Hoàng Mai được xem là “vùng lõm” ở địa đầu xứ Nghệ với nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2018, qua khảo sát chi tiết từng địa phương, thị xã còn 126 hộ nghèo, cận nghèo đang sống trong những ngôi nhà tạm bợ, dột nát. Tháng 4-2019, Ban Thường vụ Thị ủy đã có kế hoạch về xóa nhà dột nát, tạm bợ cho hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2018 - 2020. Thị xã Hoàng Mai đã tổ chức cuộc vận động “Toàn dân chung tay ủng hộ xây dựng và sửa chữa nhà cho 126/126 hộ nghèo trên địa bàn”. Với phương thức chính là huy động nội lực toàn dân, các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp giúp các hộ nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đến nay, tổng số tiền đăng ký ủng hộ là 6,65 tỷ đồng; 87 nhà đã khởi công xây dựng mới và sửa chữa; có 75 nhà đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, trong đó có nhiều nhà của bà con giáo dân.

Cùng với thị xã Hoàng Mai, các địa phương trong tỉnh Nghệ An đã nỗ lực phát huy cao nhất nội lực cùng đổi mới cách làm để xây dựng được càng nhiều nhà ĐĐK càng tốt. Chủ tịch MTTQ huyện Anh Sơn, Trần Thị Âu cho biết: Gia đình anh Lê Văn Công (43 tuổi), dân tộc Thái, thôn Tân Hợp, xã  Bình Sơn có cha  bị bệnh tâm thần, vợ ung thư đã qua đời, anh Công lại không bình thường về trí tuệ, phải nuôi một người con khuyết tật. Trước hoàn cảnh đó, MTTQ huyện cùng cán bộ, đoàn viên công đoàn UBND huyện đã quyên góp được 80 triệu đồng, MTTQ xã vận động góp 13 triệu đồng, cộng đồng giúp 15 triệu đồng, anh em họ hàng góp năm triệu đồng… Đồng chí Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Tân Hợp thay mặt anh Công trực tiếp điều hành việc xây nhà. Nay gia đình anh Công đã có ngôi nhà ĐĐK khang trang trị giá hơn 120 triệu đồng. Nhờ cách làm sáng tạo, năm 2019 đến nay, huyện Anh Sơn triển khai xây dựng mới và sửa chữa 128 nhà ĐĐK. 

Với sức lan tỏa mạnh mẽ, hiện nay trên địa bàn các huyện, thị xã từ đồng bằng, trung du đến miền núi Nghệ An - nơi còn nhiều khó khăn nhưng phong trào xóa nhà ở dột nát, tạm bợ cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo đang được các cấp ủy đảng, chính quyền và cả cộng đồng hết sức quan tâm.

Cách làm mới hiệu quả mới

Thời gian qua, cùng với công tác xóa đói, giảm nghèo, việc vận động các nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở luôn được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm và đạt nhiều kết quả quan trọng.  Giai đoạn 2014-2019, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp ở Nghệ An vận động, tiếp nhận hơn 212 tỷ đồng cùng với các nguồn lực khác đã xây mới và sửa chữa 4.411 nhà ĐĐK cho hộ nghèo với tổng số tiền 338,3 tỷ đồng, trong đó xây mới 2.461 nhà. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An, Lê Văn Ngọc: Công tác vận động, kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ xây nhà ĐĐK trong giai đoạn này còn mang tính manh mún, thiếu tổng thể và chiến lược; chưa thật sự tạo được niềm tin đối với nhà tài trợ; chưa xác định rõ thứ tự ưu tiên trong hỗ trợ; chưa có cơ sở dữ liệu hộ nghèo khó khăn về nhà ở; chưa phát huy cao nhất nội lực ở địa phương, chưa  tranh thủ triệt để sự ủng hộ từ bên ngoài. Một số địa phương vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại từ nguồn vận động của cấp trên; chưa thống kê đầy đủ hay trùng lặp số liệu hộ nghèo khó khăn về nhà ở vẫn diễn ra ở một số nơi... Trên cơ sở đó, tháng 9-2019, Nghệ An đã triển khai tổng rà soát thực trạng hộ nghèo có nhu cầu nhà ở để xây dựng lộ trình, kế hoạch kêu gọi, vận động các nguồn lực hỗ trợ. Trên kết quả rà soát, toàn tỉnh có 8.160 hộ nghèo đang ở nhà tạm bợ, dột nát, xuống cấp nghiêm trọng hoặc chưa có nhà ở; trong đó, nhu cầu xây mới 6.020 nhà và sửa chữa 2.140 nhà…; đồng thời, phân loại thứ tự ưu tiên đối với người có công, người già, trẻ em mồ côi, người dân tộc thiểu số…

Được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An, với vai trò chủ công, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ra lời kêu gọi, vận động hỗ trợ để xây dựng 1.200 nhà ĐĐK cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hướng tới chào mừng kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2020). Hưởng ứng lời kêu gọi của Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ hộ nghèo đặc biệt khó khăn cải thiện nhà ở; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì phối hợp các đơn vị kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn  tích cực hưởng ứng tham gia. Sau hai tháng phát động, chỉ tính riêng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Khối các cơ quan tỉnh, các doanh nghiệp trực thuộc Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh đã đăng ký hỗ trợ, mỗi đơn vị làm ít nhất một nhà ĐĐK cho hộ nghèo. 

Để đạt  hiệu quả cao, Nghệ An đẩy mạnh, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, chú trọng hình thức truyền thống kết hợp với hình thức hiện đại. Hình ảnh, địa chỉ, hiện trạng nhà ở cụ thể của các hộ nghèo đã được thiết lập dữ liệu profile để tuyên truyền, vận động, kêu gọi và chia sẻ trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, trên các trang mạng xã hội... Hình thức này đã tác động trực tiếp, làm lay động mạnh mẽ trái tim của các nhà hảo tâm trong việc hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở. Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thường xuyên kết nối, giao lưu, tạo mối quan hệ mật thiết với các doanh nghiệp, doanh nhân, hội doanh nghiệp, hội doanh nhân  trong và ngoài địa bàn, nhất là các nhà tài trợ “truyền thống”, nhà tài trợ “chiến lược” để kêu gọi, vận động. Tỉnh Nghệ An còn có kế hoạch vận động riêng đối với Tập đoàn Vingroup, các ngân hàng BIDV, VCB,… Kết quả xây dựng nhà ĐĐK sau khi hỗ trợ ở các địa phương được công khai thông báo đầy đủ đã tạo niềm tin đối với nhà tài trợ.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp rất chặt chẽ với các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh để thống nhất công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội. Dự kiến, trong  năm 2020 hai bên sẽ phối hợp hỗ trợ làm ít nhất 50 căn nhà cho hộ nghèo giáo dân... 

Nhờ đổi mới cách thức kêu gọi vận động, trong thời gian ngắn, Nghệ An đã huy động đóng góp được hơn 104,3 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng mới 1.975 nhà ĐĐK, vượt xa so với kế hoạch đề ra là 1.200. Hiện, có hơn 1.300 ngôi nhà ĐĐK đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Các địa phương đang tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị, đoàn thể, mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ĐĐK; đồng thời, tiến hành rà soát vướng mắc về hồ sơ, đất ở của các hộ trong diện được hỗ trợ để có giải pháp khắc phục kịp thời. Hoàn chỉnh thủ tục cấp phép xây dựng nhà ĐĐK cho các gia đình được hỗ trợ đúng theo quy định. Phối hợp tổ chức khởi công các nhà còn lại theo kế hoạch; tổ chức kiểm tra, giám sát các hộ đã được hỗ trợ, hoàn thiện nhà đúng theo tiến độ…

Đối với địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, dân số đông, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, hạ tầng còn nhiều bất cập, thiên tai diễn ra thường xuyên, lại thêm ảnh hưởng đại dịch Covid-19 rất nặng nề, nhưng nhờ phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách” cùng cách làm mới, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, cho nên công tác xây dựng nhà ĐĐK cho hộ nghèo ở Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tốt, đạt mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo cũng như công cuộc xây dựng nông thôn mới.

THÀNH CHÂU