Những mô hình giảm nghèo hiệu quả ở Bạc Liêu

(Mặt trận) -Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Từ đó đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH THOÁT NGHÈO TỪ NGUỒN VỐN HỖ TRỢ

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Trần Thị Hiền (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) vào lúc chị đang cắt rau quế để giao cho khách. Chị Hiền chia sẻ: “Gia đình tôi có đất sản xuất nhưng lại thiếu vốn đầu tư. Do đó, khi nhận được nguồn vốn vay 25 triệu đồng từ Hội LHPN tỉnh, tôi đã cải tạo đất, trồng các loại rau màu. Tùy vào thời tiết và nắm bắt nhu cầu thị trường mà lúc thì tôi xuống giống trồng hẹ bông, khi thì trồng rau quế. Có vốn, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tự động, vừa tiết kiệm được lượng nước tưới tiêu, vừa tận dụng thời gian để làm thêm công việc khác. Nhờ đó mà cuộc sống của gia đình tôi ngày càng được cải thiện. Thu nhập từ bông hẹ, lá hẹ, rau quế… mang về cho gia đình khoảng 16 triệu đồng/tháng”.

Bằng cách trao cho người nghèo “chiếc cần câu”, như: hỗ trợ vốn vay, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đào tạo nghề và chia sẻ kinh nghiệm… đã giúp nhiều người nghèo được tiếp cận các “điều kiện cần” để phát triển kinh tế gia đình. Hầu hết những hộ nghèo sau khi được hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng mô hình kinh tế, chủ yếu là mô hình chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ hoặc tham gia một số dịch vụ khác như rửa xe, sửa chữa xe máy đã nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Thực tế trong nhiều năm qua, “rào cản” lớn nhất đối với hộ nghèo, cận nghèo trong phát triển kinh tế gia đình là vốn đầu tư và khoa học - kỹ thuật. Nhưng “rào cản” này đã được tỉnh tháo gỡ bài bản thông qua việc huy động các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội cùng vào cuộc. Điển hình là Hội Nông dân có phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi; Hội Phụ nữ có phong trào giúp nhau làm kinh tế; Đoàn Thanh niên có phong trào đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp… Các phong trào đã khuyến khích, tạo động lực cho hộ nghèo, cận nghèo quyết tâm vươn lên, thay đổi cuộc sống gia đình thông qua xây dựng mô hình kinh tế. Chính vì thế, hằng năm trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện thêm nhiều mô hình sản xuất - kinh doanh cho hiệu quả kinh tế cao.

 Chị Trần Thị Hiền (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) chăm sóc, cắt tỉa rau quế. Ảnh: H.L

VƯƠN LÊN KHÁ, GIÀU TỪ MÔ HÌNH NUÔI CUA ĐINH

Mô hình nuôi cua đinh của anh Tô Văn Tân (ấp Hoàng Minh, xã An Trạch, huyện Đông Hải) là một minh chứng cụ thể về việc sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gia cảnh nghèo khó, không cam chịu số phận, vợ chồng anh Tân luôn động viên nhau cố gắng làm việc để tạo tương lai tốt đẹp cho con cái về sau. Ban ngày đi lột vỏ tôm cho các cơ sở chế biến tôm nguyên liệu, tối đến thì đi đặt đục, mò cá, bắt ba khía dưới sông bán…, làm việc quần quật suốt ngày không ngơi tay. Nhiều năm vất vả mưu sinh, vợ chồng anh Tân đã dành dụm tích lũy được một số tiền kha khá. Sáu năm trước, sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, vợ chồng anh Tân quyết định lấy hết số tiền ròng rã nhiều năm mới có được đầu tư nuôi cua đinh. Anh Tân cho biết: “Vừa rồi, tôi mới xuất bán 12 con cua đinh khoảng hơn 100kg với giá 250.000 đồng/kg. Hiện tại, thương lái đến tận nhà thu mua cua đinh loại nhất với giá khoảng 350.000 đồng/kg. Ngoài nuôi cua đinh thương phẩm, tôi cũng bắt đầu nuôi cua đinh sinh sản 2 năm nay, hiện có 35 con cua đinh giống và mỗi năm xuất bán từ 1.000 - 1.200 con giống, giá bán con giống có kích thước khoảng 5cm mỗi con từ 200.000 - 220.000 đồng. Với mô hình nuôi cua đinh sinh sản và cua thương phẩm, mỗi năm gia đình tôi thu về hơn 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí”.

Việc triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu trong thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực, giúp nhiều người nghèo được tiếp cận các “điều kiện cần” để phát triển kinh tế gia đình, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

GIA NGUYỄN