(Mặt trận) - Trong đợt dịch lần thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), SARS-CoV-2 có những biến chủng mới, lây lan nhanh và nguy hiểm hơn, tạo ra thách thức vô cùng lớn. Trong khó khăn, chúng ta thấy rõ nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp trong việc khống chế, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Hàng loạt quyết sách đúng đắn đã được đưa ra.
|
Việc triển khai xét nghiệm mở rộng trên toàn thành phố đã giúp Hà Nội bóc tách kịp thời các F0 trong cộng đồng. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN) |
Đợt dịch lớn nhất trong lịch sử
Khởi đầu từ ngày 27/4, dịch bắt đầu lây lan ở Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Đà Nẵng. Sau đó, dịch xuất hiện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K khiến hai đơn vih phải cách ly y tế kéo dài. Tiếp theo, dịch bùng phát mạnh ở Bắc Ninh, Bắc Giang.
Ngày 12/6, Việt Nam cán mốc hơn 10.000 ca mắc COVID-19. Sau 1 tháng rưỡi, số ca tăng lên hơn 100.000 trường hợp. Gần 2 tháng sau thì vượt hơn 700.000 ca mắc.
Theo thống kê, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 822.687 ca nhiễm, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu tính tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.357 ca nhiễm).
Dịch tấn công nhiều tỉnh/thành phố có mật độ dân cư cao, là đầu mối giao thông huyết mạch của cả nước, xâm nhập vào khu kinh tế trọng tâm phía Bắc và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhiều địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, áp dụng các biện pháp chưa từng có tiền lệ, trên phạm vi rộng.
Do tình hình dịch bệnh diễn biến quá nhanh, phức tạp, khó lường, với tinh thần vì sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội tại đồng loạt 19 tỉnh thành phía Nam từ ngày 19/7 - một quyết định khó khăn nhưng cấp thiết để giảm tốc độ lây lan của dịch.
Với yêu cầu: Ai ở đâu - ở yên đó, đây cũng là lần đầu tiên thực hiện tăng cường giãn cách xã hội trên toàn Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa bàn với các biện pháp tương tự như tình trạng khẩn cấp. Quá nhiều ca F0 khiến hệ thống y tế quá tải. Trước tình trạng quá nhiều ca chuyển nặng và tử vong, lực lượng y tế gần 20.000 người từ nhiều đơn vị đã vào hỗ trợ cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
|
Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
“Chưa bao giờ nghĩ tới tổn thất lớn như vậy"
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, người từng lăn lộn nhiều ngày tháng tại các “chiến trường” Bắc Ninh, Bắc Giang, Thành phố Hồ Chí Minh… chia sẻ: “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới tổn thất lớn như vậy tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng sau khi chúng ta chuyển chiến lược lấy xã, phường làm pháo đài, người dân là chiến sỹ, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được một số thành công để cho đến hôm nay, chúng ta đã thấy ánh sáng cuối đường hầm.”
Thực tế, đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta lây nhiễm nhanh, mạnh hơn; nồng độ virus trong dịch đường hô hấp gấp 1.000 lần so với chủng cũ; chỉ trong 2-3 ngày đã có thêm một vòng lây nhiễm mới (các chủng cũ 5-7 ngày); khoảng 80% người nhiễm không có triệu chứng; lây nhiễm xảy ra trước khi bệnh nhân có xuất hiện triệu chứng gây khó khăn cho việc phát hiện. Tỷ lệ lây nhiễm ở mức cao, 1 người nhiễm lây cho 9-10 người, đã xuất hiện các trường hợp lây nhiễm kéo dài (hơn 14 ngày).
Dịch tấn công vào các khu công nghiệp, khu vực có mật độ dân cư cao làm số nhiễm tăng rất nhanh trong thời gian ngắn gây áp lực lớn cho hệ thống y tế trong bối cảnh năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở còn nhiều hạn chế; nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng cơ sở chưa chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống nhiều người mắc nên xảy ra quá tải cục bộ, dẫn đến số tử vong tăng trong thời gian ngắn.
Dịch bệnh với đa nguồn lây, đa chủng, đa ổ bệnh đã làm nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, áp dụng các biện pháp chưa có trong tiền lệ trong thời gian dài, trên phạm vi rộng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế xã hội.
Trong ba đợt dịch trước đây công tác phòng, chống dịch dựa vào 5 nguyên tắc cơ bản là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị và công thức 5K, đã thành công trong phòng, chống dịch với các chủng ban đầu.
Ở đợt dịch thứ 4, trong thời điểm vaccine thiếu và khan hiếm, chưa đảm bảo miễn dịch cộng đồng nên chiến lược xét nghiệm được đưa ra. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… cũng áp dụng xét nghiệm hiệu quả để thời gian giãn cách giảm xuống, có cơ hội phát triển kinh tế - xã hội.
|
Lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trong đợt dịch lần thứ hiệu quả. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Những "đòn đánh" chí mạng
Đánh giá về công tác phòng chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Để có thể cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh như hiện nay, chúng ta đưa ra nhiều quyết định mang tính chiến lược để thay đổi, chuyển hướng, đáp ứng một cách linh hoạt với dịch COVID-19 đợt thứ 4.”
Ở góc độ chuyên môn, ông Long cho biết đã có 5 quyết định cân não được đưa ra.
Quyết định đầu tiên là phong tỏa toàn bộ vùng có dịch tại các khu công nghiệp của Bắc Giang, Bắc Ninh; xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, xét nghiệm nhiều vòng và lặp lại. Đây là bài học thành công nhất của Bắc Giang và Bắc Ninh trong thời điểm đó.
“Nếu chúng ta không thực hiện như vậy trong thời điểm đó thì tình hình sẽ rơi vào trạng thái rất căng thẳng, nghiêm trọng. Bài học thành công này dựa trên cơ sở thực tiễn rất đúng đắn. Khi đó, trên cơ sở phân tích về mặt dịch tễ học, sau khi trao đổi rất kỹ, chúng ta quyết định phải dùng test nhanh kháng nguyên nhiều vòng để bóc tách F0 đi cách ly, chăm sóc, điều trị phù hợp, không để tiếp tục lây lan ra cộng đồng,” Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu ngành y tế, nguyên lý của bệnh truyền nhiễm là cách ly nguồn truyền nhiễm. Và, muốn cách ly thì phải xét nghiệm để phát hiện nguồn lây. Có ý kiến cho rằng chỉ cần xét nghiệm người có triệu chứng, tuy nhiên, có đến 80% số ca nhiễm không có triệu chứng, nếu bỏ sót thì nguy cơ lây lan cộng đồng là rất lớn. Lúc đó, Việt Nam đã triển khai cùng lúc các biện pháp an sinh xã hội, lập bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực. Bắc Ninh, Bắc Giang là bài học điển hình của đợt dịch thứ 4.
Quyết định thứ 2 là khi Thủ tướng, Ban chỉ đạo Quốc gia quyết định giãn cách hàng chục tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Đi cùng với đó, Việt Nam đã phải chuẩn bị tất cả kịch bản từ vấn đề về an sinh xã hội, đi lại, sản xuất kinh doanh, an ninh an toàn, sinh kế của người dân. Những quyết định đúng đắn, sáng suốt trong thời điểm đó được nâng từng bước một. Khi thấy không có khả năng kiểm soát do diễn biến dịch quá nhanh trong thời gian ngắn trên địa bàn hẹp, ngay lập tức, Ban chỉ đạo đã đưa ra quyết định giãn cách tại hàng chục tỉnh, thành phố. Nhờ vậy, tình hình dịch bệnh mới kiểm soát được tình khu vực phía Nam, góp phần ngăn chặn nhiều trường hợp nhiễm và tử vong trong khu vực này.
Theo giáo sư Nguyễn Thanh Long, quyết định thứ 3 là điều động nguồn nhân lực, huy động một cách tổng lực. Đã có gần 300.000 lượt cán bộ, chiến sỹ, y bác sỹ, công an, quân đội… được huy động cho Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương là điểm nóng về dịch bệnh. Thủ tướng quyết định điều nhân lực từ 12 địa phương về Hà Nội để tiến hành chiến dịch thần tốc xét nghiệm, chiến dịch tiêm chủng vaccine cho nhân dân Thủ đô. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn vì lực lượng tại chỗ không thể bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch. Nguyên tắc cơ bản là xét nghiệm phải nhanh hơn quá trình lây lan của dịch bệnh.
Quyết định thứ 4 là chuyển hướng chiến lược, kết hợp hài hòa giữa lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt và phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện; xác định xã phường là “pháo đài,” người dân là “chiến sỹ,” là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong hoạt động phòng chống dịch, thiết lập những trạm y tế lưu động, điều động quân y vào khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, xét nghiệm thần tốc để phát hiện các trường hợp nhiễm, cách ly nguồn lây, từ đó chăm sóc, điều trị sớm, hạn chế lây nhiễm và tử vong.
Quyết định thứ 5 là việc thực hiện chiến lược vaccine quyết liệt. Xung quanh thực hiện chiến lược này, Việt Nam đã vượt qua những rào cản rất phức tạp, nhờ có Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, việc mua sắm vaccine rất được quan tâm để bảo đảm tiêm chủng bao phủ ngày càng rộng.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, đến nay về cơ bản, Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên toàn quốc. Tại tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, con số ca mắc cũng như tỷ lệ nhiễm và con số tử vong đã giảm sâu. Tình hình dịch bệnh của các tỉnh nằm trong khu vực giãn cách có diễn biến tích cực. 40 tỉnh, thành phố khác có các ca nhiễm đã được kịp thời xử lý, khoanh vùng dập dịch nhanh chóng.
Rõ ràng, những quyết sách trên đã góp phần bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, tử vong do COVID-19. Các địa phương dần dần khôi phục và phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đẻ phấn đấu đưa cả nước trở lại trạng thái bình thường mới từ tháng 12/2021./.
T.G/Vietnam+