Những cán bộ Mặt trận '8X' nhiệt huyết

(Mặt trận) -Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đó là những cán bộ thuộc thế hệ “8X” tại tỉnh Gia Lai đang thổi luồng gió mới, tạo nên những dấu ấn đậm nét đối với công tác Mặt trận và sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa phương.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tú An Trương Thị Hồng Tất.

Chị Trương Thị Hồng Tất, sinh năm 1986, thường trú tại xã Tú An (thị xã An Khê, Gia Lai) mặc dù thời gian giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tú An, chưa lâu, nhưng đã sớm bắt nhịp với công việc trong công tác Mặt trận. Chị Tất cho biết: “Thời gian đầu tiếp cận công việc, tôi luôn tập trung nghiên cứu các văn bản, tài liệu liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của MTTQ, đồng thời tham vấn ý kiến, học hỏi kinh nghiệm của các “tiền bối”. Đây chính là tiền đề để tôi xây dựng kế hoạch làm việc cho bản thân và chương trình hành động cho tổ chức”.

Chị Tất tâm sự, để nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng thì bản thân người làm công tác Mặt trận phải tự đổi mới mình trước, phải nắm bắt kịp thời dư luận xã hội, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó phải nhạy bén trong tiếp nhận, xử lý thông tin; kịp thời phản ánh với các cấp lãnh đạo những vấn đề mà nhân dân quan tâm; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; đồng thời thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhiều năm qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước tại xã Tú An luôn được các tầng lớp nhân dân đồng thuận, ủng hộ. Từ năm 2019 đến nay, Mặt trận xã Tú An đã kêu gọi từ các nguồn hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 16 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo; xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản từ 11 con ban đầu đến nay đã phát triển lên 25 con. Ban Công tác Mặt trận xã đã vận động được 60 hộ dân tham gia hiến trên 8.000m2 đất làm đường bê tông, đường nội đồng; nhân dân đóng góp trên 100 triệu đồng để lắp đặt 36 bóng điện chiếu sáng ban đêm tại các tuyến đường trên địa bàn. Bên cạnh đó, với uy tín của mình, chị Trương Thị Hồng Tất đã phối hợp tham gia hòa giải thành công 56 vụ việc mâu thuẫn trong nhân dân...Với những đóng góp của mình, năm 2021, chị đã được Ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận.

 Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Chi Lăng (TP Pleiku) Trần Thị Thanh Tuyền (giữa, hàng sau) tặng quà cho học sinh nghèo làng Ngol Tảl.

Tại thành phố Pleiku, chị Trần Thị Thanh Tuyền, sinh năm 1982 đã có hơn 10 năm trên cương vị Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Chi Lăng. Chị Tuyền cho biết: “Là một cán bộ trẻ nên khi đảm đương vị trí mà lâu nay mọi người vẫn có quan niệm phải là người nhiều tuổi, có kinh nghiệm thì mới thuận lợi trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp khối đại đoàn kết, nên những ngày đầu không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Tuy nhiên, bản thân tôi luôn được gia đình ủng hộ, tạo điều kiện; đội ngũ cán bộ phường nhiều người còn trẻ, cùng thế hệ nên quá trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ khá thuận lợi”.

Ngay từ khi giữ cương vị là Chủ tịch Mặt trận phường, để làm tốt vai trò của mình trong việc tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng nhân dân, chị Tuyền đã dành nhiều thời gian về các tổ dân phố, đến từng hộ gia đình để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền để có các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ người dân, nhất là đối với các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ người đồng bào là dân tộc thiểu số. Sau khi sáp nhập phường Chi Lăng có 3 làng đồng bào dân tộc thiểu số gồm: Ia Lang, Châm Nẻh và Ngol Tảh. Triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” - chị Tuyền cùng tập thể Ban Thường trực Ủy ban MTTQ phường Chi Lăng và các đoàn thể, tập trung vận động bà con dân tộc thiểu số bỏ dần những tập tục lạc hậu, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tự vươn lên trong cuộc sống; hướng dẫn người dân xây dựng các mô hình như “Cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái, “Cải tạo vườn tạp trồng rau xanh”, “Chăn nuôi bò”, “Hỗ trợ phát triển kinh tế”... nhờ đó đến nay tỷ lệ hộ nghèo của phường chỉ có 0,89% và cận nghèo còn 1,24%.

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Mặt trận phường Chi Lăng đã chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể phường vận động người dân chung sức làm mới 24 đoạn đường với tổng chiều dài 8.978 m, duy tu bảo dưỡng 14 đoạn đường với chiều dài 3.323 m, mắc 115 bóng điện đường hẻm, vận động người dân hiến trên 500 m2 đất để mở đường... Đến cuối năm 2021, phường Chi Lăng có 100% khu dân cư văn hóa và 98% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Tại xã biên giới Ia Pnôn, chị Ksor H’Biên - sinh năm 1985 (thường trú huyện Đức Cơ, Gia Lai), hơn 6 năm qua trong vai trò Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã. Chị Ksor H’Biên, cũng đã để lại dấu ấn rõ nét trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Ia Pnôn là xã biên giới với 5,806km đường biên tiếp giáp với xã Oyadav (huyện Oyadav, Ratanakiri, Campuchia). Xã có 4 làng với 1.279 hộ và 5.152 khẩu, trong đó 95% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là người Jrai.

Để giúp nhân dân hai bên tuyến biên giới nắm vững và chấp hành các quy định của pháp luật mỗi nước về xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, MTTQ xã đã tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền, lực lượng biên phòng, các tổ chức thành viên tổ chức nhiều hoạt động như: tổ chức kết nghĩa thôn làng hai bên tuyến biên giới, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết cổ truyền của mỗi nước… nhờ đó tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới luôn được giữ vững.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai Siu Trung, hiện toàn tỉnh có 93/220 Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã thuộc thế hệ 8X, chiếm tỷ lệ trên 42%. Trên 96% là Chủ tịch Mặt trận cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. Đây chính là nguồn năng lượng dồi dào, luồng gió mới nhằm thực hiện có hiệu quả việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận.

“Chúng tôi kỳ vọng cán bộ trẻ với năng lực, trình độ của mình sẽ góp phần đưa phong trào Mặt trận ngày càng phát triển. Và để phát huy tốt chức trách của mình, mỗi cán bộ trẻ của Mặt trận ngoài việc học tập nâng cao trình độ còn phải sâu sát, tìm tòi, đúc rút kinh nghiệm cho bản thân, thẳng thắn phản biện xã hội. Thời gian tới, MTTQ tỉnh Gia Lai cũng sẽ tạo những cán bộ tạo điều kiện tối đa để cán bộ Mặt trận nói chung, cán bộ trẻ nói riêng được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, nghiệp vụ nhằm góp phần khẳng định vai trò, vị trí của MTTQ trong giai đoạn hiện nay”- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai Siu Trung cho biết.

LÊ ĐẠI