(Mặt trận) -"Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo" là một trong các dự án trọng điểm của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025. Dự án được cấp kinh phí thực hiện hàng năm với những mục tiêu cụ thể, rõ ràng. Sau khi nhận nguồn kinh phí phân bổ của tỉnh, huyện Nho Quan đã khẩn trương thực hiện và đã hoàn thành việc hỗ trợ sinh kế cho người nghèo trong năm đầu tiên thực hiện dự án. Việc hỗ trợ những con nuôi phù hợp, có giá trị được kỳ vọng sẽ tạo động lực để người nghèo vươn lên thoát nghèo.
|
Làm hàng thủ công ở thôn Liên Minh, xã Xích Thổ (Nho Quan). Ảnh: Minh Quang |
Gia đình bà Ngô Thị Tâm, thôn Đại Hòa, xã Xích Thổ (Nho Quan) là hộ nghèo. Để có thu nhập trang trải cho cuộc sống, bà Tâm đi làm phụ hồ. Nhưng tuổi ngày một cao, sức khỏe kém đi, bà Tâm luôn mong muốn được hỗ trợ một công việc phù hợp, có thu nhập ổn định để duy trì cuộc sống cho hai mẹ con và hướng tới thoát nghèo. Năm 2022, bà Tâm là một trong 70 hộ nghèo của xã Xích Thổ được lựa chọn để tham gia Dự án "Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo" của huyện Nho Quan. Tham gia dự án này, bà Tâm đã được nhận hỗ trợ một cặp bò sinh sản trị giá 30 triệu đồng. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, cặp bò của bà Tâm đã phát triển tốt. Mỗi ngày, ngoài việc chăm sóc bò, bà Tâm vẫn tranh thủ đi phụ hồ kiếm thêm thu nhập.
Bà Tâm cho biết: Bò là con nuôi quen thuộc và khá phù hợp với điều kiện chăn thả ở đây, vì vậy tôi không gặp khó khăn khi chăm sóc chúng. Bên cạnh đó, tôi còn được hướng dẫn từ các đoàn thể và đặc biệt là được những người có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi ở xã chia sẻ việc chăm sóc, phòng bệnh cho bò. Ngoài giờ học, con tôi cũng phụ giúp việc chăn thả hoặc cắt cỏ cho bò. Mẹ con tôi rất phấn khởi, cố gắng chăm sóc để bò sinh sản, có thêm thu nhập để thoát nghèo.
Đồng chí Bùi Đắc Dương, Bí thư Đảng ủy xã Xích Thổ cho biết: Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã có Nghị quyết giao cho Ủy ban MTTQ xã chủ trì, phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác giảm nghèo bền vững. Trong quá trình triển khai thực hiện vận động, MTTQ phối hợp với Ban giảm nghèo của xã, các tổ chức chính trị xã hội nhận khế ước với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn từ chương trình hỗ trợ để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Địa phương cũng thực hiện mô hình "Vận động hộ nghèo già cả, neo đơn đang ở riêng về ở với con cái, hoặc con cái cam kết, có trách nhiệm nuôi dưỡng bố mẹ già" để giảm số hộ nghèo do người già đứng chủ…
Đặc biệt, trong giai đoạn 2022- 2025, nhằm khơi dậy ý chí, nghị lực vươn lên của hộ nghèo, cuối năm 2022, địa phương đã tuyên truyền, vận động các hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều, hộ mới thoát nghèo (có khả năng lao động) tham gia vào dự án chăn nuôi bò sinh sản (thực hiện Dự án "Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo" của huyện) để phát triển kinh tế gia đình hướng phấn đấu thoát nghèo trong giai đoạn này.
Trước đó, để thực hiện dự án này, trên cơ sở các hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022, UBND xã Xích Thổ đã triển khai đến các thôn có hộ nghèo, hộ cận nghèo có nguyện vọng và tự nguyện tham gia dự án làm đơn đăng ký. UBND xã tổ chức xét duyệt các đối tượng có đơn tham gia dự án, phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ phụ trách các thôn, thường xuyên nắm bắt, kiểm tra, giám sát các hộ nhận bò giống trong quá trình nhận, nuôi dưỡng để đàn bò phát triển tốt. Kết quả có 70 hộ nghèo, cận nghèo của xã tham gia dự án nhận bò sinh sản. Sau 3 tháng tham gia dự án, hầu hết các hộ đã chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn bò.
Cuối năm 2022, huyện Nho Quan còn trên 1.600 hộ nghèo; trên 1.900 hộ cận nghèo. Trong giai đoạn 2022-2025, huyện Nho Quan phấn đấu mỗi năm sẽ giảm bình quân 318 hộ nghèo theo tiêu chuẩn tiếp cận đa chiều. Xác định rõ, để tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống thì không có cách nào khác là phải tạo sinh kế cho họ. Những biện pháp hỗ trợ cũng được thực hiện theo hướng "trao cần câu hơn xâu cá", để người nghèo có công cụ sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Năm 2022, huyện Nho Quan được UBND tỉnh phân bổ kinh phí trên 6 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022. Căn cứ vào nguồn vốn được tỉnh phân bổ, huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các dự án giảm nghèo, trong đó có dự án "Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo" với kinh phí trên 2 tỷ đồng.
Ông Quách Văn Vĩ, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nho Quan cho biết: "Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo" là một trong những dự án rất thiết thực của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, được kỳ vọng giúp người nghèo có thêm nguồn lực để vươn lên thoát nghèo trong giai đoạn 2022-2025. Để thực hiện dự án này, hàng năm, UBND tỉnh cấp kinh phí để các địa phương chủ động thực hiện nhằm đảm bảo tính thiết thực và phù hợp của chính sách hỗ trợ.
Mặc dù năm 2022 là năm đầu tiên triển khai thực hiện các dự án, tuy nhiên do nguồn kinh phí được cấp vào cuối năm nên đa số các địa phương đều chuyển sang thực hiện vào năm 2023. Nho Quan là một trong số ít địa phương hoàn thành việc thực hiện dự án của năm 2022 theo đúng thời hạn. Cuối năm 2022, huyện Nho Quan đã hoàn thành việc hỗ trợ cho 130 hộ tham gia dự án với con nuôi là bò sinh sản.
Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, Nho Quan đang tiếp tục rà soát, khảo sát nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để chuẩn bị cho việc thực hiện dự án trong năm 2023. Trong đó, ưu tiên cho hộ nghèo, cận nghèo ở các xã phấn đấu về đích nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao trong năm nay.
Hy vọng rằng, những con nuôi thực sự phù hợp sẽ tạo niềm tin, sự phấn khởi và khơi dậy được khát vọng vươn lên thoát nghèo cho những đối tượng thụ hưởng.
Đào Hằng – Báo Ninh Bình