Nhiều giải pháp góp phần giảm thiểu rác thải nhựa trên biển

(Mặt trận) -Rác thải nhựa đang trở thành mối nguy hại lớn cho môi trường biển bởi số lượng lớn, khó phân hủy và khả năng di chuyển xa. Để góp phần giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên biển, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp.

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

Mang Tết đến với người nghèo huyện Tri Tôn

 Đoàn thanh niên thị xã Nghi Sơn ra quân làm vệ sinh môi trường tại bãi biển phường Hải Bình.

Huyện Hậu Lộc có 6 xã ven biển, theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, bình quân mỗi ngày các xã ven biển trên địa bàn huyện phát sinh trên 33 tấn rác, chiếm khoảng 1/3 tổng lượng rác thải toàn huyện. Điều đáng nói, tại các địa phương này thường xuyên có rác thải từ biển đổ vào; đồng thời một bộ phận người dân thiếu ý thức vứt rác thải ra bờ biển, gây nên tình trạng ô nhiễm. Trước tình trạng trên, huyện đã chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động người dân nêu cao ý thức trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT); kêu gọi xã hội hóa việc thu gom, vận chuyển và phân loại rác thải; phối hợp với các ban, ngành liên quan, các địa phương ven biển tuyên truyền, giáo dục BVMT cho người dân thông qua việc lồng ghép với sự kiện Tuần lễ biển và hải đảo, ngày môi trường thế giới, ngày quốc tế đa dạng sinh học và hưởng ứng chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”... Đến nay, tại các địa phương ven biển, cơ bản lượng rác phát sinh đã được thu gom, xử lý, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể.

Thị xã Nghi Sơn có đường bờ biển dài 42km, với 15 xã, phường ven biển, nhận thức việc BVMT biển trong tình hình hiện nay là vấn đề hết sức quan trọng, thời gian qua, thị xã Nghi Sơn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các xã, phường, thị trấn, nhất là các địa phương ven biển tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong BVMT. Đơn cử như, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn thị xã Nghi Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực thể hiện ý thức trách nhiệm của hội viên trong việc chung tay BVMT biển đảo quê hương. Hội đã chỉ đạo các đơn vị vận động gia đình hội viên phụ nữ và Nhân dân xây lò đốt rác, phân loại rác tại gia đình và vận động các thành viên xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; tận dụng xây dựng hầm biogas trong chăn nuôi BVMT. Bên cạnh những hoạt động thiết thực chung tay BVMT biển xanh, Hội LHPN thị xã còn tích cực ra quân hưởng ứng các hoạt động thu gom rác thải nhân ngày môi trường thế giới, thành lập các câu lạc bộ phụ nữ văn minh du lịch, đội tuyên truyền viên BVMT, tổ chức các lớp truyền thông kiến thức về BVMT biển, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ, câu lạc bộ, vận động hội viên phụ nữ và người dân hạn chế sử dụng túi ni-lông, không xả rác thải ra bãi biển, tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường nói chung và môi trường biển trong lành, sạch đẹp... Thanh niên xung kích của Thị đoàn Nghi Sơn cũng tình nguyện đi đầu tham gia BVMT, thông qua các hoạt động hưởng ứng phong trào “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, gồm các nội dung phong phú, như: trồng hoa lề đường, tuyên truyền pháp luật, cải tạo vườn tạp, xây dựng nông thôn mới, dọn vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, phát quang bụi rậm, chỉnh trang khuôn viên công sở, trường học, nhà bia tưởng niệm, các di tích văn hóa. Đặc biệt, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5-6 và chiến dịch “Hãy làm sạch biển” hằng năm, đã thu hút hàng ngàn lượt đoàn viên, thanh niên tổ chức các hoạt động tuyên truyền BVMT, ra quân thu gom rác thải và làm sạch biển...

Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động trong đảng viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân không xả rác, nước thải chưa qua xử lý, những chất thải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hoạt động xả thải, gây ô nhiễm môi trường; tiếp tục hoàn thiện các thể chế quản lý để mọi người dân có thể thực hiện quyền kiểm tra, giám sát, BVMT biển. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về môi trường do Nhân dân phản ánh phải được các cơ quan hữu quan tiếp nhận, xử lý một cách triệt để, kịp thời và hiệu quả... Chỉ có nhận thức đúng, suy nghĩ đúng mới hành động đúng và mỗi một hành động nhỏ sẽ góp một phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường biển...

Nhằm góp phần giảm thiểu rác thải nhựa trên biển, ngày 16-3-2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 76/KH-UBND về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Với mục tiêu chung, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa ra biển từ các nguồn thải trên đất liền và từ các nguồn thải trên biển, phấn đấu giảm thiểu rác thải nhựa trên vùng biển thuộc quản lý của UBND tỉnh Thanh Hóa... Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển; thu gom 50% ngư cụ khai thác bị mất hoặc vứt bỏ; 50% các khu, điểm du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy... Đến năm 2030, giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển; thu gom 75% ngư cụ khai thác bị mất hoặc vứt bỏ; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy; duy trì không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy tại Khu Bảo tồn biển Hòn Mê. Quan trắc hằng năm hiện trạng rác thải nhựa trên biển tại 6 cửa sông gồm: Lạch Bạng, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Sung, Lạch Ghép và Lạch Càn.

Cùng với việc triển khai kế hoạch hành động của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan cũng đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, như: phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức ra quân thu gom, phân loại rác thải trên bờ biển, đánh giá các nguồn thải nhựa phát sinh từ đất liền và từ các hoạt động trên biển, hải đảo; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thu gom phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa tại các khu công nghiệp, đô thị, khu du lịch, khu dân cư tập trung ven biển; tổ chức nhiều mô hình thu gom, phân loại, giảm thiểu rác thải nhựa, nhiều chiến dịch “Thanh niên tình nguyện hè”, chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, “Chung tay vì môi trường biển không rác thải nhựa”, hưởng ứng ngày môi trường thế giới, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn... Bên cạnh đó, các địa phương ven biển đã tổ chức dọn vệ sinh, thu gom, xử lý rác thải khu vực dọc bờ biển định kỳ hằng tháng với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân.

Thu Hằng