Nhân lên giá trị đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) -Trải qua 20 năm tổ chức (2003 - 2023), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được lan tỏa rộng khắp và trở thành hoạt động cộng đồng thu hút sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, trong dịp kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11) hàng năm.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

 Nhân dân vui hội đại đoàn kết. Ảnh: V.A

Nơi cố kết cộng đồng

Tại Quảng Nam, vào năm 2003, thực hiện hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết (ĐĐK) toàn dân tộc, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam đã chọn khu dân cư (KDC) Thanh Nam (phường Cẩm Châu, TP.Hội An) và thôn Lao Đu (xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn) để tổ chức điểm.

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam, qua 20 năm tổ chức, ngày hội ĐĐK ở Quảng Nam được tổ chức chu đáo, chất lượng ngày càng được nâng cao, đã lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội.

Hằng năm, có hơn 1.180 khu dân cư trên địa bàn tỉnh tổ chức phần lễ và phần hội, đạt 95% tổng số khu dân cư (KDC). Riêng năm 2022, có 1.212 KDC tổ chức cả phần lễ và phần hội (đạt 97,7%), trong đó có 1.204 KDC tổ chức “Bữa cơm ĐĐK”.

Tại KDC Long Xuyên 2 (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên), hàng năm, ngày hội ĐĐK được tổ chức cả phần hội và phần lễ. Đặc biệt, các tổ đoàn kết cùng nhau tổ chức “Bữa cơm ĐĐK”, tạo điều kiện để mọi người trong KDC từ già đến trẻ, từ cán bộ đến người dân, con em xa quê có dịp được quây quần, vui vẻ bên nhau, thắt chặt thêm tình đoàn kết.

Ông Nguyễn Văn Tùng - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận KDC Long Xuyên 2 cho biết: “Qua 20 năm tổ chức, ngày hội ĐĐK ở KDC Long Xuyên 2 đã trở thành nét đẹp sinh hoạt văn hóa thường niên của cộng đồng. Đây là dịp để tập hợp, củng cố, tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận xã hội, đồng thời khẳng định vai trò của cộng đồng trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”.

Ông Tùng cho biết, trong 20 năm qua, nhân dân KDC Long Xuyên 2 đã đóng góp ngày công, hiến đất, tháo dỡ vật kiến trúc để làm đường giao thông, xây dựng thiết chế văn hóa với tổng giá trị hơn 1,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, KDC cũng vận động nhiều nguồn lực từ kinh phí đến ngày công lao động để chung tay hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp 7 nhà tạm, xây dựng mới kiên cố 6 nhà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, với tổng trị giá hơn 670 triệu đồng…

Tại thôn Lao Đu (xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn), bà Y Chín - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn cho biết, trong 20 năm qua, ngày hội ĐĐK toàn dân tộc ở Lao Đu đã vinh dự đón 76 lượt lãnh đạo các cấp về dự, chúc mừng, động viên bà con thi đua lao động sản xuất và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con.

“Nhân dân trong thôn rất phấn khởi khi có lãnh đạo đến dự ngày hội và đã mạnh dạn nói lên tâm tư, nguyện vọng, thẳng thắn góp ý những mặt còn hạn chế của địa phương. Qua đó thắt chặt mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, chính quyền, góp phần củng cố, xây dựng hệ thống chính trị tại địa phương vững mạnh” - bà Chín chia sẻ.

Phát huy giá trị

Xã Đại Lãnh (Đại Lộc) có 8 khu dân cư, 58 tổ đoàn kết, gồm 2.329 hộ với 9.497 nhân khẩu. Từ năm 2003 đến nay, ngày hội ĐĐK được tổ chức trên địa bàn xã dần đi vào nền nếp và trở thành ngày hội lớn của toàn dân.

Theo ông Trần Ngọc Hiệp - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đại Lãnh, ngày hội ĐĐK đã trở thành thương hiệu đặc trưng của tổ chức Mặt trận, là kết quả của chủ trương đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong công tác mặt trận cơ sở. Tại Đại Lãnh, ông Hiệp cho biết, ngày hội được đổi mới qua các năm.

Nổi bật, từ năm 2010 đến nay, hàng năm Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đều xây dựng kế hoạch tổ chức hội trại đoàn kết ở từng KDC. Trong đó, năm 2022, lần đầu tiên tổ chức với hình thức ngày hội liên KDC, thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, tạo khí thế thi đua sôi nổi và đoàn kết.

 Nhân dân vui hội đại đoàn kết. Ảnh: V.A

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam Võ Xuân Ca cho rằng, với những kết quả đạt được, có thể khẳng định chủ trương tổ chức Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc là đúng đắn, đáp ứng yêu cầu xây dựng khối ĐĐK toàn dân tộc trong tình hình mới.

Thông qua ngày hội ĐĐK đã phát động quần chúng nhân dân tham gia xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ dần những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan; phát động các mô hình ở KDC, góp phần đấu tranh, lên án các tệ nạn xã hội. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức tại ngày hội được tổ chức với nhiều hình thức phong phú được các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực.

Theo ông Võ Xuân Ca, ngày hội ĐĐK đã trở thành ngày hội tập hợp và biểu dương lực lượng của khối ĐĐK toàn dân tộc, là một trong những nội dung quan trọng của công tác mặt trận và ngày càng thể hiện sức sống bền vững trong cộng đồng các dân tộc.

Đặc biệt, việc tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao và “Bữa cơm ĐĐK” nhân ngày hội đã gắn kết tình làng nghĩa xóm, phát huy tinh thần dân chủ ở cơ sở, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế; tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, xây dựng nhà ĐĐK, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trong cộng đồng dân cư.

 Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng, qua ngày hội ĐĐK toàn dân tộc, khối ĐĐK được phát huy mạnh mẽ. Nhờ đó kết thành sức mạnh tổng hợp giúp Quảng Nam vượt qua nhiều gian khó do thiên tai, dịch bệnh...

Qua ngày hội ĐĐK, tình làng nghĩa xóm được bền chặt; những nhọc nhằn, khúc mắc, mâu thuẫn trong dân được vơi đi. Đồng chí Lê Văn Dũng đề nghị cấp ủy, chính quyền, Mặt trận các cấp quan tâm, quán triệt, tuyên truyền để toàn dân nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tổ chức Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc ở khu dân cư.

Tiếp tục thông qua ngày hội để tuyên truyền, vận động thực hiện tốt 5 nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh thôn xóm, bản làng thật bình yên.

Đồng thời tuyên truyền trong toàn dân kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền để chia rẽ khối ĐĐK toàn dân...

Trong 20 năm qua, Mặt trận các cấp đã hỗ trợ xây dựng mới hơn 2.561 nhà, sửa chữa 14.320 nhà ĐĐK; trong đó, có 922 nhà được trao tặng tại ngày hội ĐĐK, với tổng số tiền hơn 30,7 tỷ đồng. Tổng số công trình dân sinh xây dựng trong dịp tổ chức ngày hội là 1.373 công trình với số tiền gần 249 tỷ đồng.

 V.A