Người cán bộ tâm huyết với cộng đồng

(Mặt trận) -Nhắc đến ông Phạm Văn Khắc (xã Quân Hà, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) ai cũng nhớ đến người cán bộ Mặt trận của thôn Thái Bình gương mẫu tận tụy hết lòng với công việc. Bằng nhiệt huyết của mình, ông đã góp phần không nhỏ tạo nên những chuyển biến trong công tác phong trào của địa phương.

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

 Ông Phạm Văn Khắc cùng bà con trong khu dân cư vệ sinh ngõ xóm.

Ở tuổi 75 với một bên tay khiếm khuyết, nhưng hàng ngày trên chiếc xe đạp ông Khắc vẫn cần mẫn đi từng ngõ, đến từng nhà để tìm hiểu nắm bắt tình hình thực tế từ đó lựa chọn những nội dung, mô hình hay phù hợp với bà con để tổ chức thực hiện.

Là người luôn giữ phong thái “miệng nói tay làm” nên các mô hình do ông Khắc khởi xướng và vận động đều được bà con tin tưởng, ủng hộ làm theo. Chia sẻ về công việc của mình, ông Khắc cho biết, muốn tuyên truyền vận động tốt phải sâu sát cơ sở để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và ý kiến nhân dân, từ đó có hình thức vận động phù hợp. Điều quan trọng nhất là cán bộ làm công tác Mặt trận là nói phải đi đôi với làm, có như vậy, việc tuyên truyền, vận động mới hiệu quả, nhân dân mới tin tưởng và làm theo.

Với suy nghĩ như vậy, nên ông Khắc không nề hà bất cứ việc gì của cộng đồng, thôn xóm. Trong vai trò là Trưởng ban Công tác Mặt trận, ông luôn gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền vận động nhân dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tuyên truyền 5 nội dung của cuộc vận động đến với từng hộ gia đình, vận động bà con thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.

Thôn Thái Bình có 85 hộ với 400 nhân khẩu, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Để giúp các hộ nghèo vươn lên, ông Khắc đã trực tiếp đến từng nhà tìm hiểu nhu cầu nguyện vọng của bà con. Qua nắm tình hình thực tế ông đã họp bàn thống nhất với các thành viên Ban Công tác Mặt trận phân công các chi hội đoàn thể như nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh lựa chọn những hộ gia đình có điều kiện kinh tế, có kinh nghiệm sản xuất để giúp đỡ về vốn, hướng dẫn các hộ nghèo về cách làm ăn. Từ mô hình này của ông Khắc đã có hàng chục hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn được tiếp sức về giống, vốn để phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Trong số đó, có 5 hộ nghèo trong thôn đã được gia đình ông Khắc giúp đỡ vay vốn không tính lãi để làm kinh tế. Đến nay, đã có 4 hộ thoát nghèo và 1 hộ vươn lên hộ khá.

Không chỉ trực tiếp giúp đỡ các hộ nghèo, ông Khắc cũng có nhiều cách làm thiết thực tuyên truyền vận động nhân dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tuyên truyền 5 nội dung của cuộc vận động đến với từng hộ gia đình, vận động bà con thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Bản thân ông cũng luôn gương mẫu, đi đầu tuyên truyền vận động người dân đồng thuận hiến đất, đóng góp ngày công lao động để làm các công trình nông thôn mới. Khi địa phương có chủ trương làm đường giao thông nông thôn, gia đình ông Khắc đã tiên phong hiến 58m2 đất. Hưởng ứng và làm theo, người dân trong thôn đã đồng thuận hiến hơn 1.400m2 đất ruộng và đất thổ cư cùng 4,2 tấn xi măng để mở rộng đường tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân trong thôn. Cũng từ sự vận động, thuyết phục của ông Khắc đã có 12 hộ dân trong thôn hiến 20.000m2 đất để làm sân thể thao và trường mầm non của xã, đóng góp hàng trăm triệu đồng và ngày công để xây dựng cổng làng, xây dựng một nhà họp thôn.

Những chuyển biến trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua trên địa bàn xã Quân Hà có đóng góp của những người làm công tác Mặt trận ở cơ sở trong đó có cá nhân ông Khắc. Tại Hội nghị biểu dương Chủ tịch MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022, ông Phạm Văn Khắc vinh dự là một trong 63 cá nhân được đề nghị nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Vũ Mạnh