Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

(Mặt trận) -Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề lớn mang tính toàn cầu. Nhiều nghiên cứu và báo cáo đánh giá vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đã và đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI, có tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh môi trường thế giới. Bài viết phân tích thực trạng công tác tham gia bảo vệ môi trường của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ năm 2017 đến nay, đề xuất những giải pháp bước đầu nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

Kết quả công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu thời gian qua

Thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã ký kết chương trình phối hợp hoặc kế hoạch phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện. Công tác phối hợp tập trung vào các nội dung chủ yếu như: Tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; giám sát và phản biện xã hội về bảo vệ môi trường; xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình điểm…

Trong giai đoạn 2017 - 2021, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hỗ trợ 50/63 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng mới, duy trì, nhân rộng 354 mô hình điểm bảo vệ môi trường, điển hình là các mô hình “Lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, "Khu dân cư thực hiện hài hòa giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường gắn với nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu”… Xây mới và nhân rộng mô hình điểm "Vận động Nhân dân ở khu dân cư thực hiện tang văn minh, tiến bộ và bảo vệ môi trường”; xây dựng mô hình điểm thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn ở cộng đồng dân cư. Từ các mô hình điểm, đến nay, 50 tỉnh, thành phố được hỗ trợ đã xây dựng mới, duy trì và nhân rộng được 40.626 mô hình điểm, trong đó Hưng Yên với 3.527 mô hình, Bắc Giang có 2.517 mô hình, Tuyên Quang 1.797 mô hình, Quảng Nam 3.590 mô hình, Bến Tre 1.891 mô hình, Long An 997 mô hình và Trà Vinh 905 mô hình…

Những nội dung của công tác bảo vệ môi trường đã được Ban Công tác Mặt trận hướng dẫn lồng ghép vào các chương trình, dự án, phong trào, cuộc vận động ở khu dân cư, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và thành viên cùng tham gia. Nhiều nội dung của công tác bảo vệ môi trường đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với chính quyền, đoàn thể nhân dân tuyên truyền rộng rãi đến từng đoàn viên, hội viên, hộ gia đình và mỗi người dân như: trồng rừng, bảo vệ vườn, rừng cây xanh; giữ gìn nguồn nước; thu gom và xử lý rác thải; sử dụng đúng quy trình thuốc bảo vệ thực vật; xoá bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, các thói quen nếp sống thiếu vệ sinh; quan tâm bảo vệ giữ gìn, tôn tạo cảnh quan văn hoá, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh… Cùng với đó, các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam như: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh đã có những chương trình truyền thông, kế hoạch hoạt động tham gia vào công tác bảo vệ môi trường ở khu dân cư.

Công tác giám sát, phản biện xã hội, tập hợp ý kiến Nhân dân về bảo vệ môi trường

Chỉ tính trong thời gian từ năm 2018 - 2020, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan chủ trì, tổ chức giám sát về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, gồm: việc triển khai thực hiện quy định của pháp luật về công tác quản lý, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải rắn, rác thải nhựa trong sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, làng nghề, hộ gia đình và cộng đồng dân cư; các văn bản việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; giám sát qua báo chí, ý kiến, kiến nghị của Nhân dân về thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại một số tỉnh, thành phố như Hải Dương, Lào Cai, Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… Cùng với đó, hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện rà soát tại những nhà máy, cơ sở sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường ở xã, phường, thị trấn, báo cáo lên cấp trên để tổng hợp, xem xét, giám sát. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã triển khai 2.550 cuộc giám sát, thường xuyên tập hợp ý kiến của Nhân dân trên lĩnh vực tài nguyên, môi trường để phản ánh đến các cơ quan Đảng, chính quyền, báo cáo tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân. Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp, đã huy động được nguồn lực của địa phương, có sự phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên và Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện. Sau giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã kịp thời có báo cáo, kiến nghị cụ thể, xác đáng gửi các cơ quan có thẩm quyền để chỉ đạo khắc phục những hạn chế, bất cập, đồng thời rà soát hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Đặc biệt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tham gia phản biện, góp ý kiến vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Dự thảo Luật Khí tượng thủy văn… Đồng thời, thường xuyên tổ chức tập hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân về quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường để báo cáo trước các kỳ họp Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; cùng với cấp ủy, chính quyền tổ chức đối thoại với Nhân dân những nội dung có liên quan đến quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đối thoại và những kiến nghị của Mặt trận, đã góp phần giải quyết những vướng mắc, nêu lên nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân trong công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường như các dự án khai thác đá, khai thác titan, khai thác cát sỏi, ô nhiễm ở một số nhà máy, khu công nghiệp, làng nghề…

Một số giải pháp bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Làm rõ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của các cấp, ngành cũng như người dân đối với việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đất nước, được nêu trong các nghị quyết của Đảng qua các nhiệm kỳ, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của mỗi người dân, gia đình, cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường. Trong đó tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về Chương 13: Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường...

Hai là, tiếp tục tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, hội viên, hộ gia đình, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo về quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Không sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần; sản xuất, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường. Hàng năm, tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường” và hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6; kết hợp tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường ở khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Ba là, tổ chức tốt các hoạt động thông tin, tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Tích cực tham gia xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước, cam kết về bảo vệ môi trường và các mô hình điểm về bảo vệ môi trường ở cộng đồng dân cư. Vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào bảo vệ môi trường. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngành Tài nguyên và Môi trường biên soạn, phát hành hướng dẫn, đề cương, tài liệu tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường.

Bốn là, tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn, trang bị kiến thức cho cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời kỳ mới, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của của mỗi người dân, gia đình, cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường. Nâng cao kỹ năng thực hiện giám sát và phản biện xã hội đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu cho cán bộ Mặt trận cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư và các vị già làng, trưởng bản trong vùng đồng bào dân tộc.

Năm là, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Ban Công tác Mặt trận khu dân cư tiếp tục vận động Nhân dân thực hiện và nhân rộng các mô hình điểm bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu; Tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình điểm thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn ở cộng đồng dân cư. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên, các tổ chức tôn giáo nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” góp phần xây dựng diện mạo khu dân cư nông thôn mới, đô thị văn minh sáng - xanh - sạch - đẹp, khu dân cư văn hóa. Duy trì tổ chức ký cam kết đến từng hộ gia đình, từng khu dân cư về bảo vệ môi trường, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường.

Vận động Nhân dân ở những vùng chịu ảnh hưởng tác động của biến đổi khí hậu chuyển đổi cơ cấu, mô hình, quy trình sản xuất, tổ chức đời sống sinh hoạt thích ứng với biến đổi khí hậu; hạn chế ảnh hưởng tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến sản xuất, đời sống.

Sáu là, tăng cường phối hợp với ngành tài nguyên môi trường và các cơ quan chức năng trong công tác giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật  bảo vệ môi trường, nhất là những vụ việc, địa bàn Nhân dân có nhiều bức xúc; tham gia phản biện, xây dựng, góp ý kiến vào dự thảo các văn bản pháp luật về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, các đề tài dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; tổ chức tập hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân về lĩnh vực tài nguyên, môi trường gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp; phối hợp khảo sát đánh giá sự hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống năm 2022.

Bảy là, phát hiện, biểu dương các mô hình hay, điển hình tiên tiến trong các hoạt động, phong trào bảo vệ môi trường, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

Vũ Đình Long

Phó Trưởng ban Tuyên giáo, UBTW MTTQ Việt Nam