Nam Sách quyết liệt phân loại rác thải tại nguồn

(Mặt trận) -Những ngày này, đi dọc các con đường, tuyến phố ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương dễ dàng bắt gặp hình ảnh mỗi gia đình có 2 thùng đựng rác in chữ "rác vô cơ", "rác hữu cơ" để phân loại tại nguồn

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

 Việc tuyên truyền, hướng dẫn xử lý rác thải tại nguồn được thực hiện đến từng gia đình

Đây là một trong những kết quả bước đầu khi Nam Sách quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/HU ngày 22.3.2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy. 

Đóng cửa các bãi chứa rác

Năm 2021, toàn huyện Nam Sách có 15 bãi chứa rác thải tập trung của các xã, thị trấn và 53 bãi chứa rác thải của các thôn, khu dân cư. Tỷ lệ thu gom rác ở nông thôn đạt trên 97%, ở đô thị đạt 95%. Tuy nhiên, các bãi này đã lấp đầy trên 70%, phương pháp xử lý thủ công gây ô nhiễm môi trường và không còn phù hợp. Để có giải pháp bền vững, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Sách đã ban hành Nghị quyết số 13 về thực hiện phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Huyện chọn việc nâng cao tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn là công việc đột phá của năm.

Cả hệ thống chính trị huyện quyết tâm mạnh mẽ, cùng người dân vào cuộc thực hiện nghị quyết này. Các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương xác định việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt là nhiệm vụ cần tập trung thường xuyên, lâu dài. Công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, bao gồm việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trở thành một chỉ tiêu đánh giá thi đua cán bộ trong cơ quan, đơn vị và là một tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Sách chỉ đạo sinh hoạt cấp ủy, chi bộ ở các tổ chức cơ sở đảng hằng tháng cần gắn với đánh giá, kiểm điểm công tác phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Ban Chỉ đạo thực hiện nghị quyết được thành lập do đồng chí Bí thư Huyện ủy đứng đầu.

Xác định việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người dân về phân loại rác thải tại nguồn là khâu quan trọng, huyện đã đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền. Khối dân vận, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền. Nhiều hội nghị chuyên đề, buổi diễn, tiểu phẩm... được tổ chức. Khối trường học các cấp cũng tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức phân loại rác thải cho học sinh. Hàng nghìn pa nô, áp phích, tranh cổ động và sổ tay kiến thức phân loại rác được treo ở nơi công cộng và phát đến từng hộ dân. Cổng thông tin điện tử huyện thành lập một chuyên trang tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết số 13.

Huyện có cơ chế khen thưởng cá nhân, tổ chức tiêu biểu và xử lý những trường hợp thực hiện không nghiêm túc. Những gia đình không phân loại rác hoặc thực hiện không triệt để sẽ bị nêu tên 3 lần trên loa truyền thanh, không khắc phục sẽ bị ngừng thu gom rác.

Cấp ủy, chính quyền, MTTQ các xã, thị trấn tích cực vào cuộc, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Nhiều đoàn thể đến từng gia đình hướng dẫn, vận động thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, phun chữ vào 2 thùng phân loại rác cho người dân...

 Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội của huyện Nam Sách có nhiều hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn

Thu "quả ngọt" 

Sau gần một tháng đồng loạt triển khai việc phân loại rác thải tại nguồn từ ngày 1.5, huyện Nam Sách đã thu những "quả ngọt" đầu tiên. Các bãi chôn lấp rác thải tập trung được đóng cửa từ ngày 1.5. Các địa phương đã tổ chức san gạt, chôn lấp rác thải tại bãi chôn lấp tập trung để trồng cỏ và cây xanh, tiến độ xử lý đến ngày 24.5 đạt khoảng 50%. Trước đó, 57 bể ủ rác đã được xây bê tông kiên cố, bước đầu hoạt động hiệu quả. Rác hữu cơ được chuyển ra bể ủ, rác vô cơ được chuyển đến nhà máy xử lý rác thải ở xã Việt Hồng (Thanh Hà). 

"Giờ đây, nhà nhà thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Từ ngày áp dụng cách này, lượng rác gia đình tôi thải ra môi trường giảm đến 80%, cây rau trong vườn xanh tốt hơn hẳn nhờ có phân hữu cơ ủ từ rác sinh hoạt", ông Nguyễn Danh Nam ở thôn An Đoài, xã An Bình (Nam Sách) nói.

Từ ngày 1-24.5, toàn huyện Nam Sách có gần 108 tấn rác vô cơ được chuyển đi xử lý, giảm rõ rệt so với trước khi phân loại rác thải tại nguồn. 

PHẠM TUYẾT