Nam Định với nhiều cách làm hay trong công tác bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nam Định được quan tâm, với nhiều mô hình, cách làm hay, góp phần tích cực tạo chuyển biến nhận thức của người dân, từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

MTTQ các cấp tỉnh Hải Dương dự kiến hỗ trợ xây dựng 185 nhà 'đại đoàn kết' cho hộ nghèo

Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phú Đức tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới

Vĩnh Lợi (Bạc Liêu): Phát huy vai trò Mặt trận, đẩy mạnh các phong trào thi đua

 Học sinh Trường THCS Hải Lý (Hải Hậu) thu gom và phân loại rác thải trong nhà trường.

Theo đó, tỉnh Nam Định đã quan tâm giải quyết nhiều vấn đề về môi trường; gắn quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp và đồng bộ với công tác bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động, phong trào tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân. Các sở, ngành trong tỉnh cũng tăng cường kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp; các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm đầu tư hạ tầng, thiết bị để xử lý các nguồn gây ô nhiễm. Nhờ vậy, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoàn thành việc xử lý ô nhiễm triệt để đã tăng đáng kể, các nguồn gây ô nhiễm từng bước được kiểm soát. Trách nhiệm về bảo vệ môi trường trong các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Trong đó, các tổ chức hội, đoàn thể đã triển khai và duy trì có hiệu quả hoạt động thu gom rác thải, trồng cây xanh bảo vệ môi trường, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong cán bộ, hội viên và nhân dân. Hàng năm, các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường và các sự kiện liên quan, như: Ngày nước sạch thế giới (23-3), Ngày môi trường thế giới (5-6), Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn (20-9)... được triển khai sâu rộng nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường gắn bó với thiên nhiên. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường tiếp tục được đẩy mạnh gắn với các phong trào: “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni-lông”; “Chống rác thải nhựa”; “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần, từ chối sản phẩm không thể tái sử dụng”… Các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, xây dựng kế hoạch, quy chế thu gom, vận chuyển rác thải và tổ chức thực hiện đồng bộ theo quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tại các khu dân cư và các hộ dân. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường; triển khai các mô hình tự quản bảo vệ môi trường có sự tham gia của cộng đồng ở từng thôn, tổ, khu dân cư. Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường, Mặt trận Tổ quốc các cấp còn đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; vận động nhân dân xây dựng các tuyến phố, khu dân cư kiểu mẫu xanh - sạch - đẹp; bổ sung những nội dung về bảo vệ môi trường vào hương ước, quy ước để mọi người dân cùng thực hiện. Các nội dung bảo vệ môi trường được đưa vào tiêu chuẩn thi đua, bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Khu dân cư 5 không”, “Xứ, họ đạo tiên tiến”, “Gia đình Công giáo gương mẫu”. Đặc biệt, việc xây dựng các mô hình tự quản về môi trường như “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường”, “Tổ thu gom rác thải”, “Tổ tự quản bảo vệ môi trường”… đã góp phần đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, huy động tối đa các nguồn lực của xã hội thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Ở nhiều địa phương, nhân dân còn cùng với chính quyền xây dựng, bảo vệ, cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp thoát nước, các điểm thu gom, xử lý rác thải, trồng cây xanh; thực hiện không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; không đổ phế thải sai quy định; duy trì các hoạt động giữ gìn vệ sinh, làm sạch, đẹp, khang trang phố phường, đường làng, ngõ xóm. 

Bên cạnh đó, công tác quản lý, thu gom và xử lý chất thải, nước thải ở khu vực nông thôn cũng được cải thiện. Hiện nay, 100% xã, thị trấn trong tỉnh đã tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt; 106 xã, thị trấn lắp đặt lò đốt rác thải sinh hoạt; tỷ lệ chất thải rắn ở nông thôn được thu gom đạt 88,4%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại đạt 92,6%. Số hộ gia đình có các công trình vệ sinh đạt yêu cầu chiếm tỷ lệ cao; trên 3.000 khu dân cư không có ô nhiễm môi trường. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đăng ký thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ Nam Định chung sức xây dựng NTM”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, chỉ đạo Hội Phụ nữ cơ sở đảm nhận công tác vệ sinh môi trường; trồng và chăm sóc hoa trên các tuyến đường. Các cấp Hội Nông dân đảm nhận các mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”; thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài cánh đồng; “Vườn kiểu mẫu”; phát động hội viên tích cực tham gia phong trào “Ngày chủ nhật xanh” bằng những việc làm cụ thể như: Tích cực dọn vệ sinh đường làng, ngõ, xóm tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp; nạo vét khơi thông dòng chảy các kênh mương thủy lợi nội đồng… Đoàn Thanh niên với phong trào “Ngày thứ bảy tình nguyện”; đảm nhận các tuyến đường tự quản; xây dựng và nhân rộng mô hình, công trình, phần việc thanh niên bảo vệ môi trường. Hội Cựu chiến binh tỉnh xây dựng các mô hình “Tổ, đội cựu chiến binh tự quản thu gom rác thải”. Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp Công đoàn phối hợp với cơ quan chuyên môn đẩy mạnh phong trào “xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”. Ngành GD và ĐT đã tích cực tham mưu với các địa phương đầu tư kinh phí để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giáo dục, xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn trong các cơ sở giáo dục. Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các trường học xây dựng kế hoạch giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai tới tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh, đồng thời đầu tư cơ sở vật chất tạo môi trường sư phạm xanh - sạch - đẹp - an toàn. Các nhà trường quan tâm việc thiết kế khuôn viên cây xanh, bồn hoa, thảm cỏ, khuyến khích các trường tiểu học xây dựng thư viện xanh ngoài trời theo mô hình Room to Read thân thiện… Đến nay rất nhiều trường đã thiết kế được khuôn viên xanh - sạch - đẹp đem lại môi trường giáo dục tốt, an toàn và hài hòa với thiên nhiên. Bên cạnh đó, các hoạt động giáo dục môi trường còn được thực hiện thông qua hoạt động làm đồ dùng tái chế từ các vỏ đồ hộp, giấy bìa loại, vật dụng cũ..., tham gia hưởng ứng “Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường”; chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”... Qua đó, học sinh được trang bị những kiến thức cơ bản về vai trò của môi trường đối với con người và tác động của con người đối với môi trường, phát triển kỹ năng bảo vệ và gìn giữ môi trường.

Những hoạt động thiết thực chung tay bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành và của mỗi người dân đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bảo vệ sức khỏe cộng đồng./.

HM- VM