Nam Định: Nhân rộng các mô hình tự quản tại khu dân cư

(Mặt trận) -Nhằm đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”, thời gian qua, MTTQ các cấp tỉnh Nam Định đã chú trọng xây dựng, nhân rộng, nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình tự quản trên địa bàn dân cư, góp phần vào kết quả xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh.

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

Tiền Giang: Cùng chung tay chăm lo Tết cho người nghèo

Mặt trận Tổ quốc huyện Xuân Trường đoàn kết nhân dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

 Nhân dân xã Hải Lộc (Hải Hậu) với mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón

Đến nay, toàn tỉnh Nam Định đã thành lập được hàng nghìn tổ tự quản trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Hầu hết các tổ tự quản đều duy trì hoạt động thường xuyên với những cách làm cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng khu dân cư và nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Thành viên các tổ tự quản đã tham gia đóng góp tích cực để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), an ninh trật tự, hòa giải mâu thuẫn, mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân; duy trì tốt các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế; thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, đóng góp và giám sát xây dựng các công trình phúc lợi, thiết chế văn hóa tại thôn, xóm, tổ dân phố. 

Trong rất nhiều mô hình tự quản hoạt động hiệu quả phải kể đến các mô hình khu dân cư tự quản về an ninh trật tự, ATGT. Tiêu biểu như mô hình điểm “Khu dân cư bảo đảm trật tự, ATGT” được triển khai xây dựng tại xã Hải Hưng (Hải Hậu) từ tháng 1-2019. Để triển khai mô hình, UBND xã đã thành lập ban chỉ đạo, thành lập 20 tổ tự quản với 104 thành viên do đồng chí bí thư chi bộ làm tổ trưởng, trưởng xóm làm tổ phó, trưởng các đoàn thể ở khu dân cư là thành viên. MTTQ xã và các tổ chức đoàn thể đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục về ATGT theo các chủ đề: vận động người dân tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT; thực hiện các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông, quy định của pháp luật về việc đội mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, trẻ em; các quy tắc giao thông đường bộ; các quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông; thực hiện nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông… Bên cạnh đó, MTTQ xã rà soát, bổ sung nội dung bảo đảm trật tự ATGT vào hương ước, quy ước xóm; thu thập các tài liệu về bảo đảm ATGT bổ sung vào tủ sách của các xóm; hướng dẫn hoạt động của các mô hình “Khu liên gia tự quản”, “Đoạn đường do cựu chiến binh tự quản” trong việc giám sát xây dựng các công trình giao thông, đường làng, ngõ xóm và quản lý các hoạt động bảo đảm ATGT khác. Trong khuôn khổ mô hình, MTTQ xã còn tổ chức ký cam kết “Khu dân cư bảo đảm trật tự ATGT”, “Tổ tự quản ATGT”, “Đoạn đường tự quản” không vi phạm các quy định về bảo vệ công trình và hành lang ATGT; ký cam kết thực hiện mô hình tới các hộ gia đình trong xã, không sử dụng lòng, lề đường, vỉa hè để buôn bán, họp chợ; không đốt rơm rạ, phơi rơm rạ, thóc lúa, dựng rạp, lều quán, buồng bạt lấn chiếm lòng lề đường… 

Qua các mô hình điểm được triển khai cho thấy, hình thức tổ tự quản ATGT đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác vận động nhân dân tham gia các hoạt động bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn phường, xã, khu dân cư. Tại các xã, phường, thị trấn, nhân dân đều tổ chức bàn bạc, thành lập các tổ tự quản về ATGT, xây dựng lực lượng quần chúng nòng cốt tham gia giữ gìn trật tự ATGT. Trong những năm qua, MTTQ cùng với các tổ chức đoàn thể củng cố, xây dựng trên 3.000 đội tự quản về an ninh trật tự, ATGT ở khu dân cư. Điển hình là các huyện Trực Ninh, Hải Hậu, Vụ Bản đã thành lập 173 tổ an ninh giao thông ở các địa bàn tập trung đông dân cư, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ có lưu lượng người và xe đông, thường xuyên xảy ra các vụ va chạm và tai nạn giao thông. Các thành viên trong tổ luôn có mặt kịp thời, chủ động bảo vệ hiện trường, vừa đảm bảo tính mạng, tài sản của người bị nạn, vừa giúp lực lượng công an có thông tin kịp thời để xử lý nghiêm minh, đúng luật. Huyện Vụ Bản, Hải Hậu xây dựng và nhân rộng ra toàn huyện mô hình “Khu dân cư bảo đảm trật tự ATGT”. Một số địa phương như Hải Hậu, Nam Trực, Xuân Trường, Giao Thuỷ, thành phố Nam Định đã thành lập và phát huy tốt vai trò của các “Hội đồng tự quản trật tự ATGT”; xây dựng, duy trì các mô hình quần chúng tham gia tự quản giao thông như “Tuyến đường phố tự quản”, “Khu dân cư tự quản”...

Bên cạnh đó, trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, việc xây dựng các mô hình tự quản về môi trường như “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường”, “Tổ thu gom rác thải”, “Tổ tự quản bảo vệ môi trường”… đã góp phần đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, huy động tối đa các nguồn lực của xã hội nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Tại nhiều khu dân cư, nhân dân cùng nhau bàn bạc, xây dựng các chỉ tiêu cụ thể về xây dựng môi trường, cảnh quan, đưa vào quy ước chung để cùng nhau thực hiện. Ở nhiều địa phương, nhân dân còn cùng với chính quyền xây dựng, bảo vệ, cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp thoát nước, các điểm thu gom, xử lý rác thải, trồng cây xanh; thực hiện không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; không đổ phế thải sai quy định; duy trì các hoạt động giữ gìn vệ sinh, làm sạch, đẹp, khang trang phố phường, đường làng, ngõ xóm. Công tác quản lý, thu gom và xử lý chất thải, nước thải ở khu vực nông thôn cũng được cải thiện. 100% xã, thị trấn tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, các tổ chức thành viên của Mặt trận cũng xây dựng được nhiều mô hình tự quản về bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh với các mô hình: “Chi hội phụ nữ 3 sạch, tham gia xây dựng NTM”, “Chi hội phụ nữ chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường”, “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường khu vực biển, xây dựng NTM”, “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp, thân thiện”, “Chi hội sống xanh”, “Phụ nữ liên kết phân loại, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường”, “Tuyến đường do phụ nữ tự quản, góp phần bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “Tuyến đường hoa do phụ nữ tự quản”. Các cấp Hội Nông dân với mô hình tổ tự quản thu gom rác thải trong thôn xóm, khu dân cư; thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài cánh đồng; trồng mới, bảo vệ và chăm sóc hàng cây nông dân; xây dựng tuyến đường không có rác thải, dòng sông không rác thải…

Với việc xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản ở khu dân cư, MTTQ các cấp tỉnh Nam Định đã góp phần  phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư, nâng cao ý thức, trách nhiệm tích cực xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng NTM, đô thị văn minh, thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.

Lam Hồng – Thu Hằng