MTTQ tỉnh Tuyên Quang phát huy vai trò của các tổ tự quản bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Thời gian qua, hoạt động của các tổ tự quản bảo vệ môi trường đã góp phần thay đổi hành vi, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng trong công tác gìn giữ, bảo vệ môi trường, góp phần làm cho môi trường sống ngày càng văn minh, sạch đẹp.

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

Hiệu quả thiết thực

Đồng chí Đỗ Minh Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tuyên Quang cho biết: Phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” là một trong hai nội dung đột phá về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của tỉnh. Thời gian qua, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp, thống nhất triển khai thực hiện nội dung này.

Theo đó, MTTQ các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thông qua mô hình tự quản tại các khu dân cư để giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; tổ chức phân loại, thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa. Đến nay, Ban Công tác Mặt trận đã chủ trì, phối hợp xây dựng được 2.109 mô hình tự quản, 2.468 nhóm tự quản, thực hiện thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa ngay từ các hộ gia đình, cộng đồng, khu dân cư, xây dựng cộng đồng khu dân cư xanh, sạch, đẹp, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2020 đến nay, tổng trị giá kinh phí xã hội hoá hỗ trợ và nhân dân tự nguyện đóng góp để trang bị vật dụng (thùng rác, xe đẩy rác, xây bể xử lý rác, túi thân thiện với môi trường, tờ rơi, vật dụng vệ sinh môi trường… trên 4 tỷ đồng. Năm 2022, MTTQ tỉnh phát hành 3.000 ấn phẩm mô hình tiêu biểu trong thực hiện Phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác và chống rác thải nhựa”, giới thiệu những mô hình, hình ảnh tiêu biểu trong công tác bảo vệ môi trường của MTTQ và các tổ chức thành viên để tuyên truyền, nhân rộng trong nhân dân.

 Chi đoàn thôn Văn Nham, xã Hùng Đức (Hàm Yên) tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chăm sóc tuyến đường hoa.

Ông Phạm Văn Hanh, Trưởng thôn, tổ trưởng Tổ tự quản Môi trường thôn Bình Ca 2, xã Tứ Quận (Yên Sơn) cho biết: Tổ tự quản của thôn có 9 thành viên, các thành viên được phân công phụ trách từng khu vực cụ thể trên địa bàn. Trước đây, ở thôn, người dân đổ rác thải tự phát bừa bãi, rồi người dân nơi khác mang rác đến đổ trộm, hoặc tình trạng chất thải từ thôn khác theo dòng chảy của suối, chảy qua địa bàn thôn Bình Ca, gây ô nhiễm môi trường sống... Nhưng từ khi có tổ tự quản môi trường sâu sát bám nắm địa bàn, tuyên truyền, vận động bà con chú trọng giữ vệ sinh chung, bỏ rác đúng nơi quy định, tổ chức cho nhân dân phát dọn đường làng, ngõ xóm, vệ sinh khuôn viên nhà văn hóa vào ngày 30 hàng tháng...

Đến nay, việc vệ sinh đường làng, ngõ xóm định kỳ hàng tháng đã đi vào nền nếp, nhận thức, trách nhiệm của người dân với môi trường sống tại khu dân cư đã nâng lên rõ rệt. Ông Hanh bảo: Tự hào nhất là tổ tự quản đã luôn đoàn kết, nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ, không có vấn đề bức xúc nào xảy ra trên địa bàn thôn phải xử lý vượt cấp, môi trường ở thôn Bình Ca 2 luôn được giữ gìn sạch đẹp.

Khi người dân tự quản bảo vệ môi trường

Ở xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình người dân hầu hết đều biết đến anh Đặng Văn Lâm, Tổ trưởng tổ tự quản thôn Nà Cọn, xã Thổ Bình. Anh là người nhiều lần được vinh danh trong các phong trào thi đua yêu nước với thành tích về bảo vệ môi trường. Năm 2020, anh đã tự chế ra chiếc xe tắc tơ đi thu gom rác thải  tại các điểm công cộng như chợ, 3 trường học: Trường Mầm non, Trường Tiểu học, THCS... cho nhân dân trên địa bàn của 6/10 thôn của xã Thổ Bình.

Tổ tự quản thôn Nà Cọn chỉ có 2 người, nhưng đã đảm nhận việc thu gom, vận chuyển rác cho bà con một tuần 3 buổi suốt dọc chiều dài gần 6 km trên địa bàn xã. Ban đầu, anh họp từng thôn, hướng dẫn bà con phân loại rác tại nguồn để thuận lợi cho việc thu gom, vận chuyển rác. Ngày mưa, anh phải đổ rác vào nhà kho, ngày nắng lại cào ra phơi xong mới xử lý được...

 Tổ tự quản thôn Trại Mít, xã Hào Phú (Sơn Dương) tham gia đổ nền giúp gia đình hội viên Nguyễn Thị Hợi hộ nghèo xóa nhà tạm.

Thời gian qua, nhiều công trình, phần việc của các tổ chức thành viên đã phối hợp, tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường rất hiệu quả, thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, hội viên như Hội LHPN có mô hình “Gia đình 5 không, 3 sạch”, đảm nhận các tuyến đường hoa. Đoàn Thanh niên có các mô hình “Ngày chủ nhật xanh”, “Ngày thứ 7 tình nguyện”...

Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, tổ trưởng tổ tự quản chi hội phụ nữ thôn Trại Mít, xã Hào Phú (Sơn Dương) cho biết: Tổ tự quản gồm 62 hội viên. Với tinh thần tương thân, tương ái của chị em phụ nữ, tổ không chỉ thực hiện tốt việc vệ sinh đường làng, ngõ xóm, đồng ruộng; chăm sóc, phát triển đường hoa, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng... mà còn hỗ trợ ngày công, san đất, đổ nền xóa nhà tạm, ủng hộ gần 20 công lao động gặt lúa giúp những hộ hội viên có gia cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo; tặng quà cho cháu Bảo An bị bệnh tim với số tiền hơn 7 triệu đồng... Quý III-2022, tổ tự quản thôn Trại Mít đã phối hợp với Đoàn Thanh niên của thôn, trồng mới được hơn 600 mét đường hoa, nâng tổng tuyến đường hoa của thôn lên gần 2 km...

Đến nay, nội dung bảo vệ môi trường đã trở thành một trong những tiêu chí đánh giá, bình xét trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Có thể nói, việc thành lập các tổ tự quản bảo vệ môi trường đã và đang mang lại kết quả thiết thực, môi trường được cải thiện, đường làng, ngõ xóm được vệ sinh sạch sẽ, cống rãnh được khơi thông, rác thải được thu gom, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường được nâng cao. Điều này vừa góp phần thực hiện tốt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, vừa hướng người dân tới cuộc sống xanh, thân thiện với môi trường...

Ngọc Bích