MTTQ Hải Phòng: Nhiều mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu

(Mặt trận) -Chiều 17/4, MTTQ TP Hải Phòng tổ chức hội nghị ký kết chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023-2026.

Mang Tết đến với người nghèo huyện Tri Tôn

Niềm vui được đón Tết trong những ngôi nhà mới ở Quảng Trị

TP Đà Nẵng: Phát động chương trình Xóa nhà tạm, nhà dột nát” năm 2025

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Minh Thành, Phó giám đốc Sở TNMT TP Hải Phòng cho biết, thời gian qua, MTTQ TP Hải Phòng triển khai tuyên truyền các tầng lớp nhân dân, gắn với nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". MTTQ TP Hải Phòng phối hợp với Sở TNMT, các địa phương tổ chức xây dựng mô hình điểm, khảo sát đưa ra các hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện thực tế.

 Đại diện MTTQ thành phố, Sở TNMT tại Hải Phòng và các tổ chức tôn giáo ký kết Chương trình phối hợp tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023-2026 tại Hải Phòng.

Tại Hải Phòng, nhiều tổ chức tôn giáo đã đưa nội dung BVMT lồng ghép trong các buổi thuyết giảng giáo lý, giáo luật hay tổ chức các khóa tập huấn, các cuộc hội thảo, tổ chức gây quỹ phòng chống thiên tai, tổ chức các đợt cứu trợ…

Qua việc gặp mặt, MTTQ các quận, huyện trao đổi với các chức sắc tôn giáo, quán triệt, phổ biến về chủ trương BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay; vận động các chức sắc, tín đồ cam kết xây dựng, giữ gìn các cơ sở thờ tự, nơi sinh hoạt tôn giáo bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp. Các chức sắc tôn giáo tuyên truyền đến nhân dân không chặt phá cây xanh, khai thác cát, sỏi, đổ chất thải trái phép; không sử dụng chất cấm, chất kích thích và chất bảo vệ thực vật không đúng quy định trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến…

Tại các đơn vị làm điểm, với sự chủ trì của MTTQ, các địa phương đã chủ động khảo sát, đánh giá thực trạng về công tác vệ sinh môi trường, thành lập ban chỉ đạo, xây dựng các tiêu chí đánh giá; trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các tổ chức thành viên, các chức sắc, chức việc của các tôn giáo; trách nhiệm của cấp ủy, Ban Công tác mặt trận thôn, tổ dân phố, khu dân cư; tổ chức ký cam kết… Quá trình thực hiện, đại bộ phận nhân dân và tín đồ các tôn giáo đã bước đầu ý thức được tầm quan trọng và tiến hành các hoạt động BVMT.

Nhiều mô hình điểm được chỉ đạo có kết quả tốt như: Mô hình “Tự quản bảo vệ môi trường ở cộng đồng dân cư” tại thôn Đốc Hậu xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng; mô hình “Toàn dân tham gia BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ven biển hải đảo” tại xã Văn Phong, huyện Cát Hải và xã Đoàn Xá, huyên Kiến Thụy; mô hình “Toàn dân tham gia BVMT tại cộng đồng dân cư” tại thị trấn An Dương, huyện An Dương…

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch MTTQ TP Hải Phòng Cao Xuân Liên khẳng định: Phát huy kết quả đạt được, chương trình phối hợp giai đoạn năm 2022-2026 phải được quán triệt, thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ, khoa học, thiết thực và hiệu quả. Tất cả MTTQ các huyện, quận và phòng TNMT các quận, huyện tại TP Hải Phòng xây dựng, ban hành Kế hoạch phối hợp với các tổ chức tôn giáo trên địa bàn đảm bảo phù hợp với mục tiêu, với thực tiễn ở mỗi địa phương, mỗi tôn giáo. MTTQ TP Hải Phòng sẽ đưa tiêu chí môi trường vào quy ước, hương ước khu dân cư và các văn bản hướng dẫn bình xét, đánh giá công nhận danh hiệu văn hóa hằng năm của gia đình, tổ chức, hình thành nếp sống xanh, sạch, đẹp, đạo đức sinh thái.

MTTQ TP Hải Phòng cũng đề xuất UBND TP Hải Phòng chỉ đạo các ban, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý việc thu gom và xử lý rác thải, nhất là khu vực nông thôn; xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường; quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn.

Phương Thanh