MTTQ các cấp tỉnh Tuyên Quang sáng tạo, đổi mới hoạt động hướng về cơ sở

(Mặt trận) -Gần 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội MTTQ tỉnh Tuyên Quang nhiệm kỳ 2019 - 2024, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã chủ động, đổi mới, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động hướng về cơ sở, gần dân và sát dân. Nét nổi bật là Ủy ban MTTQ các cấp đã chú trọng lựa chọn nội dung có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng rõ mô hình để tổ chức thực hiện

Yên Bái: 100% hộ dân bị thiệt hại về nhà do bão số 3 có nhà mới trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Hơn 60 tuổi, bà Hoàng Thị Yên, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 14, xã Kim  Phú (thành phố Tuyên Quang) vẫn sử dụng thành thạo mạng xã hội facebok và zalo. Bà Yên bảo, từ ngày có mạng xã hội, công tác tuyên truyền của cán bộ Mặt trận thuận lợi hơn rất nhiều. Bà thành lập nhóm zalo để thông báo hoạt động của thôn. Mỗi khi huy động nhân dân thực hiện vệ sinh đường làng, ngõ xóm hay huy động đóng góp của người dân bà chỉ cần nhắn tin trên nhóm zalo chứ không phải đến thông báo với từng nhà như trước đây. Bà Yên cũng thường xuyên tuyên truyền các nội dung trên trang fanpage của MTTQ xã để người dân nắm các chủ trương, chính sách mới.

 Cán bộ MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang tham gia cùng nhân dân thôn Phổ Vền làm đường bê tông nông thôn

Việc ứng dụng công nghệ thông tin đặc biệt là tận dụng những ưu thế của mạng xã hội để tuyên truyền đã được MTTQ các cấp tăng cường thực hiện trong những năm gần đây. Hiện nay, MTTQ các cấp đã đồng loạt đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thông qua mạng xã hội. Trong đó, Ủy ban MTTQ tỉnh và 100% Ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp xã đều xây dựng các fanpage facebook để thông tin, tuyên truyền tới cộng đồng.

Đội ngũ cán bộ Mặt trận trực tiếp phụ trách quản lý các fanpage đã được hướng dẫn để trau dồi kỹ năng viết, đăng bài hiệu quả. Theo thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh, từ năm 2022 đến nay fanpage của hệ thống MTTQ các cấp đã đăng tải, chia sẻ gần 10.000 lượt tin, bài, video, hình ảnh, thu hút đông đảo tài khoản mạng xã hội quan tâm, theo dõi.

Không chỉ tận dụng ưu thế của mạng xã hội, Ủy ban MTTQ tỉnh còn phát huy hiệu quả tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử của Ủy ban MTTQ tỉnh. Đồng chí Nông Thị Hải Yến, quyền Trưởng Ban Tuyên giáo - Phong trào, Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Trang thông tin của Ủy ban MTTQ tỉnh với hàng nghìn lượt truy cập mỗi ngày đã góp phần thực hiện đưa thông tin về cơ sở.

Các nội dung thông tin trên Trang thông tin điện tử được đăng tải nhiều hình thức đa dạng, dễ tiếp cận, dễ hiểu, phù hợp với trình độ tiếp nhận của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn. Qua đó, đã góp phần đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các phong trào, cuộc vận động của MTTQ đến với người dân và đi vào đời sống một cách hiệu quả.

Nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực

Ở xã vùng cao Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) trước đây hầu hết người dân không hiểu được những nguy hại từ rác thải nhựa. Cũng ít người nghĩ những vỏ chai, lọ bỏ đi lại hữu ích khi biết tận dụng. Nhưng từ khi Phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” được triển khai trên địa bàn, sự sáng tạo trong tuyên truyền của MTTQ xã đã khiến người dân hiểu và tham gia triển khai phong trào.

Mỗi khu dân cư đều linh hoạt để xây dựng các mô hình tự quản về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, mô hình “Hành trình thứ 2 của rác thải nhựa” được lan tỏa trên địa bàn toàn xã. Đó chính là việc nhân dân thu gom vỏ chai nhựa để làm gạch sinh thái, xây dựng cảnh quan, khuôn viên cho nhà văn hóa, trường mầm non hoặc thu gom vỏ chai nhựa để bán lấy tiền giúp đỡ hộ nghèo.

Đồng chí Hà Hướng Dương, Chủ tịch MTTQ xã Hùng Mỹ chia sẻ, việc thành lập các mô hình tự quản đã phát huy được tinh thần cộng đồng tham gia thực hiện phong trào.  Các tổ tự quản đã cùng các Ban công tác Mặt trận khu dân cư tổ chức ký cam kết thi đua thực hiện phong trào tới các hộ gia đình trên địa bàn để tạo khí thế thi đua trong nhân dân.

Theo thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang, năm 2022 thực hiện Phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” MTTQ các cấp đã vận động nhân dân đóng góp 246 triệu đồng mua 422 thùng rác đặt tại các khu dân cư; tham gia trên 50 nghìn ngày công lao động vệ sinh đường, khuân viên nhà văn hóa; thu gom, xử lý trên 36,7 tấn rác thải, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; xây mới 1.518 bể xử lý rác thải hộ gia đình, khu dân cư.

Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 24.848 bể, hố xử lý rác thải; 4.603 tổ, nhóm tự quản về thu gom, phân loại và xử lý rác thải, chống rác thải nhựa. Nhiều cách làm hay, sáng tạo được MTTQ, các tổ chức thành viên phối hợp triển khai thực hiện như: tổ chức Ngày hội đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập; xây dựng mô hình “Vườn hoa trên không”; “Vườn hoa kiểu mẫu” bằng gạch sinh thái; mô hình “Thùng rác gia đình”...

Năm 2023 là năm cuối thực hiện nghị quyết Đại hội MTTQ các cấp tỉnh Tuyên Quang nhiệm kỳ 2019 - 2024, MTTQ và các tổ chức thành viên đang tiếp tục đoàn kết đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, quyết tâm hành động với những sáng tạo mới và đột phá mới trên các lĩnh vực đời sống xã hội; phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết dân tộc góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngọc Hưng – Ngọc Bích