MTTQ các cấp tỉnh Quảng Ngãi lấy sức dân để chăm lo cho dân

(Mặt trận) -Với phương châm phát huy sức mạnh từ dân, lấy sức dân chăm lo cho dân, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, thu hút đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia, đặc biệt là chung tay chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh kém may mắn.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

Sẻ chia yêu thương 

Tổ tự quản “Chăm lo cho người nghèo” ở xã Đức Phong (Mộ Đức) là mô hình mang tính nhân văn sâu sắc, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng. Gia đình chị Cao Thị Diễm là hộ nghèo, ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong có cuộc sống  còn nhiều khó khăn. Cách đây 3 năm, chồng chị bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, con trai đầu bị bệnh tim bẩm sinh, khiến chị chới với vì không biết xoay xở đâu ra số tiền lớn để chữa bệnh cho chồng, cho con.

May mắn là vào thời điểm đó, những tấm lòng hảo tâm khắp nơi đã giúp đỡ gia đình chị thông qua sự kết nối của Tổ tự quản “Chăm lo cho người nghèo”. Tổ tự quản đã kêu gọi hỗ trợ gia đình hơn 130 triệu đồng. Nhờ số tiền đó mà chồng em được cứu chữa kịp thời, con em có thuốc để điều trị bệnh. Nếu không có số tiền đó, chắc chồng em nay không còn”, chị Diễm xúc động nói. 

 Thành viên Tổ tự quản “Chăm lo cho người nghèo” thăm hỏi cuộc sống của bà Trần Thị Phụng và cháu nội, ở thôn Văn Hà, xã Đức Phong (Mộ Đức). Ảnh: THANH THUẬN

Đức Phong là xã bãi ngang ven biển, địa bàn rộng, dân số đông, với hơn 17 nghìn nhân khẩu. Đây là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm hơn 4%. Năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và bão lụt xảy ra đã làm cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Thấu cảm với cuộc sống của người nghèo, anh Nguyễn Ngọc Ánh (30 tuổi), ở xã Đức Phong, cùng một số người đứng ra vận động, kết nối các nguồn hỗ trợ thông qua mạng xã hội. Tổ tự quản “Chăm lo cho người nghèo” bắt đầu hình thành từ đó. Bà Trần Thị Phụng, ở thôn Văn Hà, xã Đức Phong, năm nay đã 76 tuổi, nuôi 2 cháu nội mồ côi, cháu lớn 6 tuổi, cháu nhỏ 4 tuổi. Ngôi nhà xuống cấp của bà Phụng đã được xây mới nhờ sự kêu gọi hỗ trợ của Tổ tự quản “Chăm lo cho người nghèo”. 

“Hai cháu nhỏ luôn được Mặt trận và các hội, đoàn thể ở xã tặng quà, hỗ trợ tiền. Trước đây, nhà ở xuống cấp, cứ mỗi mùa mưa bão là bà cháu phải đi ở nhờ nhà người khác. Bây giờ được hỗ trợ xây dựng nhà mới kiên cố, nên bà cháu tôi rất yên tâm”, bà Phụng bộc bạch.

Gần 4 năm qua, Tổ tự quản “Chăm lo cho người nghèo” đã huy động hơn 1 tỷ đồng để hỗ trợ xây nhà ở, tặng quà, giúp đỡ những gia đình gặp khó khăn đột xuất, ốm đau, hoạn nạn. Tổ trưởng Tổ tự quản “Chăm lo cho người nghèo” Nguyễn Ngọc Ánh cho biết, nhờ sự chung tay của cộng đồng mà nhiều trường hợp gặp khó khăn được giúp đỡ kịp thời. Đây là việc làm ý nghĩa cho người dân, cộng đồng. Mỗi khi có thêm một hoàn cảnh được giúp đỡ là niềm vui, động lực để anh em trong tổ tiếp tục với hành trình thiện nguyện. 

Với nhiều hoạt động ý nghĩa, vì cuộc sống cộng đồng, Tổ tự quản “Chăm lo cho người nghèo” được Tỉnh ủy biểu dương trong dịp sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Kết nối vạn tấm lòng

Ở tuổi thất thập cổ lai hy, vợ chồng ông Nguyễn Hồng Giao, ở tổ dân phố 5, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) rất phấn khởi khi được ở trong ngôi nhà mới kiên cố, khang trang. Gia đình ông Giao thuộc diện hộ nghèo, vợ chồng ông chỉ có một người con gái nhưng bị bại liệt từ nhỏ. Cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn, nhưng vào năm 2020 ông Giao lại bị tai nạn giao thông, mất sức lao động, mọi gánh nặng kinh tế trong gia đình đều dồn lên vai người vợ.

“Mấy năm qua, một mình vợ tôi chạy chợ để lo trang trải kinh tế trong gia đình. Ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng nhưng vợ chồng tôi không có tiền để sửa lại. Đầu năm 2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Châu Ổ hỗ trợ gia đình 50 triệu đồng từ nguồn vận động của mô hình “Kết nối tình quê”  để xây dựng ngôi nhà mới. Thế là, mơ ước bấy lâu nay của vợ chồng tôi đã thành hiện thực”, ông Giao phấn khởi nói.  

 Thành viên Tổ tự quản “Chăm lo cho người nghèo” ở xã Đức Phong (Mộ Đức) thăm hỏi gia đình chị Cao Thị Diễm. Ảnh: THANH THUẬN

Từ đầu năm 2024 đến nay, thông qua nguồn vận động của mô hình “Kết nối tình quê”, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Châu Ổ đã hỗ trợ xây mới 4 ngôi nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, với tổng kinh phí 190 triệu đồng. Mô hình “Kết nối tình quê” được Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Châu Ổ triển khai thực hiện từ tháng 11/2023, nhằm kết nối, kêu gọi những người con xa quê làm ăn thành đạt ở khắp mọi miền đất nước cùng chung tay, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị trấn. Đến nay, tổng số tiền huy động từ mô hình gần 230 triệu đồng và đã hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo xây nhà ở và tặng quà cho học sinh nghèo hiếu học.

“Kết nối tình quê” là mô hình “Dân vận khéo” gắn với việc vận động giảm nghèo và hoạt động an sinh xã hội được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bình Sơn xây dựng, tổ chức ra mắt vào cuối năm 2023. Đến nay, mô hình đã lan tỏa, nhân rộng ở 15/22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện với tổng số tiền huy động gần 3 tỷ đồng. Qua đó, hỗ trợ xây nhà ở, trao sinh kế và hơn 6.600 suất quà Tết cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bình Sơn Lê Văn Thành cho biết, mô hình “Kết nối tình quê” đã mang lại hiệu quả thiết thực  trong phong trào thi đua "Bình Sơn vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau". Mô hình đã kết nối, tạo mối quan hệ khắn khít giữa những người dân xa quê với người dân ở quê nhà. Từ đó, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no của người dân và cộng đồng.

Trà Bồng cũng là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác chăm lo cho người nghèo. Trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã kết nối, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện ủng hộ “Quỹ Vì người nghèo”, “Quỹ Cứu trợ” hơn 60 tỷ đồng để xây dựng và sửa chữa 10 phòng học, xây dựng mới 369 nhà và sửa chữa 544 nhà ở; huy động được gần 46 nghìn suất quà, 150 tấn gạo và hơn 315 triệu đồng tiền mặt, hỗ trợ sinh kế hơn 1 tỷ đồng cho hộ nghèo, cận nghèo...

Nhờ vậy, nhiều hộ nghèo đã nỗ lực phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 31,75% cuối năm 2020 giảm xuống còn 29,88% năm 2023. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Trà Bồng Nguyễn Khắc Minh cho rằng, những ngôi nhà mới được hỗ trợ xây dựng không chỉ giúp người nghèo an cư, mà ở đó còn mang đậm dấu ấn của tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, sự chung tay của cộng đồng, xã hội.

HIỀN THU - TRUNG ÂN - SA HUỲNH