MTTQ các cấp tỉnh Bắc Ninh phát huy truyền thống đại đoàn kết để phát triển kinh tế - xã hội

(Mặt trận) -Trong quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh, 25 năm qua (1997-2022), Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Bắc Ninh không ngừng củng cố, tăng cường và mở rộng thành phần, cơ cấu, chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt vai trò là trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thành phố Việt Trì chăm lo đời sống cho người nghèo

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở huyện Yên Định

Xây dựng những khu dân cư tự quản, ấm no, hạnh phúc ở tỉnh Phú Thọ

 Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh trao vật tư, nhu yếu phẩm hỗ trợ huyện Lương Tài phòng, chống dịch COVID-19.

Để khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được tăng cường, củng cố và mở rộng, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh triển khai sáng tạo, hiệu quả nhiều giải pháp. Cụ thể là tập hợp trí thức, chuyên gia các lĩnh vực, người tiêu biểu, chức sắc tôn giáo, người cao tuổi có uy tín trong cộng đồng tham gia công tác Mặt trận; phát huy vai trò của những cá nhân tiêu biểu để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương; quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; duy trì nền nếp việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại các khu dân cư; phát động và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động phù hợp bám sát nhiệm vụ của tỉnh để thu hút đông đảo người dân tham gia… Qua đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh được củng cố, tăng cường. Đến nay, Ủy ban MTTQ tỉnh  có 34 tổ chức thành viên, tăng 17 tổ chức so với năm 1997.

Bám sát Chỉ thị, Nghị quyết của cấp ủy, hướng dẫn của MTTQ cấp trên, ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tuyên truyền, vận động và tổ chức tốt các cuộc vận động (CVĐ), phong trào thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương. Điển hình thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong giai đoạn 1997-2015, từ năm 2016 đến nay là CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã góp phần thay đổi diện mạo làng quê, xây dựng nông thôn mới khang trang, đô thị ngày càng hiện đại, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Để triển khai hiệu quả, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chỉ đạo MTTQ cấp huyện, cấp xã lồng ghép 5 nội dung cụ thể của CVĐ với thực hiện các chương trình, đề án về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh.

Đẩy mạnh thi đua phát triển kinh tế gắn với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, MTTQ các cấp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết, tích cực tham gia phát triển sản xuất, giúp nhau giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống.  Trong 25 năm qua, MTTQ các cấp vận động nhân dân tự nguyện hiến hơn 18.988 m2 đất để làm đường, công trình dân sinh; đóng góp hàng nghìn ngày công lao động xây dựng 1.820 công trình phúc lợi công cộng phục vụ cho xây dựng nông thôn mới. Các địa phương đã huy động được hàng trăm tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn, tiêu biểu như huyện Lương Tài, Gia Bình và Quế Võ. Hiện nay, toàn tỉnh có  97/97 xã đạt chuẩn Nông thôn mới,  5 huyện (Tiên Du, Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình, Lương Tài) được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, 2 đơn vị là thành phố Từ Sơn, thành phố Bắc Ninh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ, huyện Yên Phong đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.
Việc xây dựng đời sống văn hóa được MTTQ chú trọng. Các thôn, làng, khu phố xây dựng hương ước; Ban Công tác Mặt trận phối hợp với các chi hội đoàn thể ở khu dân cư vận động nhân dân thực hiện nghiêm hương ước, góp phần giữ gìn thuần phong mỹ tục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thành lập các Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân. Từ năm 1997 đến nay, bình quân hằng năm tỉnh có 92% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hoá, 90 % khu dân cư được công nhận Làng văn hoá, Khu phố văn hoá.

Thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và CVĐ “Ngày vì người nghèo”, hằng năm MTTQ các cấp triển khai phát động Tháng cao điểm vì người nghèo để vận động nguồn lực ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”. Từ năm 2000 đến hết năm 2021, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh vận động ủng hộ được hơn 170 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã triển khai hỗ trợ xây mới và sửa chữa 5.667 ngôi nhà Đại đoàn kết cho người nghèo; hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất; tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi; hỗ trợ bệnh nhân nghèo khám chữa bệnh; trợ giúp người nghèo khám chữa bệnh, khẩu hộ nghèo phát sinh do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID -19; tặng quà cho hộ nghèo nhân dịp Lễ, Tết… góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 1,04%.

Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, MTTQ các cấp tỉnh Bắc Ninh làm tốt vai trò tiếp nhận ủng hộ từ các tập thể, cá nhân; phân bổ kịp thời nguồn hỗ trợ tới các cơ quan, đơn vị, lực lượng và người dân gặp khó khăn do dịch bệnh. Từ năm 2020 đến nay, MTTQ tỉnh vận động và tiếp nhận ủng hộ tiền mặt và hàng hóa với tổng trị giá hơn 595,7 tỷ đồng. Trong đó, tiếp nhận 146,8 tỷ đồng cho Quỹ mua vắc xin phòng COVID-19, Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 là 83,2 tỷ đồng. MTTQ tỉnh đã phân bổ 72,3 tỷ đồng từ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 và hàng hóa, vật tư y tế cho ngành y tế, các đơn vị, địa phương tham gia phòng, chống dịch; hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam…

Với những  thành tích đạt được trong những năm qua, Ủy ban MTTQ tỉnh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì; được Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, UBND tỉnh tặng Cờ dẫn đầu phong trào thi đua; 3 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; hơn 800 tập thể, cá nhân trong hệ thống Mặt trận được Trung ương và Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Mai Phương