Mô hình xử lý rác thải tại nguồn ở Yên Luông

(Mặt trận) -Trước thực trạng rác thải ngày càng gia tăng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã tăng cường tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ thực hiện các mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bảo vệ môi trường sống. Trong đó, mô hình xử lý rác thải tại nguồn của hội viên Lê Thị Thu Thủy mang lại hiệu quả được người dân trong và ngoài xã Yên Luông đến tham quan học hỏi kinh nghiệm.

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

Chị Thủy là hội viên của Chi hội Phụ nữ ấp Thạnh Phong, xã Yên Luông. Trước đây, trong gia đình chị thường phân loại rác vào 3 bao lớn. Trong đó, chị Thủy cho các loại rác thải như chai nhựa, đồ mủ, sắt, nhôm, thiếc vào 1 bao để bán phế liệu; bao thứ 2 chứa rác thải là bóng đèn, hoặc mảnh chai thủy tinh bể; bao thứ 3 chứa túi ni lông, quần áo cũ mang ra vườn cách xa nhà đào hố đốt.

 Hội viên phụ nữ xã Yên Luông tham quan cách ủ rác hữu cơ bằng men vi sinh tại nhà chị Thủy (chị áo xanh bìa trái).

Từ khi Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp trên phát động thực hiện xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh, chị Thủy nghiên cứu thực hiện ngay tại hộ gia đình mình. Chị Thủy cho biết, thực hiện xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh không quá cầu kỳ hay phải hao tốn nhiều chi phí, chỉ cần lấy 2 chiếc khạp loại lớn có nắp đậy kín, dưới đáy khạp khoan một lổ nhỏ vừa phải và chuyền một ống nhỏ để dẫn nước rỉ xuống một chum nhỏ bên dưới. Hằng ngày, khi nấu ăn cho tất cả các loại vỏ rau củ quả vào khạp, rãi đều lên trên một ít men vi sinh Ticophecma, rồi đậy kín nắp lại.

Một bịch men vi sinh có thể sử dụng ủ rác hữu cơ được hơn 3 tháng. Chu kỳ trung bình 1 tuần khạp vỏ rau củ đầy lên, cũng là lúc vỏ rau củ bên dưới phân hủy cho ra nước phân bón hữu cơ. Chị Thủy không chỉ pha loãng loại nước phân bón hữu cơ này để tưới cho cây, mà còn sử dụng vỏ rau củ trong khạp đã mục hết để đắp vào các gốc cây làm cho cây trồng tươi tốt.

Từ khi áp dụng mô hình xử lý phân hủy rác hữu cơ thành phân bón cho cây trồng, chị Thủy không còn phải mất tiền mua phân bón hóa học như trước, tiết kiệm chi phí mà vườn cây trái nhà chị vẫn tươi tốt, ai đến tham quan cũng trầm trồ khen ngợi.

 Hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Yên Luông tham quan vườn rau nhà chị Thủy

Tham quan vườn rau, cây ăn trái nhà chị Thủy, chúng tôi không khỏi bất ngờ với đa dạng các loại rau, như: Rau diếp cá, rau răm, xà lách, húng cây, hành lá, hẹ... tươi tốt. Xung quanh vườn, chị còn trồng thêm nhiều chậu cà tím, dưa leo, bí đao... Nhờ được thường xuyên chăm bón phân hữu cơ đúng cách mà khu vườn rau nhà chị Thủy luôn cung cấp đầy đủ rau xanh quanh năm không chỉ cho gia đình, mà còn cả cho bà con xung quanh.

"Đợt dịch Covid-19 bùng phát trong năm vừa qua, thực hiện giãn cách xã hội ở nhà, tôi thực hiện việc ủ rác hữu cơ bằng men vi sinh. Thấy được hiệu quả, an toàn, khu vực thùng ủ rác không có mùi hôi, nên tôi quyết tâm áp dụng và hướng dẫn cho nhiều chị em hội viên trong Chi hội Phụ nữ ấp Thạnh Phong cùng thực hiện", chị Thủy cho biết thêm.

 Vườn rau nhà chị Thủy (chị áo xanh, thứ 2 từ phải sang) được tưới bằng nước phân hữu cơ ủ từ rác thải rau củ quả, tiết kiệm chi phí mà vẫn xanh tốt.

Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Luông tổ chức buổi sinh hoạt truyền thông và tham quan học tập mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn của chị Thủy cho hội viên tham khảo áp dụng thực hiện. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Luông Lê Ngọc Tuyến cho biết: "Khi đến tìm hiểu, tham quan, tôi mới tận mắt chứng kiến cách làm hay, sáng tạo của chị Thủy từ mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn. Hy vọng mô hình xử lý rác thải này sẽ được lan tỏa để nhiều hội viên phụ nữ cũng như người dân cùng thực hiện, xây dựng cuộc sống thân thiện với môi trường, giảm thiểu rác thải, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

KIM LAN - QUẾ ANH