Mô hình thu gom, xử lý rác thải hữu cơ của hội viên nông dân

(Mặt trận) -Trước thực trạng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng, từ năm 2018, Hội Nông dân (HND) tỉnh Nam Định đã triển khai thực hiện mô hình “Thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”. Qua thời gian triển khai, mô hình bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, làm cho diện mạo nông thôn mới (NTM) ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

Mang Tết đến với người nghèo huyện Tri Tôn

Hội viên nông dân xã Hợp Hưng (Vụ Bản) thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón trồng cây. 

Xã Hợp Hưng (Vụ Bản) nổi bật với những con đường làng xanh mát bóng cây, thẳng tắp những hàng cau đang mùa trổ hoa thơm ngát, làm cho không khí thật trong lành, thoáng đãng. Trong các khu vườn và trước sân nhà, cây đinh lăng, cây cảnh, cây ăn quả được trồng theo hàng lối đẹp mắt. Đường làng ngõ xóm sạch sẽ, phong quang. Đồng chí Hoàng Thanh Tuân, Chủ tịch HND xã cho biết: Có được kết quả trên là do thời gian qua, HND xã đã phát động cán bộ, hội viên nông dân chung tay tham gia xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu bằng những việc làm cụ thể. Trong đó, HND xã tham mưu với Đảng ủy, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các chi hội thôn, xóm xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình bằng phương pháp sử dụng thùng ủ, đào hố và các biện pháp khác. Đến nay, toàn xã đã có 1.582 hộ tham gia thực hiện, chiếm 82,3% số hộ của cả xã. Ông Vũ Đình Yên, bí thư chi bộ, trưởng thôn Lập Vũ cho biết: Mô hình rất thiết thực với bà con nông dân. Trước đây mọi rác thải sinh hoạt, các gia đình thường đổ vào túi, bao tải để xóm thu gom chở đi xử lý. Từ khi được tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ vật tư để ủ rác thải hữu cơ thành phân bón, các hộ dân đã có thói quen phân loại rác thải sinh hoạt, thực hiện đúng theo kỹ thuật ủ rác hữu cơ. Qua đó tạo ra nguồn phân bón hữu cơ tơi xốp dùng để bón cho cây cảnh, các loại rau trong vườn nhà, giúp tiết kiệm được tiền mua phân bón. Cũng nhờ phân loại, xử lý rác thải ngay tại hộ mà lượng rác phải chở đi xử lý của xóm đã giảm đi đáng kể. Ở huyện Hải Hậu, trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, mô hình triển khai được hội viên nông dân đồng tình ủng hộ đã tạo chuyển biến rõ nét. Từ mô hình điểm được triển khai tại xã Hải Lý, HND huyện đã chỉ đạo HND các xã, thị trấn triển khai nhân rộng mô hình tới toàn thể cán bộ, hội viên, nhân dân trang bị 19.625 thùng và hố rác có nắp đậy xử lý bằng men vi sinh, trên 13 nghìn hố rác tại các hộ gia đình. Tiêu biểu như các xã: Hải Phúc, Hải Quang, Hải Trung, Hải Đường, Hải Bắc, Hải Anh. Tại huyện Ý Yên, mô hình phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình tiếp tục được nhân rộng tại xã Yên Nhân với 360 hộ tham gia; ở xã Yên Cường với 263 hộ tại 4 thôn tham gia. HND thị trấn Lâm đã tổ chức cho các cán bộ hội đi tham quan mô hình phân loại rác thải tại hộ ở xã Hải Lý (Hải Hậu), sau đó về tổ chức tập huấn đến từng chi hội, bước đầu triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải bằng thùng ở 110 hộ dân/14 tổ dân phố. HND xã Yên Ninh xây dựng kế hoạch triển khai mô hình phân loại bằng thùng cho 60 hộ tham gia. Tại huyện Xuân Trường, nhiều đơn vị Hội cơ sở đã đảm nhận tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn với 164 chi hội đăng ký tham gia. Điển hình như HND các xã: Xuân Phương, Thọ Nghiệp, Xuân Phong, Xuân Tân, Xuân Kiên, Xuân Bắc, Xuân Ngọc...

Để triển khai, nhân rộng mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình thực sự hiệu quả, HND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ môi trường, hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác thải sinh hoạt, xử lý rác thải hữu cơ bằng thùng ủ cho các hội viên. Theo đó, rác thải hữu cơ sau khi phân loại được đưa vào thùng ủ, bổ sung chế phẩm sinh học EMIC; sau 30-40 ngày, rác phân hủy thành phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng, có ích cho cây trồng.

Trong quá trình triển khai mô hình, các cấp HND thường xuyên bám sát cơ sở để kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ thực hiện đúng kỹ thuật xử lý rác hữu cơ; kịp thời đưa ra giải pháp với những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn. Trong năm 2021, HND tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” tại xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) với 70 hộ tham gia; phối hợp với Trung tâm Môi trường phát triển bền vững Trung ương HND Việt Nam xây dựng mô hình tại xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường), xã Nam Hồng (Nam Trực) với 700 hộ tham gia. Đến nay toàn tỉnh đã có 9/10 huyện triển khai xây dựng mô hình ở 145/209 cơ sở Hội và 1.452/3.167 chi hội, sử dụng 36.350 thùng ủ rác, 31.870 nắp đậy hố rác hữu cơ. Mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình do các cấp HND triển khai trên địa bàn tỉnh đã đem lại lợi ích cả về mặt môi trường và kinh tế, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tạo thói quen trong hoạt động vệ sinh môi trường, góp phần làm giảm lượng rác thải sinh hoạt phát sinh, giảm áp lực cho các khu xử lý rác thải tập trung, xây dựng NTM ngày càng xanh, sạch, đẹp. Đây là cơ sở để thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”, góp phần xử lý hiệu quả vấn đề rác thải, thực hiện tiêu chí về cảnh quan môi trường trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu./. 

N.Phượng