Mô hình “Ngôi nhà xanh” bảo vệ môi trường ở Sơn La

(Mặt trận) -Phát huy vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, những năm qua, các cấp hội phụ nữ tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp; đặc biệt là triển khai mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom rác thải.

Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Bình Thuận phát huy vai trò trong xây dựng nông thôn mới

Yên Bái: 100% hộ dân bị thiệt hại về nhà do bão số 3 có nhà mới trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

 Mô hình “Ngôi nhà xanh” của Hội LHPN xã Mường Bú, huyện Mường La.

Mô hình “Ngôi nhà xanh” được thiết kế bằng khung sắt, có mái che bằng tôn và lưới mắt cáo quây xung quanh; diện tích trung bình từ 1-2 m², được đặt ở vị trí phù hợp, thuận lợi cho mọi người thu gom rác tái chế. Mỗi “Ngôi nhà xanh” đều gắn biển mang dòng chữ “Hãy cho tôi xin rác thải nhựa, lon nước, giấy bìa caton”, “Nâng cao ý thức của hội viên và nhân dân trong việc phân loại rác thải”, “Đồng hành cùng phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”...

Đến nay, tỉnh Sơn La duy trì 78 mô hình “Ngôi nhà xanh” tại 12 huyện, thành phố, với trên 2.700 thành viên tham gia. Từ đầu năm đến nay, đã thu gom được trên 1.800 kg nhựa, 2.000 kg vỏ lon, 3.000 kg giấy, bìa caton... Bà Quàng Thị Vân, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, thông tin: Ban Thường vụ Hội đã chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thành phố, đơn vị trực thuộc tuyên truyền về ý nghĩa của mô hình. Đồng thời, xin ý kiến cấp ủy, chính quyền, khảo sát chọn địa điểm, cách thức triển khai thực hiện mô hình; phát huy vai trò của chi hội trưởng phụ nữ ở các bản, tiểu khu, tổ dân phố làm đầu mối thu gom phế liệu và vận động hội viên tham gia.

Trong 11 tháng năm nay, Hội LHPN tỉnh Sơn La đã tổ chức 6 lớp tập huấn về phòng chống rác thải nhựa cho 240 hội viên phụ nữ; trên 210.000 lượt hội viên được tuyên truyền, hướng dẫn cách thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn. Trong đó, rác thải hữu cơ sẽ thực hiện đào hố chôn lấp, hoặc tận dụng làm phân bón cho cây trồng; các loại rác không tái chế sẽ thu gom, đưa đến nơi tập kết để xử lý; rác thải tái chế, như vỏ lon bia, chai nhựa, sắt vụn, bìa giấy... thu gom cho vào “Ngôi nhà xanh”.

Tháng 5 vừa qua, Hội LHPN huyện Mai Sơn thí điểm triển khai mô hình “Ngôi nhà xanh” tại Chi hội phụ nữ bản Mai Khoang và bản Củ, xã Chiềng Ban. Bà Hoàng Thị Ngọc Ngân, Chủ tịch Hội LHPN huyện, cho biết: Sau 6 tháng triển khai, đã có 37 mô hình “Ngôi nhà xanh” được thành lập tại 13 xã, thị trấn, với trên 1.500 hội viên tham gia. Các xã Chiềng Mung, Chiềng Sung, Thị trấn... có cách làm hay, sáng tạo, như thu gom vỏ lon, chai nhựa ở nơi làm việc, nhà hàng, quán ăn và trực tiếp đến từng hộ gia đình vận động thu gom vỏ chai, nhựa cho “Ngôi nhà xanh”. Mỗi tháng, khi “Ngôi nhà xanh” đầy, các chị đem bán gây quỹ. Đến nay, tổng quỹ thu được trên 20 triệu đồng, được sử dụng để thăm hỏi, hỗ trợ hội viên, phụ nữ, trẻ em yếu thế trên địa bàn.

Tại xã Mường Bú, huyện Mường La, mô hình “Ngôi nhà xanh” được triển khai từ tháng 3/2023, bố trí tại trụ sở UBND xã. Đến nay, mô hình đã thu gom được hơn 25 kg sắt vụn, trên 350 kg chai, lọ nhựa. Nguồn quỹ thu được từ bán phế liệu đã hỗ trợ mua 1 con dê sinh sản cho hội viên nghèo ở bản Phiêng Bủng, trị giá 1,2 triệu đồng. Ngoài ra, còn hỗ trợ đỡ 4 hội viên nghèo, mỗi hội viên 300 nghìn đồng mua thẻ bảo hiểm y tế.

Chị Cà Thị Duyên, hội viên Chi hội phụ nữ bản Sang, xã Tạ Bú, chia sẻ: Hằng ngày, những vỏ chai nhựa, lon nước tôi đều gom lại; khi đi chợ thấy chai lọ vứt ngoài đường tôi cũng nhặt mang về để góp vào “Ngôi nhà xanh”.

Mặc dù mới triển khai, nhưng mô hình “Ngôi nhà xanh” đã đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao ý thức của hội viên, phụ nữ và cộng đồng về bảo vệ môi trường, phòng, chống rác thải nhựa; giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đang tiếp tục tuyên truyền hội viên, phụ nữ thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch; 5 có, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới.

L.T