Mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” - Sức sống mới cho nhà văn hoá cộng đồng tại Hà Tĩnh

(Mặt trận) - Mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” tích hợp trong nhà văn hóa cộng đồng là sáng kiến của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh. Mô hình đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ ở địa phương này. “Ngôi nhà trí tuệ” là tiền đề để Hà Tĩnh hoàn thiện tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa theo Quyết định 318/QĐ-TTg và Quyết định 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/3/2022 về bộ tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

Mang Tết đến với người nghèo huyện Tri Tôn

Phía bên trong Nhà văn hóa thôn Trung An (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) vẫn còn giữ phông, màn trang trí phục vụ đám cưới 

Bài 1: Trăn trở với nhà văn hóa của dân

Ghi nhận thực tế ở nhiều thôn, xã tại tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, nhà văn hóa (NVH) cộng đồng còn nhiều ngày trong tình trạng “cửa đóng, then cài”. Cá biệt, có những nơi, NVH chỉ sử dụng 5-7 ngày/tháng, trong khi nguồn lực để xây dựng được một NVH đạt chuẩn NTM rất lớn.

Hai địa phương này đang loay hoay tìm giải pháp tháo gỡ bất cập của NVH và chưa định hình được mô hình phù hợp để tạo điểm nhấn cho xã NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Khát khao được đổi thay

Trong quá trình xây dựng NTM, người dân ở tỉnh Thừa Thiên - Huế hay Quảng Trị dồn sức lực, tiền của, cùng chung tay xây dựng NVH với chi phí hàng trăm triệu đồng, thậm chí là hàng tỷ đồng. Nhân dân kỳ vọng, NVH sẽ là nơi sinh hoạt văn hóa, là chốn để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương nhưng thực tế lại không được như kỳ vọng.

Khi được hỏi về NVH thôn, bà Đặng Thị Bé (55 tuổi, thôn Trung An, xã Phú Thuận, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) cho biết, NVH thôn Trung An được xây dựng cách đây khoảng 4 năm. Trong vài năm trở lại đây, ngoài việc tổ chức hội, họp thì NVH của thôn thỉnh thoảng có các gia đình thuê để tổ chức đám cưới.

“Ngoài hội, họp thì trong khuôn viên NVH không có hoạt động gì, trong khi trẻ con muốn có chỗ vui chơi mà không có” - bà Bé nói.

Cách thôn An Phú không xa, NVH thôn Xuân An cũng chung tình trạng. Theo bà Lê Thị Trúc (47 tuổi, thôn Xuân An), thời điểm mưa bão, NVH thôn sẽ được mở cửa cho các hộ dân bị ảnh hưởng đến tránh trú nhưng tần suất thì tùy mỗi năm. Cách đây ít hôm, NVH thôn là nơi để tổ chức Đại hội Đoàn thanh niên của địa phương xong đóng cửa mấy ngày liên tục.

“Đám cưới thì cũng chỉ có trước và sau Tết Nguyên đán mới nhiều, còn lại tháng vài ba lần, có tháng chẳng có đám cưới nào diễn ra tại đây” - bà Trúc cho hay.

Khảo sát nguyện vọng của người dân thôn An Dương 1 (xã Phú Thuận), chúng tôi nhận thấy, người dân nơi đây luôn mong mỏi NVH thay đổi, có nhiều hoạt động, có chỗ vui chơi, học tập cho các tầng lớp nhân dân.

Ông Trương Viết Nghê (68 tuổi, trú thôn An Dương 1, xã Phú Thuận) bày tỏ: NVH thôn rất tiện lợi vì đây làm địa điểm tổ chức họp hành, lễ hội hay các hoạt động đông người của địa phương. Tuy nhiên, những ngày NVH thôn “cửa đóng, then cài” vẫn rất nhiều và cần có phương án để sử dụng tốt hơn.

Tương tự, tại các xã thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế như: Phong Bình (huyện Phong Điền), Quảng Lợi (huyện Quảng Điền) và tại tỉnh Quảng Trị như: Thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh), xã Hải Ba, xã Hải Lâm (huyện Hải Lăng), xã Triệu Thành (huyện Triệu Phong)… NVH thôn cũng chung tình trạng.

Trao đổi với PV, ông Đặng Tiến Tùy - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, đến hiện tại, trên địa bàn xã có 4 NVH thôn. Sắp tới, địa phương đang xin chủ trương để xây dựng thêm 2 NVH cho 2 thôn còn lại.

Cũng theo ông Tùy, NVH thôn tại địa phương được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố và đến nay đang phục vụ tốt cho nhu cầu của người dân tại thôn, xóm trong các nội dung họp hành, lễ hội hay tránh trú mưa bão… nhưng về tần suất có khi các địa điểm này chỉ sử dụng trung bình khoảng 10-15 ngày/tháng.

Còn ông Nguyễn Hữu - Chủ tịch UBND xã Giang Hải (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) chia sẻ, hiện tại trên địa bàn xã có 6 NVH thôn và đều được xây dựng từ đầu những năm 2000. Những năm qua, các NVH này chủ yếu được cải tạo, sửa chữa chứ chưa được xây dựng lại, dẫu vậy, các địa điểm này vẫn đảm bảo phục vụ tốt cho hoạt động hội họp. Nhưng, tần suất sử dụng NVH thôn tại xã Giang Hải thì còn rất thấp với khoảng 3 - 4 ngày/tháng.

Theo ông Nguyễn Xuân Phương - Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị), sau khi sáp nhập, tại địa phương có 7 NVH phục vụ sinh hoạt cộng đồng của 7 khu phố. Các NVH khu phố tại đây là nhà cấp IV và được xây dựng từ những 2003-2004. Ước tính, mỗi tháng các NVH khu phố nơi đây cũng chỉ sử dụng hơn 10 ngày.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đào Mạnh Hùng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị cho biết, thực tế hiện nay các NVH thôn tại địa phương vẫn chưa được sử dụng hết công suất, số ngày đóng cửa vẫn còn rất nhiều. Phía Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị nói riêng và lực lượng chức năng tỉnh vẫn đang trăn trở, tìm phương án để sử dụng hiệu quả hơn nữa các NVH của người dân. Đặc biệt là tìm mô hình phù hợp để thực hiện quy định mới về tiêu chí xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu.

Các nhà văn hóa tại xã Giang Hải (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) còn đơn sơ, thiếu thốn 

Tìm hướng khai thác hiệu quả

Trước thực trạng NVH thôn còn nhiều ngày đóng cửa im lìm không sử dụng, anh Võ Đức Tài (24 tuổi, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) nhìn nhận: Để phát huy hiệu quả hơn nữa các NVH cộng đồng thì bên cạnh việc xây dựng nơi đây một cách khang trang, sạch đẹp, các ban, ngành, đoàn thể cũng cần tổ chức được những chương trình thiết thực gắn liền với nhu cầu và lợi ích chính đáng của người dân.

Khi trò chuyện về vấn đề làm sao để nâng tần suất, công năng sử dụng NVH cộng đồng thôn một cách hợp lý, hiệu quả, ông Nguyễn Xuân Phương cho biết, địa phương vẫn chưa có phương án cụ thể cho việc nâng cao hiệu suất sử dụng NVH thôn trên địa bàn và mong muốn có mô hình hay, hiệu quả để học tập theo.

Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng (Quảng Trị) Lê Đức Thịnh phân tích, những NVH thôn gần đây thường được đầu tư xây dựng 2 tầng thay vì nhà cấp 4 như trước đó để kết hợp cho bà con tránh trú mùa mưa bão. Hiện tại, nhiều nơi thì NVH thôn được kết hợp để làm trụ sở của hợp tác xã nhưng đó là số ít và dường như không phù hợp với chức năng của NVH.

Theo ông Thịnh, nhiều NVH thôn được xây dựng khang trang, 2 tầng hẳn hoi nhưng chuyện đóng cửa không sử dụng trong nhiều ngày, lãng phí nguồn lực đầu tư là việc nhãn tiền.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm hiểu, cho cán bộ đi học tập các mô hình hay tại địa phương khác để về áp dụng, xây dựng mô hình mới tại địa phương” - ông Thịnh cho biết thêm.

Trăn trở với việc phát huy công năng, giá trị của NVH, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Nam Tiến cho rằng, nhiều NVH thôn tại địa phương đã được xây dựng lâu năm, hệ thống cơ sở vật chất bên trong cũng chưa được trang bị đầy đủ nên có phần thiếu phù hợp với thực tế.

“Muốn phát huy hết công năng của các NVH, trước tiên cần rà soát lại tình trạng và trang bị phương tiện phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Ít nhất ở đó cũng có sân chơi, có một số bộ dụng cụ tập thể dục, thể thao…” - ông Tiến nói.

Nhà chống bão, lũ thôn Vinh Quang (xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) được xây dựng khang trang nhưng chưa phát huy hết công năng 

Bài 2: Bất cập trong xây dựng và sử dụng nhà văn hóa cộng đồng

Trận lũ lịch sử tháng 10/2020 đã gây thiệt hại lớn về tài sản của bà con và các công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Để giảm bớt thiệt hại, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trong mùa bão lũ, một số địa phương ở Quảng Bình đã kêu gọi người dân và các nhà hảo tâm cùng chung tay xây dựng nhà vượt lũ kết hợp sinh hoạt cộng đồng. Thế nhưng, những ngôi nhà khang trang này chưa phát huy hết công năng.

 Đồng hành cùng người dân huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình), Tập đoàn Trường Thịnh xây tặng 6 nhà tránh bão, lũ cộng đồng theo hình thức “chìa khóa trao tay”. Mỗi ngôi nhà có giá trị 3 tỷ đồng với diện tích sàn sử dụng hơn 200m2. Sàn nhà cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 2020 hơn 1-2m với sức chứa hơn 200 người, có bể trữ nước ngọt, bếp ăn và hệ thống vệ sinh khép kín, mái đổ bê tông, chịu được bão cấp 15.

Hiện nay, trên địa bàn 2 huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh đã có 3 ngôi nhà chống bão, lũ cộng đồng. Trong đó, 2 ngôi nhà ở thôn Vinh Quang (xã Sơn Thủy, Lệ Thủy) và thôn Hữu Tân (xã Tân Ninh, Quảng Ninh) được Tập đoàn Trường Thịnh xây tặng; Nhà tránh lũ và sinh hoạt cộng đồng ở thôn Ngô Bắc (xã Sơn Thủy, Lệ Thủy) được người dân và Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình kêu gọi hỗ trợ xây dựng.

Chỉ vào ngôi nhà khang trang được doanh nghiệp xây tặng, ông Phan Văn Hoa (70 tuổi, thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh, Quảng Ninh) nói: “Căn nhà này đã được xây dựng hơn 1 năm, từ khi xây dựng đến bây giờ thì chúng tôi vẫn chưa được sử dụng bởi năm 2021 bão lũ nhỏ. Đến nay, căn nhà này vẫn để hoang, không thấy người đến trông coi, bảo quản, sửa sang. 

Ông Nguyễn Duy Hợi - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Ninh cho biết: “Chúng tôi đã lên ý tưởng để đưa nhà chống bão, lũ này vào sử dụng các hoạt động khác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập bởi vào mùa mưa thì căn nhà bị thấm ướt, mùa hè chưa có nguồn nước sạch, đồ gia dụng trong nhà như bồn rửa, nhà vệ sinh lâu không được sử dụng cũng đã bị hoen gỉ. Sắp tới, Ủy ban sẽ có phương án để sửa chữa, xây dựng lại để người dân trong thôn Hữu Tân có nơi để lui tới sinh hoạt”.

Tương tự, hơn 1 năm nay, nhà chống bão, lũ cộng đồng ở thôn Vinh Quang (xã Sơn Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) cũng không được mở cửa bởi không có thiên tai. Trong khi người dân nơi đây vẫn thiếu những địa điểm sinh hoạt cộng đồng, hoặc phải sinh hoạt lồng ghép với cơ sở vật chất khác khiến việc sinh hoạt của người dân bất tiện, chật chội… 

Vậy nhưng, có những công trình văn hóa thôn được đầu tư xây dựng quy mô, cơ sở vật chất khang trang thì lại bị bỏ hoang, không sử dụng. Thực tế này cho thấy, việc bảo quản, giữ gìn phát huy những giá trị của những công trình văn hóa nơi đây chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Nguyễn Văn Thục - Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy cho hay: “Nhà chống lũ nằm trên nền đất cùng với nhà văn hóa (NVH) thôn. Tuy rằng, NVH thôn đã xuống cấp, cơ sở vật chất không được tiên tiến nhưng vì nguồn lực của địa phương còn hạn hẹp nên chưa thể đầu tư nhà chống bão, lũ thành nhà tránh lũ và sinh hoạt cộng đồng như thôn Ngô Bắc. Sắp tới, địa phương sẽ lên kế hoạch kêu gọi tài trợ xây dựng để sử dụng tránh lãng phí, tạo nơi sinh hoạt mới cho cả thôn”.

Chưa thống nhất được mô hình

Triển khai công việc vận động nguồn quỹ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy) đã cùng với thôn gửi thư vận động con em xa quê, các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tránh lũ và sinh hoạt cộng đồng thôn Ngô Bắc với kinh phí gần 1,5 tỷ đồng. Ngôi nhà được xây dựng 2 tầng kiên cố, tổng diện tích 2 mặt sàn là 350m2. Tầng 1 ngôi nhà là nơi thường ngày bà con sinh hoạt cộng đồng. Tầng 2 gồm có phòng tránh trú bão lũ, bếp nấu ăn và khu vệ sinh chung.  

Là người trực tiếp quản lý nhà tránh lũ và sinh hoạt cộng đồng, ông Trần Văn Sơn (65 tuổi, thôn Ngô Bắc, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy) chia sẻ: “Nhà văn hóa này mở cửa thường xuyên để người dân trong làng lui tới, đây cũng là nơi gặp gỡ của các bô lão trong làng. Ngoài việc thường xuyên tổ chức các sự kiện chung thì NVH này cũng được cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu để tổ chức hiếu hỉ… Vào mùa mưa lũ, ngôi nhà này còn là nơi để người dân sống trong khu vực nguy hiểm đến tránh trú”.

Để sử dụng nhà tránh lũ kết hợp sinh hoạt cộng đồng một cách hiệu quả, tránh hình thức, phong trào, ông Trần Quang Minh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình cho biết: Sau khi khảo sát để xây dựng NVH cộng đồng hiệu quả, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ đề ra bộ tiêu chí để tránh lãng phí như: NVH có thể sử dụng một lúc nhiều việc, gần khu vực dân cư để người dân sinh hoạt, khu vực tránh trú phải thuận tiện để người dân có thể đến bất cứ lúc nào.

“Ngoài ra, ngôi nhà cũng phải kết hợp được nhiều công năng sử dụng. Ngoài việc sử dụng tránh lũ, ngôi nhà còn là nơi sinh hoạt động đồng, vui chơi và tổ chức các sự kiện quy mô. Tới đây, chúng tôi sẽ xuống trực tiếp những nhà tránh lũ và sinh hoạt cộng đồng như thôn Ngô Bắc và các nhà tránh lũ khác để tiếp tục tìm hướng khai thác, sử dụng NVH cộng đồng hiệu quả, hết công năng của nó” - ông Minh thông tin thêm.

Mặc dù đã tính toán đến phương án phát huy công năng của NVH cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ nhưng địa phương này vẫn chưa định hình được mô hình phù hợp. Hơn nữa, NVH truyền thống ở mỗi khu dân cư cũng trong tình trạng “cửa đóng then cài” nhiều hơn. Đặc biệt, tỉnh Quảng Bình cũng chưa có phương án trong việc thực hiện tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa được quy định trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu theo Quyết định 318/QĐ-TTg và Quyết định 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/3/2022.

Khi nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ được tích hợp thêm “Ngôi nhà trí tuệ” - một sáng tạo tiêu biểu của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh 

Bài 3: Thổi hồn vào nhà văn hóa cộng đồng

Ở Hà Tĩnh, trước đây nhà văn hóa (NVH) cộng đồng cũng “cửa đóng then cài” tương tự như Huế, Quảng Trị, Quảng Bình. Nhưng, kể từ đầu năm 2021 đến nay, khi mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” triển khai, NVH cộng đồng ở Hà Tĩnh thay đổi hoàn toàn cả hình thức lẫn hoạt động bên trong. Mô hình đặc biệt này thực sự “thổi hồn” cho NVH vốn ít khi được dùng đến.

Sáng kiến của Mặt trận

Sau trận lũ lịch sử 2020, Tỉnh ủy Hà Tĩnh phát động chương trình xây dựng NVH cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ. Hàng chục NVH quy mô, bề thế mọc lên ở giữa những khu dân cư từng ngập chìm trong nước lũ. Hà Tĩnh kỳ vọng những ngôi nhà này sẽ trở thành nơi đùm bọc bà con nhân dân mỗi khi bão, lũ xảy đến.

Tuy nhiên, mỗi một NVH cộng đồng tránh lũ trị giá hơn 2 tỷ đồng được xây dựng bằng ngân sách, nguồn xã hội hóa nhưng mỗi năm chỉ sử dụng 1-2 lần để tránh trú bão, lũ (nếu bão, lũ không có thì chức năng này không dùng đến) và thỉnh thoảng họp thôn, xóm. Lường trước việc lãng phí đó, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đã sáng tạo triển khai mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” trên nền NVH cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh chủ động phối hợp với Hệ thống Ngôi nhà trí tuệ và Tủ sách nhân ái Việt Nam tiến hành khảo sát địa bàn, nắm bắt hiện trạng, công năng sử dụng của các NVH, đề xuất chủ trương với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo 22 cấp tỉnh về việc ra mắt mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” tại các Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ.

Qua khoảng thời gian gần 2 năm, mô hình đã phát huy tối đa công năng NVH cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ và phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Những hoạt động trong “Ngôi nhà trí tuệ” vừa giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân gian, vừa là “cái nôi” để phát triển con người theo hướng hiện đại. Nhưng trên hết, “Ngôi nhà trí tuệ” là điểm kết nối giữa người với người, là “ngôi nhà chung” để tăng cường tình đoàn kết, yêu thương, thắm đượm tình đoàn kết, cố kết cộng đồng.

Quá trình xây dựng mô hình, nhận thấy “Ngôi nhà trí tuệ” thực sự hữu ích, thiết thực với đời sống văn hóa ở khu dân cư, mô hình đã lan tỏa đến cả những nơi không có NVH cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ.

Phát huy công năng nhà tránh lũ

Sau 3 tháng triển khai, “NVH cộng đồng - ngôi nhà trí tuệ” thôn Phan Chu Trinh (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) hoàn thành, đưa vào sử dụng. Từ khi có ngôi nhà này, người dân vùng rốn lũ Phan Chu Trinh vui như hội.

Người già, thanh niên, trẻ nhỏ… nô nức về đây để học tiếng Anh, đọc sách, vào mạng internet mở mang kiến thức và vui chơi, thể dục, thể thao. Đặc biệt, vào mùa hè, đây là nơi để học sinh rời xa điện thoại, máy tính bảng để học hỏi, mở mang kiến thức và đắm mình với những trò chơi dân gian hữu ích.

Đang chơi bóng chuyền hơi, cụ Phan Văn Chương (64 tuổi, thôn Phan Chu Trinh) vui vẻ nói: “Chưa bao giờ tôi thấy NVH hữu ích như bây giờ. Tôi có sân chơi, 3 đứa cháu có chỗ học và chơi, có không gian vận động. Bố mẹ các cháu cũng tham gia các câu lạc bộ dân vũ, dân ca ví dặm. Với cách sắp xếp, bố trí như thế này ngôi nhà đã phát huy được tác dụng đúng như tên gọi của nó, NVH cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ”.

Từ tháng 10/2021 đến nay, “Ngôi nhà trí tuệ” tại thôn Phan Chu Trinh đã thành lập được 6 câu lạc bộ văn hóa - thể thao. “Từ ngày có “Ngôi nhà trí tuệ”, các câu lạc bộ hoạt động thường xuyên, việc tổ chức các hoạt động của thôn thực sự nề nếp, sôi nổi, bổ ích và hiệu quả rõ nét. Thu hút hàng trăm thành viên và nhân dân tham gia. Tạo sự gắn bó, đoàn kết” - ông Võ Tá Thọ - Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Phan Chu Trinh cho biết.

Cán bộ thôn Phan Chu Trinh cho hay, kinh phí để xây dựng “Ngôi nhà trí tuệ” của thôn là 490 triệu đồng. Trong đó, cấp trên hỗ trợ 200 triệu đồng, ngân sách xã 30 triệu đồng, nhân dân đóng góp 125 triệu đồng, nguồn xã hội hóa 135 triệu đồng.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Thái Ngọc Hải chia sẻ: Mục tiêu nhất quán của các “Ngôi nhà trí tuệ” là thúc đẩy việc chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, sự hiểu biết và lan tỏa lòng nhân ái một cách sâu rộng trong cộng đồng. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa của đông đảo nhân dân, nơi xây dựng và phát triển những cộng đồng học tập nhằm chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, những cộng đồng dân cư sống nhân ái, thương yêu nhau, gắn kết tình làng nghĩa xóm.

Những tưởng, “Ngôi nhà trí tuệ” chỉ tích hợp trên NVH cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ. Thế nhưng, với những giá trị thực tiễn thực sự bổ ích, nhiều địa phương đã tìm hiểu và quyết định đưa mô hình đến cho dân cư của mình.

Làm “sống dậy” nhà văn hóa cũ

Khoảng 3 tháng trở lại đây, NVH tổ dân phố 3, thị trấn Phố Châu (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) nhộn nhịp lạ thường. Ngày nào cũng thế, tâm điểm hoạt động của người dân vùng sơn cước này đều xoay quanh NVH bởi các tầng lớp nhân dân đang xây dựng mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” trên nền NVH cũ của tổ.

Niềm vui, sự phấn khởi hiện diện trên mỗi khuôn mặt người dân tổ dân phố 3, thị trấn Phố Châu. Ông Nguyễn Văn Vượng (sinh năm 1952) không giấu được sự vui mừng, nở nụ cười rạng rỡ khi chia sẻ với chúng tôi về việc “thay áo” cho “ngôi nhà chung” của tổ dân phố.

“NVH này nhân dân chung tay xây dựng và đưa vào sử dụng cách đây 2 năm nhưng mỗi năm chỉ mở cửa hội họp khoảng 20 lần, còn lại đóng cửa im lìm. Kể từ khi thực hiện mô hình Ngôi nhà trí tuệ, NVH tổ chúng tôi thay đổi hoàn toàn. Từ người già đến trẻ… đều quây quần bên nhau để vui chơi, thể dục, thể thao, học tập, mở mang kiến thức. Không chỉ tôi mà cả tổ đều rất hoan nghênh mô hình này” - ông Vượng vừa nói vừa hướng đôi mắt ra ngắm những đứa trẻ trong tổ vui đùa ngoài sân.

Ở vùng đô thị chật chội, thiếu không gian vui chơi như tổ dân phố 3 thị trấn Phố Châu thì việc thực hiện mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” là giải pháp tháo gỡ được những vấn đề cấp bách về thiếu địa điểm vui chơi, giải trí. Đặc biệt là gắn kết tình làng nghĩa xóm. “Xuất phát từ nguyện vọng người dân, trước mắt, chúng tôi phấn đấu xây dựng mỗi xã, thị trấn một mô hình “Ngôi nhà trí tuệ”. Sau này, dần dần sẽ phủ sóng mô hình này đến từng khu dân cư để thay đổi nếp sinh hoạt buồn tẻ ở các NVH” - ông Nguyễn Thành Đồng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hương Sơn khẳng định.

Theo Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, sau hơn 1 năm triển khai, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 28 mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” tại các NVH cộng đồng tránh bão lũ và NVH thôn đi vào hoạt động. Tổng nguồn lực huy động để thực hiện 28 mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” khoảng 10 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa trên 60%.

Tại các “Ngôi nhà trí tuệ” trong toàn tỉnh đã thành lập hơn 120 câu lạc bộ, đa dạng về loại hình theo nhu cầu, sở thích, độ tuổi và giới tính trong các tầng lớp nhân dân. Về cơ bản, các địa phương vừa tăng cường củng cố, nâng cấp, phát triển các loại hình sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao sẵn có, đồng thời chú trọng việc hình thành mới các câu lạc bộ như: đọc sách, tiếng Anh, kỹ năng sống,...

Năm 2022, các địa phương trên toàn tỉnh Hà Tĩnh đăng ký triển khai 43 mô hình “Ngôi nhà trí tuệ”, trong đó, 10 mô hình tại NVH cộng đồng tránh trú bão, lũ; 15 mô hình do địa phương đăng kí xây mới và 18 mô hình do cấp huyện chủ trì xây mới.

Hầu hết “Ngôi nhà trí tuệ” ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đều dành không gian để lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa 

Bài 4: Ngôi nhà trí tuệ cần vượt ra khỏi 'không gian của Hà Tĩnh'

Những giá trị kết tinh trong mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” đã và đang khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong việc làm thay đổi thiết chế văn hóa cơ sở. Qua “lăng kính” của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ và chuyên gia, mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” đã vượt qua yêu cầu trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và cần vượt ra khỏi “không gian của Hà Tĩnh”.

Hướng đến xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu

Trong xây dựng NTM, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đối với văn hóa là xây dựng đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Trên cơ sở Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM và dưới sự hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, nhiều địa phương đã xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển văn hóa.

Từ đó, các tiêu chí văn hóa được triển khai đồng bộ, thiết thực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nhưng nhiều nơi còn lúng túng trong việc thực hiện. Cơ sở vật chất văn hóa tại các xã đạt chuẩn NTM, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu.

Tuy nhiên, đối chiếu với quy định về xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu theo Quyết định 318/QĐ-TTg và Quyết định 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/3/2022 thì cơ sở vật chất văn hóa ở các địa phương hiện nay vẫn còn đơn điệu, chưa phát huy được công năng và đặc biệt, đời sống văn hóa tinh thần người dân ngày một nâng cao nên thiết chế văn hóa hiện nay không theo kịp sự phát triển chung của xã hội. Việc này, các địa phương trên cả nước vẫn đang loay hoay tìm giải pháp. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” tại Hà Tĩnh như một điểm sáng để các địa phương có thể tham khảo học tập.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng - người luôn đau đáu với đời sống vật chất, tinh thần người dân nơi đây chia sẻ: “Khi chứng kiến người dân, nhất là thế hệ trẻ chơi những trò chơi dân gian, hiểu về truyền thống văn hóa quê hương, được học hỏi, trau dồi kiến thức, mở mang trí tuệ… tất cả quy tụ, yêu thương nhau trong NVH cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ, tôi thấy rất vui. Quan điểm của tôi cũng như của tỉnh trong xây dựng NTM là không chạy theo thành tích, không làm theo kiểu “phong trào” mà hướng đến thực chất. Xây dựng NTM điều cốt yếu là phải nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn”.

Gắn bó với Hà Tĩnh một thời gian dài và cùng làm NTM với người dân địa phương này, ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng NTM Trung ương hiểu hơn ai hết về mô hình “Ngôi nhà trí tuệ”.

Ông Anh khẳng định, bản thân các thiết chế văn hóa cơ sở ở Hà Tĩnh từ thôn đến xã tương đối đồng bộ, đáp ứng cơ bản nhu cầu của người dân đối với hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở. Từ đó, hàng loạt câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao hình thành, hoạt động sôi nổi trong cộng đồng dân cư. Việc trang bị đầy đủ về mặt thiết chế mới dẫn đến việc các cơ quan chức năng xây dựng ý tưởng về mặt nội dung.

Theo ông Anh, đây là mô hình mới và ít nhiều có ý kiến trái chiều. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng “Ngôi nhà trí tuệ” chỉ là “bình mới rượu cũ” hay là mang tính “phong trào”. Một số nơi còn nhầm tưởng đây là mô hình mới, khác hoàn toàn so với NVH.

“Thực chất, mô hình Ngôi nhà trí tuệ là một cách tiếp cận mới để phát huy giá trị của các thiết chế văn hóa lên một tầm cao mới chứ không phải thay mới hội quán thôn (NVH). Huyện Hương Sơn của Hà Tĩnh đang triển khai thực hiện Ngôi nhà trí tuệ rất mạnh mẽ, như một phong trào. Thấy được giá trị và lợi ích cho dân như thế nào thì Hương Sơn mới làm mạnh như thế” - ông Phương Đình Anh nói.

Cũng theo ông Anh, các hoạt động trong “Ngôi nhà trí tuệ” đã làm được việc hết sức quan trọng đó là rèn luyện, trau dồi, bổ sung kỹ năng sống cho thanh thiếu nhi ở cơ sở. Thứ nữa, mô hình còn góp phần phục hồi những bản sắc văn hóa dân gian vốn đang mai một dần trong đời sống hiện đại. Nếu như không có “Ngôi nhà trí tuệ”, những giá trị này dần dần sẽ bị quên lãng. Không những vậy, mô hình còn đưa văn hóa đọc - vốn tưởng là đơn giản, nhưng lại đang là thứ gì đó xa xỉ, đến với người dân nông thôn.

“Điều đặc biệt nhất tôi cho rằng “Ngôi nhà trí tuệ” đã đạt được đó là tính kết nối. Các câu lạc bộ, các trò chơi, các môn thể dục, thể thao… kết tinh trong “Ngôi nhà trí tuệ” tạo ra sự giao lưu văn hóa, giao lưu kiến thức, là không gian cho sự gần gũi giữa thanh thiếu nhi ở nông thôn với sinh viên các trường đại học, học sinh ở các trường THPT. Từ đó, các giá trị văn hóa, tinh thần đoàn kết, sự yêu thương… lan tỏa mạnh mẽ” - ông Anh nhấn mạnh.

Phó Chánh Văn phòng NTM Trung ương còn cho rằng, những giá trị từ “Ngôi nhà trí tuệ” đã vượt qua tiêu chuẩn trong xây dựng xã đạt chuẩn NTM, đáp ứng tiêu chí xây dựng Khu dân cư NTM thông minh, xã NTM nâng cao, kiểu mẫu.

“Các địa phương khác trên cả nước hoàn toàn có thể ứng dụng mô hình này vào địa phương để xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu. Mỗi địa phương sẽ có đặc thù riêng, trên cơ sở mô hình của Hà Tĩnh có thể sáng tạo thêm để phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống văn hóa bản địa” - ông Anh nói.

Cần lan tỏa mô hình của Mặt trận

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hà Tĩnh (ngày 13/12/2021), trước khi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng đoàn công tác đã đến thăm “NVH cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” thôn Phan Chu Trinh (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh).

Đi giữa khuôn viên khang trang, rộng rãi của “NVH cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” thôn Phan Chu Trinh, chứng kiến người dân với mọi lứa tuổi nô nức tham gia các trò chơi dân gian, các môn thể dục thể thao bổ ích như nhảy dây, ô ăn quan, cờ tướng, bóng chuyền hơi, cầu lông, nhảy dân vũ, hay đọc sách, nghiên cứu tài liệu… Các hoạt động bổ ích, thiết thực được người dân đón nhận, hứng khởi tham gia tại mô hình mới của Hà Tĩnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến hết sức ấn tượng.

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” đã phát huy tối đa công năng sử dụng của NVH cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ. Với cách bố trí, sắp xếp bài bản, NVH vừa là nơi hội họp của bà con, vừa là nơi tránh trú mỗi khi bão, lũ về. Đặc biệt, đây còn là nơi vui chơi, nâng cao thể lực, trí tuệ cho bà con nhân dân, là nơi để phát huy văn hóa đọc. “NVH cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” thực sự đã gắn kết cộng đồng dân cư, vun đắp tình đoàn kết nhưng đồng thời là nơi để bà con nâng cao dân trí, phát triển con người với đầy đủ đức - trí - thể - mỹ.

Ngay tại “NVH cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” thôn Phan Chu Trinh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể các cấp ở Hà Tĩnh cần phát huy hơn nữa lợi ích, giá trị từ “NVH cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ”. “Trước hết, phải bảo vệ tốt tính mạng, của cải cho bà con trước thiên tai. Tiếp đến, cần đa dạng hóa các hoạt động thể dục, thể thao, các câu lạc bộ, bổ sung sách, thiết bị… để thu hút nhiều người dân tham gia hơn. Các hoạt động, trò chơi phải kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, tăng cường văn hóa đọc để bồi dưỡng, vun đắp trí tuệ cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Ngoài ra, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc còn đề nghị Hà Tĩnh xem xét nhân rộng mô hình ý nghĩa, thiết thực này để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bà con nhân dân và trở thành nơi tập hợp, nhân lên sức mạnh đại đoàn kết.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết: MTTQ Việt Nam đang hoàn thiện đề án để trình Ban Bí thư Trung ương Đảng có kết luận về “Mô hình Tự quản ở cộng đồng dân cư”. Sau khi thăm mô hình “NVH cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” thôn Phan Chu Trinh (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên), chúng tôi nhận thấy cần thiết phải bổ sung mô hình này vào đề án.

Quả thực, sau một thời gian ngắn thí điểm, thực hiện mô hình “Ngôi nhà trí tuệ”, đời sống văn hóa, tinh thần của Hà Tĩnh khởi sắc hoàn toàn. Đặc biệt, dịp hè như thế này, “Ngôi nhà trí tuệ” trở thành nơi hội tụ các giá trị văn hóa và lan tỏa tình đoàn kết, bác ái, yêu thương.