Mô hình cụm dân cư sinh thái, điểm sáng xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) - Từ nhiều năm nay, mô hình "tổ liên gia tự quản" phát huy vai trò đoàn kết cộng đồng, bảo vệ an ninh, an toàn trật tự xã hội. Tại Hà Tĩnh, mô hình này đã được phát triển thành "cụm dân cư sinh thái". Điều khiến nhiều người ngạc nhiên chính là tính thích ứng linh hoạt tạo ra nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế-xã hội của mô hình mới này. Đây là điều đặc biệt có ý nghĩa đối với những địa phương có hoàn cảnh thiếu hụt nguồn lao động tại chỗ.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

Một phòng sinh hoạt chung của cụm dân cư sinh thái thôn Cửa Lĩnh, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). 

Dù mới hình thành và phát triển ở một vài địa phương trong 5 năm gần đây nhưng cụm dân cư sinh thái đã cho thấy vai trò nòng cốt trong chương trình phát triển du lịch nông thôn và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo tinh thần Quyết định số 922/QĐ-TTg mới được Chính phủ phê duyệt đầu tháng 8 vừa qua.

Ấn tượng ở một địa phương giáp biên giới

Về xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh vào dịp này du khách ngỡ ngàng trước sự khởi sắc của địa phương. Đó là sắc mầu của hàng trăm loài hoa, những căn nhà vườn xây theo lối biệt thự đơn lập thấp thoáng triền đồi. Dẫn chúng tôi đi giữa đường hoa, Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh Nguyễn Xuân Thê tự hào với những công trình mới được xây cất bằng sự chung tay đóng góp của nhân dân. Đó là những di tích mới được tôn tạo, những thủy đình phong quang giữa hồ sen khoe sắc, là những con đường mới mở, cửa ngăn lũ, trạm bơm nước... Bước vào cụm dân cư sinh thái mọi người càng thêm trầm trồ, ngạc nhiên. Nhiều người không kìm nén sự tò mò, vội hỏi: Nhà nào ở đây cũng được sống trong không gian như vậy à? Bí thư Nguyễn Xuân Thê đáp: "Thưa chưa! Chỉ mới có hơn một phần tư dân số của xã thôi. Chính xác là 410 vườn kiểu mẫu trong số 1.580 hộ dân".

Cả xã hiện có 10 cụm dân cư sinh thái, xây dựng dựa trên cơ sở một nhóm gia đình có vườn kiểu mẫu. Hàng rào làm ranh giới giữa các khu vườn kiểu mẫu đã bị gỡ bỏ, thay vào đó là những con đường bằng đá xếp với nhiều hoa và tiểu cảnh bắt mắt. Không gian trong cụm dân cư sinh thái rộng mở, có dáng dấp của những khu nghỉ dưỡng cao cấp (resort). Các chủ nhân còn khéo léo xây dựng những ngôi nhà hóng gió và đặt những cái tên nghe rất "hành chính" là phòng họp tổ liên gia, nhà văn hóa cụm dân cư… Chúng tôi vào thăm từng nhà, rồi lại thăm phòng họp Tổ liên gia số 1 thôn Cửa Lĩnh. Thoáng cái, các bà chủ trong mỗi nhà đã mang lên đủ loại hoa trái nông sản thết đãi, đặc biệt có món trà pha mật ong để lạnh, tất cả đều là sản phẩm "cây nhà lá vườn".

Bác Nguyễn Quang Lý, nguyên Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh giai đoạn 2000-2010 giờ là một "lão nông tri điền" ngụ cư trong cụm dân cư sinh thái này kể: Đức Lĩnh trước đây được mệnh danh là xã đường đất, thôn Cửa Lĩnh đây là vùng sâu, vùng xa nghèo khó bậc nhất của xã. Tất cả những gì chúng ta thấy được hôm nay chính là nhờ quá trình lao động của cán bộ và nhân dân thực hiện chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới. Xã Đức Lĩnh nói riêng và huyện Vũ Quang nói chung có xuất phát điểm thấp.

Trước năm 2010, huyện Vũ Quang có 10 xã, 1 thị trấn thì trong đó đã có 7 xã thuộc Chương trình 135. Người dân sống bằng thuần nông, cơ sở hạ tầng lạc hậu cùng với thiên tai, bão lũ liên miên là nguyên nhân chính của nghèo đói. Khi xây dựng nông thôn mới, huyện Vũ Quang đã chắt chiu, tận dụng từng nguồn lực, sự hỗ trợ của Trung ương và địa phương, quyết tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Cùng với sự đồng thuận, tham gia tích cực của nhân dân, việc xây dựng nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả. Đời sống nhân dân được cải thiện.

Đến năm 2020, huyện Vũ Quang đã có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Có 54/73 thôn đạt khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, hơn 1.000 vườn kiểu mẫu, xây dựng được 1.845 mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; 65 doanh nghiệp, 53 hợp tác xã và 155 tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả.

Hiệu quả của cụm dân cư sinh thái

Trước đây, từng có người ví von bằng một cụm từ rất ám ảnh về huyện Vũ Quang, ấy là: mảnh ghép nghèo. Điều này xuất phát từ thực tế huyện được thành lập dựa trên các xã nghèo nhất của ba huyện Đức Thọ, Hương Khê và Hương Sơn. Nhiều lĩnh vực xuất phát từ con số 0, trong đó khó nhất là cán bộ, hầu hết là cán bộ tăng cường. Phát triển nông nghiệp đặc biệt khó khăn bởi đất tự nhiên ít vì trên địa bàn huyện có hồ Ngàn Trươi và vườn quốc gia Vũ Quang chiếm hơn 1/3 diện tích đất canh tác.

Qua bốn nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp, huyện và các địa phương đã dần tháo gỡ được những điểm nghẽn. Trong đó đặc biệt là đã phát triển được một đội ngũ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trong thực tế, nhiều mô hình kinh tế phát huy hiệu quả cũng xuất phát từ bài học kinh nghiệm của nhiều lớp cán bộ, đảng viên nêu gương, đi đầu, nghĩ mới, làm mới. Như mô hình cụm dân cư sinh thái là một thí dụ.

Bí thư Đảng ủy xã Đức Lĩnh Nguyễn Xuân Thê nói: Xuất phát từ mô hình tổ liên gia tự quản, mọi người cùng nhau họp bàn tìm cách giải quyết, tháo gỡ những vấn đề của địa phương. Khi đó, người dân nhận thấy nhu cầu hỗ trợ lẫn nhau trong lao động sản xuất nên đã tự nguyện kết thành từng tổ và cụm. Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, xã Đức Lĩnh xác định điểm đột phát là cải tạo vườn tạp thành vườn kiểu mẫu. Kết quả đã có 100% cán bộ, đảng viên hưởng ứng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Giai đoạn 2015-2017, xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã vận động nhân dân chung tay góp sức mở rộng, kéo dài đường liên xóm, liên khu dân cư và cải tạo nhà ở. Thời điểm này, những mô hình kinh tế ở địa phương đã phát huy hiệu quả, người dân đã có tích lũy, xã lại động viên từng hộ gia đình xây dựng nhà ở theo hướng sinh thái. Nghĩa là có kiến trúc phù hợp với cảnh quan môi trường, bảo đảm tiện nghi về vệ sinh nông thôn, công trình phụ khép kín, chuồng trại xa nơi ở... Đồng chí Thê kể: Lúc đó mỗi người dân đều phát huy sự sáng tạo làm sao cho việc xây dựng cơ ngơi khang trang, tiết kiệm, nhưng cũng bảo đảm theo kịp xu hướng phát triển của nhà ở theo mặt bằng chung.

Mô hình cụm dân cư sinh thái bắt đầu có từ sau năm 2017, khi xã có chủ trương xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Lúc đầu, mô hình này xuất phát từ nhu cầu mở rộng vườn kiểu mẫu trong các tổ liên gia, rồi đổi công, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, chia sẻ lợi ích... Ví như một nhà trên cao, một nhà dưới thấp, chỉ cần dùng chung một bể nước. Một nhà có mạng internet, có sóng wifi lại chia sẻ với nhà bên cạnh. Cùng với hàng trăm thứ việc nhà nông khác nếu kết hợp với nhau thì hiệu quả sẽ cao hơn. Đơn cử như hàng rào giữa các khu vườn cũng chiếm diện tích không nhỏ. Nay phá bỏ có thêm diện tích canh tác, thêm nguồn thu. Mấy hộ cùng đi chung một cổng, một con đường thì đường sẽ được làm đẹp hơn, cổng to hơn…

Xã Đức Lĩnh có 10 cụm dân cư sinh thái, trung bình có từ 5 đến 7 hộ gia đình ở chung trên một diện tích khoảng 3 đến 3,5ha; thu nhập bình quân mỗi năm một hộ từ việc bán nông sản trong vườn đạt từ 170 đến 200 triệu đồng/hộ. Việc thu mua nông sản chung theo một đầu mối nên giá cả ổn định, rõ nhất là trong giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19, các hộ trong cụm dân cư sinh thái không bị ảnh hưởng nhiều về thu nhập. Cũng phải nói thêm rằng xã Đức Lĩnh cũng có tình trạng người trong độ tuổi đi làm xa nên việc đổi công trong các cụm dân cư sinh thái còn góp phần tận dụng sức lao động trong các hộ.

Để có nhiều hơn cụm dân cư sinh thái

Trong thực tế ở nhiều địa phương, các cụm sinh thái đã hình thành và phát triển từ khá lâu. Tiêu biểu nhất là những cụm dân cư, cộng đồng dân cư hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Như ở Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa), Đàm Thủy (tỉnh Cao Bằng) các tổ, cụm dân cư đã chuyên môn hóa về dịch vụ. Thí dụ có gia đình chuyên cho thuê nhà nghỉ homestay, chuyên phục vụ ăn uống, chuyên biểu diễn văn nghệ. Hay ở khu vực các tỉnh phía nam cũng có mô hình hội quán, chia sẻ kinh nghiệm giúp đỡ nhau trong phát triển nghề nghiệp.

Ở khu vực miền trung có những tổ hợp tác gia đình phân chia nhiều công đoạn chế biến các sản phẩm hải sản. Có thể thấy ở đây đã có sự manh nha hình thành cụm, tổ hoạt động sản xuất, kinh doanh lớn hơn mức hộ gia đình nhưng cũng chưa đến mức của hợp tác xã. Suy cho cùng tên gọi là gì cũng không quan trọng, quan trọng là những mô hình này đã thúc đẩy sự phát triển chung của kinh tế-xã hội tại địa phương.

Bài học kinh nghiệm rút ra từ cụm dân cư sinh thái ở Đức Lĩnh chính là vai trò đi trước, nêu gương của cán bộ, đảng viên trong suốt quá trình vận động người dân phát triển kinh tế hộ gia đình hướng tới sự phát triển chung của cộng đồng và xã hội. Trong thực tế, việc cải tạo vườn tạp thành vườn kiểu mẫu ở Đức Lĩnh diễn ra không hề đơn giản. Cấp ủy đảng và chính quyền các cấp cùng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội phải tích cực hướng dẫn, giúp đỡ, giám sát trong nhiều năm để nâng cao nhận thức người dân.

Nghị quyết của cấp ủy đảng các cấp cũng phải hết sức linh hoạt, sớm nhận ra điểm đột phá trong quá trình phát triển. Ngay như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vũ Quang nhiệm kỳ 2020-2025 chưa cập nhật mô hình cụm dân cư sinh thái, nhưng ngay khi nắm bắt được tinh thần chung của tỉnh và huyện, Đảng bộ xã Đức Lĩnh đã kịp thời đưa mô hình này vào chương trình hành động để phát huy, thúc đẩy sự phát triển của mô mình mới, đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao cho địa phương.