Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) - Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là sự tiếp tục thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bằng những kinh nghiệm thực tiễn tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và trước những yêu cầu mới hiện nay, đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc các cấp cần có những nội dung và cách thức tham gia thực hiện chương trình một cách phù hợp. Bài viết đề xuất một số giải pháp để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia thực hiện có hiệu quả chương trình này.

Thái Nguyên dồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Phước Đông: Quyết tâm xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu

Quảng Trị: Đẩy mạnh huy động nguồn lực chăm lo cho người nghèo

Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thăm quan các gian hàng trưng bày của đồng bào các dân tộc xã Quy Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết, tháng 11/2022. 

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới là nội dung quan trọng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong suốt tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương khóa X xác định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước”1.

Ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết xác định mục tiêu: “Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải gắn với không gian di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo vệ các giá trị của nền văn minh lúa nước, bản sắc văn hóa dân tộc cao đẹp”2.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 được Nghị quyết số 19-NQ/TW xác định: “Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh”3.

Tổng kết 10 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, đã đạt được những kết quả quan trọng: “đạt và vượt các mục tiêu đề ra trước gần 2 năm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”4, “đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn năm 2018 tăng 2,78 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh từ 17,35% năm 2010 xuống còn khoảng 5,9% năm 2019, khoảng cách phát triển giữa nông thôn - đô thị từng bước được thu hẹp. Cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn có sự chuyển dịch tích cực, công nghiệp và dịch vụ nông thôn tăng trưởng nhanh. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn khoảng 38,1% năm 2018, thu nhập bình quân từ hoạt động phi nông nghiệp ngày càng tăng, chiếm 78% tổng thu nhập của hộ nông thôn năm 2019”5.

Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình đã xác định mục tiêu chung: “Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”6. Đặc biệt trong giai đoạn này, Chương trình đặt mục tiêu cụ thể đối với các vùng nông thôn đặc biệt khó khăn: “Phấn đấu 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định”7.

Xây dựng nông thôn mới là quá trình cách mạng lâu dài. Đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và xã hội. Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đã xác định: “Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng; đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn”8.

Ngay sau khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tại Hội nghị lần thứ ba khóa VII của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp để Mặt trận tham gia xây dựng nông thôn mới thông qua các cuộc vận động và các phong trào thi đua yêu nước, trực tiếp là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” (nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”). Thông qua Cuộc vận động, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tuyên truyền, vận động các chủ trương của Đảng, chính sách, chương trình của Nhà nước về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung vận động Nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Một số giải pháp để Mặt trận Tổ quốc tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ lâu dài trong suốt quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các phong trào quần chúng thực mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tham gia bảo vệ môi trường,  xây dựng đời sống văn hóa, chấp hành pháp luật, phát huy dân chủ, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh. Tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, bảo đảm sự phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và bảo vệ Tổ quốc.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố khảo sát, đánh giá và tổng kết các mô hình thực hiện cuộc vận động và các phong trào của Mặt trận để nhân rộng mô hình, đảm bảo cho cuộc vận động và các phong trào có hiệu quả thiết thực, góp phần và xây dựng nông thôn mới theo định hướng Chương trình mục tiêu của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần thống nhất chương trình hành động với các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể nhân dân tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, tăng cường kết nối, vận động các lực lượng xã hội hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới cần đến nguồn lực lao động, nguồn vốn và nguồn lực về khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Mặt trận có thể trở thành chủ thể kết nối các lực lượng xã hội hướng về nông thôn, hỗ trợ nông thôn phát triển. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục mở rộng liên kết, giới thiệu các doanh nghiệp có tiềm năng về khai thác phát triển sản xuất kinh doanh ở nông thôn, tập trung ưu tiên cho các lĩnh vực như giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp.

Thứ tư, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tập trung vào việc giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn, liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, xây dựng nông thôn mới gắn với từng địa bàn dân cư nông thôn và có sự tham gia của các cộng đồng dân cư nông thôn nên việc phát huy vai trò của Mặt trận cơ sở và Nhân dân trong giám sát cộng đồng rất quan trọng và thiết thực, nhất là ở một số lĩnh vực như đầu tư cộng đồng, đất đai, chính sách xã hội…

Quá trình tham gia xây dựng nông thôn mới của Mặt trận Tổ quốc các cấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, điều kiện chủ quan quyết định trực tiếp đến hiệu quả tham gia xây dựng nông thôn mới là năng lực của chính tổ chức Mặt trận. Điều này đặt ra cho Mặt trận Tổ quốc các cấp, trước hết phải nhận thức đầy đủ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của Mặt trận trong việc tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương. Công tác xây dựng tổ chức của Mặt trận cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách Mặt trận các cấp có đủ phẩm chất và năng lực làm công tác Mặt trận, có hiểu biết về nông thôn và xây dựng nông thôn mới cùng với việc tăng cường xây dựng, củng cố tổ chức Mặt trận ở địa bàn cơ sở nông thôn (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư).

Chú thích:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa X), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.123-124.

2,3,8. Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

4,5. Tạp chí Dân vận, thứ Ba, 12/5/2020 8:57'(GMT+7)10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020: Kết quả và bài học kinh nghiệm.

6,7. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/2/2022 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Nguyễn Thọ Ánh

Tiến sĩ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền