Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở

(Mặt trận) -Hoạt động của hệ thống Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở có nhiều đổi mới, sáng tạo, hướng mạnh về cơ sở. MTTQ các cấp triển khai có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động do MTTQ chủ trì phát động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững mạnh.

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Bình Thuân: Lan tỏa yêu thương, chăm lo cho người nghèo

Hiệu quả từ Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo ở huyện Yên Sơn

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Cao Bằng hỗ trợ sửa chữa nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo trên địa bàn. 

Trong công tác tuyên truyền, MTTQ các cấp tỉnh Cao Bằng thực hiện tốt công tác tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vận động nhân dân đồng thuận thực hiện các chủ trương, của Đảng chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thi đua sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên làm giàu chính đáng. Phát huy tinh thần dân chủ, sáng tạo và tự quản, nhân dân các địa phương tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; thực hiện giám sát cán bộ, đảng viên và tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Một trong những điểm nhấn minh chứng cho sự đổi mới hoạt động của Mặt trận đó là hoạt động chăm lo cho người nghèo được triển khai đồng bộ từ tỉnh tới cơ sở, tích cực huy động mọi nguồn lực thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Năm 2023, Quỹ “Vì người nghèo” tiếp nhận 25,5 tỷ đồng; từ nguồn Quỹ, tặng quà Tết cho trên 37.400 hộ nghèo, tổng kinh phí hỗ trợ trên 17,3 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 301 nhà “Đại đoàn kết”, số tiền trên 18 tỷ đồng; hỗ trợ mô hình phát triển sinh kế, các công trình dân sinh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách trên 24 tỷ đồng. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của tỉnh hằng năm từ 4 - 5%/năm.

Thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Cao Bằng và các tổ chức thành viên thường xuyên tổ chức thăm, tặng quà các gia đình chính sách, nhất là vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ hằng năm. Ủy ban MTTQ chủ trì vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; các tổ chức thành viên có nhiều hoạt động thiết thực trợ giúp thương binh, gia đình liệt sỹ, cựu thanh niên xung phong và người có công với cách mạng; tổ chức các chương trình tri ân các anh hùng liệt sỹ, hoạt động về nguồn, giúp đỡ đồng đội...

Nắm bắt những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp dự 237 cuộc sinh hoạt với khu dân cư; thành lập 1.607 đoàn của cấp ủy Đảng, chính quyền đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con hằng năm. Thường xuyên phối hợp với các tổ chức thành viên vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia các hoạt động hòa giải ở cơ sở. Đến nay, duy trì hoạt động 1.462 tổ hòa giải/1.462 khu dân cư với 6.700 thành viên, các tổ hòa giải tiếp nhận 635 vụ việc, hòa giải thành công 416 vụ việc, đạt tỷ lệ 65%. 

Việc triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, MTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên và các ngành tổ chức trưng bày sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh tại 17 hội chợ triển lãm, hội nghị, chương trình kết nối giao thương, tạo điều kiện cho hơn hơn 150 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh. Qua đó, đưa hàng Việt Nam chất lượng đến với người tiêu dùng, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Hưởng ứng phong trào thi đua “Đoàn kết, sáng tạo”, Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền các nội dung của phong trào “Đoàn kết, sáng tạo” đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; xây dựng các phong trào thi đua, như: “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, hiệu quả kinh tế”; nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp đỡ nhau về giống cây trồng, vật nuôi; đầu tư vay vốn; chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất.

Việc phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, giám sát và phản biện xã hội đã trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, riêng năm 2023, Ủy ban MTTQ các cấp chủ trì phối hợp tổ chức 78 hội nghị tiếp xúc cử tri, có 956 ý kiến phát biểu, kiến nghị, đóng góp liên quan đến chế độ chính sách, đất đai, giao thông, thủy lợi; chủ trì tổ chức 2 đoàn giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Trùng Khánh, Bảo Lạc; giám sát thực hiện thủ tục thanh toán thù lao cho hòa giải viên trên địa bàn tỉnh tại huyện Hòa An, Bảo Lâm. Phối hợp tham gia 8 đợt giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và các ban của HĐND tỉnh; tổ chức phản biện xã hội đối với 4 dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh theo đề nghị của các cơ quan soạn thảo, trong đó 2 dự thảo nghị quyết phản biện bằng hình thức tổ chức hội nghị phản biện, 2 dự thảo nghị quyết phản biện bằng hình thức gửi văn bản phản biện.

Trong mọi hoạt động, MTTQ và các tổ chức thành viên luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, khu dân cư, tập hợp, phản ánh kịp thời tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, giúp cấp ủy Đảng, chính quyền xử lý kịp thời và có hiệu quả những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Tiếp tục quan tâm đổi mới và đẩy mạnh hoạt động của các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, các chức sắc, chức việc tôn giáo, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc. 

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng Thẩm Văn Phán cho biết: Ủy ban MTTQ các cấp tiếp tục đa dạng các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân; lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với cấp ủy Đảng, chính quyền, bảo đảm thực hiện tốt vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; giám sát và phản biện xã hội; triển khai có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 N.H