Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Cà Mau tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền

(Mặt trận) -Phát huy vai trò là cầu nối giữa Ðảng, chính quyền và Nhân dân, nhiệm kỳ qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp tỉnh Cà Mau tích cực tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền. Qua đó, tạo được sự đồng thuận cao của xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Bình Thuân: Lan tỏa yêu thương, chăm lo cho người nghèo

Hiệu quả từ Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo ở huyện Yên Sơn

Tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ Việt Nam.Bằng những cách làm sáng tạo, linh hoạt, MTTQ các cấp tham gia đóng góp dự thảo luật, các chương trình dự án, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cụ thể hoá các chủ trương của Trung ương, của tỉnh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Chủ động triển khai thực hiện hiệp thương, phối hợp tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đúng luật định. Ðồng thời, phối hợp tổ chức hơn 1.400 cuộc tiếp xúc cử tri, tập hợp 11.270 lượt ý kiến, kiến nghị trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, để phản ánh, kiến nghị với cơ quan chức năng, trả lời thấu đáo.

Một trong những hình thức tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền của MTTQ là nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Trong nhiệm kỳ, MTTQ các cấp chủ trì và phối hợp thực hiện 1.798 cuộc giám sát chuyên đề và đột xuất, tập trung vào những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và được đông đảo người dân, dư luận xã hội quan tâm.

Bà Mai Thị Thuỳ Trang, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Cà Mau, cho biết, từ năm 2019 đến nay, MTTQ các cấp của thành phố chủ trì giám sát 495 cuộc trên các lĩnh vực về thực hiện giảm nghèo bền vững; việc phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, chính sách đối với dân tộc, tôn giáo... Qua giám sát, đã kiến nghị các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đẩy mạnh công tác triển khai, tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Với nỗ lực cao, hoạt động phản biện xã hội (PBXH) của MTTQ các cấp đi vào nền nếp, tập trung phản biện các dự thảo chương trình, dự án có tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. MTTQ các cấp đã thực hiện tốt vai trò chủ trì xây dựng kế hoạch PBXH, phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn, ban tư vấn, tổ tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực để thực hiện PBXH.

Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nhấn mạnh, chất lượng, hiệu quả công tác PBXH đã khẳng định và ngày càng nâng cao vai trò, vị trí của MTTQ trong tình hình mới. Kết quả hoạt động PBXH được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiếp thu, hoàn thiện dự thảo chính sách, pháp luật trước khi ban hành; đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, hạn chế việc vi phạm pháp luật.

 MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên trên địa bàn đã tạo được khí thế thi đua sôi nổi, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. (Ảnh: Tuyến đường ở Ấp 1, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh).

Tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; MTTQ các cấp kịp thời ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam tỉnh, chương trình của Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tham gia giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Quy định số 124-QÐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Ðảng; kịp thời tiếp nhận thông tin, phản ánh với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Nhiều ý kiến đóng góp của MTTQ được tổ chức đảng và đảng viên tiếp thu, thực hiện nghiêm túc.

Mặt trận các cấp thường xuyên lắng nghe và phản ánh những ý kiến, kiến nghị chính đáng của Nhân dân tới các cấp uỷ đảng, chính quyền; hướng dẫn và vận động Nhân dân thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận xã hội. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, người dân xã Ðất Mới, huyện Năm Căn, bày tỏ: “Thông qua các buổi họp dân, người dân chúng tôi có điều kiện bày tỏ tâm tư, nguyện vọng cũng như ý kiến xây dựng các công trình dân sinh, công trình phúc lợi; các khoản đóng góp và mức đóng góp của Nhân dân; việc rà soát và xét đối tượng hộ nghèo... Từ đó, bà con luôn đoàn kết, tích cực phát triển kinh tế gia đình, tham gia các phong trào do MTTQ và địa phương phát động”.

Nhiệm kỳ mới, 2024-2029, MTTQ tỉnh Cà Mau xác định “Phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền” là 1 trong 3 khâu đột phá tập trung thực hiện. Theo đó, MTTQ các cấp tiếp tục đổi mới kế hoạch, chương trình hành động cụ thể; nội dung, hình thức tổ chức thiết thực, nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng bộ máy chính quyền của dân, do dân, vì dân; hướng đến mục tiêu xây dựng Cà Mau ngày càng phồn vinh, hạnh phúc./.

M.T