Long An: Tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững

(Mặt trận) -Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp cùng sự quan tâm lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở, Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững (GNBV) trên địa bàn tỉnh Long An đạt nhiều kết quả tích cực. Số hộ nghèo, cận nghèo giảm qua từng năm, hạn chế tối đa tình trạng tái nghèo hoặc phát sinh hộ nghèo mới.

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

Mang Tết đến với người nghèo huyện Tri Tôn

Niềm vui được đón Tết trong những ngôi nhà mới ở Quảng Trị

 Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giúp hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: Lê Ngọc

Hiệu quả từ chương trình giảm nghèo bền vững

Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện CTMTQG GNBV giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt ra mục tiêu hỗ trợ người nghèo, cận nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong đó, tỉnh tập trung thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới; triển khai, thực hiện hiệu quả các dự án (DA), tiểu DA thuộc CTMTQG GNBV.

Đặc biệt, tỉnh đã triển khai, thực hiện 6/7 DA, gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình; còn DA 5 (hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo) không triển khai do tỉnh không có huyện nghèo, việc hỗ trợ nhà ở được thực hiện lồng ghép trong nhiều chương trình an sinh xã hội.

Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư phát triển bố trí cho chương trình dự kiến trên 27 tỉ đồng, gồm hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển 15 tỉ đồng và phát triển giáo dục nghề nghiệp việc làm bền vững trên 12 tỉ đồng; vốn sự nghiệp trên 82 tỉ đồng.

Tại huyện Mộc Hóa, qua 3 năm thực hiện CTMTQG GNBV gắn với xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào có sức lan tỏa sâu, rộng, huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện thu nhập cho người dân. Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa - Nguyễn Văn Minh thông tin, địa phương thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ giúp người nghèo, cận nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Năm 2021, huyện cấp 324 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân thuộc diện hộ nghèo và 1.293 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, hỗ trợ 221 hộ dân vay vốn ưu đãi với số tiền trên 10,3 tỉ đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

Đồng thời, huyện tiếp tục triển khai các mô hình giảm nghèo hiệu quả như nuôi bò, nuôi heo, hỗ trợ máy phun hạt, máy xịt thuốc,... Năm 2022, huyện tổ chức 9 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 267 học viên; tiếp tục triển khai DA nhân rộng mô hình giảm nghèo tại xã Bình Thạnh. Đến cuối năm 2022, hộ nghèo của huyện chỉ còn 188 hộ, chiếm 2,55%; hộ cận nghèo còn 457 hộ, chiếm 6,19%.

Tại huyện Đức Huệ, dù là địa bàn biên giới còn gặp nhiều khó khăn, song từ việc triển khai đồng bộ các chính sách, phân bổ nguồn vốn kịp thời từ chương trình đã giúp nhiều người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Theo thống kê của UBND huyện, đến cuối năm 2022, hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 488 hộ, chiếm 2,53%, dự kiến, đến cuối năm 2023, có thêm 60 hộ thoát nghèo.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai cho biết, chương trình GNBV đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn sản xuất, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua thống kê, số hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 là 6.269 hộ, chiếm 1,31%; số hộ cận nghèo là 11.570 hộ, chiếm 2,41%.

Năm 2022, qua rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, hộ nghèo là 4.764 hộ, chiếm 0,99%; hộ cận nghèo là 11.049 hộ, chiếm 2,29%. Đến cuối tháng 6/2023, hộ nghèo giảm còn 0,97% và hộ cận nghèo giảm còn 2,24%. Dự kiến, đến cuối năm 2025, hộ nghèo của tỉnh giảm còn 0,65%.

Còn nhiều vướng mắc

Bên cạnh những kết quả nổi bật, quá trình triển khai các DA, tiểu DA của chương trình hiện nay cũng gặp một số khó khăn nhất định. Đơn cử như thực hiện DA 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, năm 2022, kinh phí phân bổ 8,29 tỉ đồng và năm 2023, phân bổ trên 20 tỉ đồng nhưng nguồn vốn năm 2022 vẫn chưa thể giải ngân do hàng loạt vướng mắc về trình tự, thủ tục phải kéo dài sang năm 2023.

Hiện kế hoạch vốn năm 2023 của các địa phương còn gặp vướng mắc. Tại huyện Mộc Hóa, dù DA 2 được cấp kinh phí phân bổ năm 2023 trên 1 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai do tỉnh chưa ban hành quy định cụ thể nội dung và mức hỗ trợ sản xuất, cơ chế thu hồi vốn, luân chuyển nguồn vốn, gây khó khăn trong triển khai, thực hiện.

Trong thực hiện tiểu DA 1 thuộc DA 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, theo quy định tại Thông tư số 46/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính về quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện CTMTQG GNBV thì phát triển giáo dục nghề nghiệp triển khai trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh không có huyện nghèo. Do đó, người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp ở tỉnh không thuộc đối tượng của tiểu DA 1. Dù nguồn kinh phí phân bổ nhiều, năm 2022 trên 5,6 tỉ đồng, năm 2023 trên 9,2 tỉ đồng nhưng tỉnh không triển khai, thực hiện được.

Ngoài ra, một số thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn chung chung, không có quy định mức hỗ trợ cụ thể để thực hiện 1 DA cũng như mức hỗ trợ mỗi hộ dân tham gia DA cũng gây khó khăn cho các địa phương trong việc triển khai, thực hiện, nhất là đối với DA 2, tiểu DA 1 của DA 3 của chương trình.

Phấn đấu hộ nghèo giảm còn 0,65%

Thông tin từ UBND tỉnh, mặc dù còn một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện CTMTQG GNBV, tuy nhiên, với quyết tâm cao nhất, tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 0,65%, giảm hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn dưới 3%; xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Để đạt mục tiêu đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa khẳng định: Trước hết, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như các địa phương cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác GNBV sâu, rộng trong hệ thống chính trị và nhân dân, để người dân quyết tâm vươn lên thoát nghèo, chống tư tưởng ỷ lại; đồng thời, phải hướng dẫn cho người nghèo có nhận thức đúng, biết tận dụng các cơ hội để giảm nghèo, sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.

Đặc biệt, công tác GNBV cần được xác định là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, xem đây là nội dung quan trọng trong xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm, kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm của các cấp.

Ông Phạm Tấn Hòa cũng yêu cầu, các ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai, thực hiện CTMTQG GNBV giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch thực hiện chương trình hàng năm, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra.

Đồng thời, các địa phương cần thực hiện tốt các DA, tiểu DA thành phần của chương trình theo đúng hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các quy định của pháp luật, bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo như chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc diện hộ nghèo, dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, hỗ trợ tiền điện; chính sách trợ giúp pháp lý giúp hộ nghèo, cận nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản và vươn lên thoát nghèo bền vững./.

T.H