Long An: MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội góp phần xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) -Với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Long An không chỉ giữ vai trò tiên phong trong việc tuyên truyền, vận động mà còn tích cực triển khai các hoạt động có chiều sâu, xây dựng nhiều mô hình hiệu quả.

Thái Nguyên dồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Phước Đông: Quyết tâm xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu

Quảng Trị: Đẩy mạnh huy động nguồn lực chăm lo cho người nghèo

Huy động sức dân

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM, những năm qua, trên địa bàn xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An có nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất, mở rộng đường giao thông nông thôn và xây dựng nhiều công trình phúc lợi khác. Trong đó, có gia đình ông Dương Văn Liêm (ấp Tân Thành).

Trong thời buổi “tấc đất, tấc vàng” nhưng hưởng ứng phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ông Liêm tự nguyện hiến trên 1.000m2 đất, đóng góp tiền và vận động mọi người xung quanh đồng tình thực hiện để mở rộng đường Tân Thành - Tân Chánh, đường Chống Mỹ.

Từ sự chung sức, đồng lòng của người dân, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn xã Tân Tập từng bước được hoàn thiện, diện mạo nông thôn khởi sắc từng ngày. Ông Liêm chia sẻ: “Là hội viên nông dân, tôi cùng gia đình chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tôi thấy rằng, mở đường rộng thì trước hết mình đi lại thuận lợi hơn, nông sản bán dễ dàng hơn, sau đó làm cho xã đạt các tiêu chí XDNTM”.

 Đoàn viên, thanh niên với các công trình, phần việc góp phần xây dựng nông thôn mới

Với suy nghĩ những gì có lợi cho chính quyền và người dân thì mình ra sức thực hiện nên dù đã nghỉ hưu, hiện ở độ tuổi 70 nhưng bà Bùi Thị Út - hội viên phụ nữ (PN) ấp 3, xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An, vẫn miệt mài đóng góp cho xã hội.

Chúng tôi gặp bà Út khi bà đang tất bật chuẩn bị bài vở cho việc giảng dạy miễn phí tại nhà. Là cô giáo về hưu, tuy lớn tuổi nhưng bà vẫn học hỏi ứng dụng công nghệ thông tin, tự mua các trang thiết bị để dạy khoảng 10 học sinh trong chương trình lớp 3, 5.

Sắp xếp xong công việc, bà cùng những PN gần nhà chăm sóc, trồng hoa bên đường Đặng Ngọc Sương. “Hồi đó, đường này chưa được mở rộng, những người đi đường hay vứt rác, tôi và mấy hội viên, PN thường đi nhặt rác. Giờ đường lớn đã mở, lại nhựa hóa, chính quyền và Hội Liên hiệp PN xã phát động phong trào trồng cây, hoa nên tuyến đường này ngày càng xanh, sạch, đẹp” - bà Út nói.

Trò chuyện cùng bà Út, chúng tôi được biết, bà đã 2 lần phá dỡ một góc hàng rào ở phía trước nhà cũng như hiến một phần đất để mở rộng đường Ông Bảy Khéo. Một số hộ dân xung quanh biết việc làm của bà cho rằng: “Nhà bà Út nằm trên đường Đặng Ngọc Sương nên bà không thường đi vào đường Ông Bảy Khéo, thế nhưng bà tự nguyện làm hành động này để các hộ dân đi lại dễ dàng hơn. Bây giờ, tuyến đường được bêtông hóa, ôtô nhỏ có thể lưu thông”.

Bà Út kể, trước đây, bà từng là Phó Bí thư Chi bộ ấp 3, hiện tại chỉ là đảng viên nhưng giúp được gì cho người dân thì bà cố gắng làm. Nhà của bà còn là điểm sinh hoạt thường xuyên của khu dân cư ấp 3. Có lẽ vì được sự tín nhiệm của nhiều người nên trong các công việc của ấp, bà cũng thường phối hợp để tuyên truyền, vận động. Nhờ đó, 16 hộ dân có nhà trong tuyến đường nói trên đều vui vẻ góp tiền để cùng địa phương hoàn thành công trình.

Nhiều công trình, phần việc ý nghĩa

Những năm qua, MTTQ và các đoàn thể trên địa bàn tỉnh Long An như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp PN, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh,... đẩy mạnh triển khai, thực hiện các mô hình Dân vận khéo; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, tích cực tham gia phong trào XDNTM bằng những việc làm cụ thể,... Từ đó, từng bước thay đổi nhận thức của người dân về vai trò chủ thể của mình trong XDNTM, nổi bật nhất có lẽ là Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh.

Thông tin từ UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An, phong trào thi đua XDNTM ngay từ khi triển khai đã nhận được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đều tổ chức phát động phong trào thi đua “Chung sức XDNTM”. Trong đó, Hội Nông dân đẩy mạnh thực hiện xây dựng mô hình Hộ nông dân xanh, sạch, đẹp, an toàn; Hội Liên hiệp PN chủ động phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức tập huấn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, hội thi có gắn với nội dung XDNTM.

Tiêu biểu có những mô hình sáng tạo, hiệu quả như Liên gia tự phòng, tự quản; Tổ PN không có người tham gia đánh bài; Tổ PN không có con em vi phạm pháp luật; Cuộc vận động Xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch", góp phần vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam; Đoàn Thanh niên với Đoạn đường kiểu mẫu; Đường hoa thanh niên; Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn;…

Ngoài ra, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An và các tổ chức thành viên tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh triển khai, thực hiện cuộc vận động nói trên đến cơ sở và khu dân cư; củng cố, nhân rộng các mô hình Mỗi khu dân cư một công trình; Giảm nghèo bền vững;...

Tham gia XDNTM là nhiệm vụ trọng tâm và có tính chiến lược. Với kết quả tích cực đã đạt, MTTQ và các tổ chức thành viên tiếp tục giữ vai trò là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong phong trào XDNTM.

Bên cạnh đó, với hoạt động tập trung hướng về cơ sở bằng những mục tiêu cụ thể, quan trọng cùng Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân trong tỉnh sớm hoàn thành các tiêu chí về XDNTM theo lộ trình, góp phần cải thiện đáng kể về chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn hiện nay.

Từ đầu năm 2023 đến nay, MTTQ, các đoàn thể và các tổ chức hội quần chúng ở cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các cuộc họp dân, sinh hoạt ban Công tác Mặt trận, các chi, tổ hội, đoàn thể, phương tiện thông tin đại chúng nhiều cuộc họp với những nội dung liên quan đến Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh.

Song song đó, với phương châm "lấy sức dân để chăm lo cho đời sống nhân dân", việc huy động người dân đóng góp XDNTM được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch nên được nhân dân đồng thuận đóng góp với số tiền trên 6,5 tỉ đồng; hiến nhiều diện tích đất, góp trên 1.000 ngày công lao động và được đầu tư vào lĩnh vực: Giao thông, thủy lợi, môi trường (nước sạch, rác thải,...)./.

Thanh Nga