Long An: Lo an cư cho người nghèo, cận nghèo

(Mặt trận) -Phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025 được tỉnh Long An ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện. Đây là việc làm phát huy truyền thống tốt đẹp "tương thân, tương ái", "lá lành đùm lá rách", nghĩa tình của dân tộc ta.

Mang Tết đến với người nghèo huyện Tri Tôn

Niềm vui được đón Tết trong những ngôi nhà mới ở Quảng Trị

TP Đà Nẵng: Phát động chương trình Xóa nhà tạm, nhà dột nát” năm 2025

Giúp người nghèo an cư

Ngày 19/6/2024, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 539/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”. Theo chỉ đạo, Sở Nội vụ tham mưu xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh. 

Phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh được bắt đầu triển khai, thực hiện từ tháng 9/2024. Theo kế hoạch, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025 để lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030. Qua đó, tổng kết, đánh giá phong trào, khen thưởng thành tích thi đua vào cuối năm 2025. UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng và cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc thực hiện phong trào thi đua này.

 Thời gian qua, các cấp, các ngành vận động nhiều nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo gặp khó khăn về nhà ở

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm, phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát nhằm tạo khí thế sôi nổi, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tập trung mọi nguồn lực xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều.

Theo kế hoạch của tỉnh ban hành, phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát tập trung vào 5 nội dung trọng tâm. Đó là thi đua huy động, vận động các nguồn lực của Nhà nước, xã hội, doanh nghiệp, toàn dân thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát với sự chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, xã hội và người dân; thi đua xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; thi đua xây dựng các công trình xóa nhà tạm, nhà dột nát bảo đảm an toàn, có chất lượng, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững; đồng thời, qua đây còn thi đua sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy định, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí với nguyên tắc hỗ trợ đến từng hộ gia đình, phù hợp với điều kiện thực tiễn và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của từng địa phương; thi đua thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội để chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Qua kết quả rà soát, tổng hợp, hiện trên địa bàn tỉnh còn 372 hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở nằm trong diện thụ hưởng của phong trào thi đua, trong đó có 261 hộ cần xây mới nhà ở, 111 hộ cần cải tạo nhà ở. Kinh phí cần hỗ trợ để xây mới và cải tạo nhà ở ước gần 19 tỉ đồng (năm 2024 hơn 11,8 tỉ đồng, năm 2025 hơn 7,1 tỉ đồng).

Phát huy truyền thống "tương thân, tương ái"

Gần đây, UBMTTQ Việt Nam huyện Tân Hưng phối hợp UBMTTQ Việt Nam xã Vĩnh Đại tổ chức lễ trao tặng nhà Đại đoàn kết cho ông Huỳnh Văn Kỳ (ấp Láng Sen). Ông Kỳ thuộc diện hộ nghèo, gặp khó khăn về nhà ở. Căn nhà được xây dựng có kết cấu vách tường, mái lợp tôn, nền láng xi măng; tổng kinh phí xây dựng 80 triệu đồng, trong đó, Quỹ Vì người nghèo huyện và Quỹ Vì người nghèo xã hỗ trợ 50 triệu đồng, phần còn lại do thân nhân gia đình đóng góp.

“Có được căn nhà mới, tôi rất vui mừng, phấn khởi. Cảm ơn các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện cho gia đình có nơi ở ổn định. Tôi hứa cố gắng làm ăn, vươn lên trong cuộc sống” - ông Kỳ bày tỏ trong buổi lễ giao, nhận nhà mới.

Theo Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Tân Hưng - Nguyễn Xuân Hợp, huyện quan tâm thực hiện công tác chăm lo cho người nghèo và huy động các nguồn lực để thực hiện. Những năm qua, trên địa bàn huyện đã xây dựng và hỗ trợ xây dựng nhiều căn nhà, bàn giao cho người dân gặp khó khăn về nhà ở. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn những hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ, giúp đỡ. Việc tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện kế hoạch phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 sẽ là "đòn bẩy" giúp huyện thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống, giúp người nghèo an cư.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Đặng Ngọc Tảo, để triển khai, thực hiện phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát tình hình thực tế, số lượng hộ nghèo, cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, gia đình có công với cách mạng gặp khó khăn về nhà ở. Từ đó, đánh giá hiện trạng nhà ở, số lượng nhà tạm bợ hiện tại trên địa bàn để có kế hoạch triển khai, thực hiện, bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích, hiệu quả và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Qua kết quả rà soát, tổng hợp, hiện trên địa bàn tỉnh còn 372 hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở nằm trong diện thụ hưởng của phong trào thi đua, trong đó có 261 hộ cần xây mới nhà ở, 111 hộ cần cải tạo nhà ở. Kinh phí cần hỗ trợ để xây mới và cải tạo nhà ở ước gần 19 tỉ đồng (năm 2024 hơn 11,8 tỉ đồng, năm 2025 hơn 7,1 tỉ đồng). Theo kết quả rà soát, tổng hợp, có 6 huyện, thị xã trong tỉnh còn nhà tạm bợ, dột nát là Tân Hưng (241 căn), Thủ Thừa (32 căn), Mộc Hóa (29 căn), Thạnh Hóa (29 căn), Đức Huệ (21 căn) và thị xã Kiến Tường (20 căn).

Theo ông Nguyễn Minh Lâm, phong trào thi đua góp phần lan tỏa truyền thống tốt đẹp "tương thân, tương ái", "lá lành đùm lá rách", nhân ái, nghĩa tình "thương người như thể thương thân" của dân tộc ta. Qua đó, động viên, khích lệ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống./.

 Đ.T