Long An: Đưa hàng Việt Nam đến với người tiêu dùng

(Mặt trận) -Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được cơ quan thường trực là UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An phối hợp các cấp, các ngành, địa phương triển khai đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam trong việc ưu tiên mua và sử dụng hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam; đồng thời, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

 Các địa phương từng bước xây dựng nhiều mô hình nhằm đưa hàng Việt Nam chất lượng đến tay người tiêu dùng

Thay đổi nhận thức của người tiêu dùng

Theo đánh giá của Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An – Trương Văn Nọ, năm 2023, việc thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư được cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ngành, UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh quan tâm. Nội dung CVĐ được đưa vào tiêu chí thi đua trong thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị. Thành viên Ban Chỉ đạo các cấp trong tỉnh đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất trong nước; thường xuyên đăng tải các thông tin về thị trường, giá hàng hóa, nhu cầu kết nối, tiêu thụ sản phẩm, chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến,… Từ đó, thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Thành viên Ban Chỉ đạo CVĐ thường xuyên quảng bá sản phẩm, hàng hóa của các DN trong tỉnh trên báo, đài, mạng xã hội Zalo, Facebook, Fanpage, trang thông tin điện tử, tại các sự kiện kết nối giao thương bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Nhờ thực hiện các hoạt động kết nối, bình ổn giá, quảng bá hàng Việt giúp thị trường, giá hàng hóa trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định; hàng hóa dồi dào, phong phú, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Chị Nguyễn Thị Minh (xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) chia sẻ: “Khi có nhu cầu mua sắm, tiêu dùng trong gia đình, tôi ưu tiên chọn lựa hàng Việt Nam. Bởi sản phẩm, hàng hóa của các DN Việt Nam ngày càng có uy tín và chất lượng nên tôi an tâm sử dụng”.

Trong năm, UBMTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh và UBND huyện Bến Lức, UBND huyện Đức Hòa tổ chức “Hoạt động bán hàng, đưa hàng Việt Nam về khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh”. UBMTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục vận hành Sàn thương mại điện tử tỉnh nhằm hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm. Hiện có 485 sản phẩm của 51 gian hàng được quảng bá trên Sàn thương mại điện tử tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ DN cải tiến máy móc, thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh với tổng kinh phí trên 3 tỉ đồng từ nguồn khuyến công quốc gia và địa phương. Tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, tỉnh, từ đó, đề xuất bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và cấp quốc gia.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Các nhà sản xuất, DN trong nước, cơ sở kinh doanh đồng hành thực hiện CVĐ bằng những việc làm thiết thực như nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mại; coi trọng chế độ bảo hành sản phẩm và cam kết với NTD nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước. Sở Công Thương đã tiếp nhận 10.072 hồ sơ chương trình khuyến mại, góp phần thúc đẩy hàng hóa tiêu thụ trên thị trường.

Anh Trương Ngọc Ẩn - Chủ cửa hàng tạp hóa Ngọc Ẩn (xã Bình Tâm, TP.Tân An) nói: “Tôi thường xuyên thông tin, giới thiệu sản phẩm hàng Việt Nam đến NTD. Tôi thấy người dân hiện nay chú trọng lựa chọn mua sắm hàng hóa chất lượng và quan tâm về giá cả, độ an toàn, nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu của sản phẩm”.

Việc nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi của NTD luôn được quan tâm. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và các văn bản hướng dẫn thi hành luật của Chính phủ được chú trọng nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, DN và NTD trong tỉnh.

 MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động người dân ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ hàng hóa Việt Nam

Ông Trương Văn Nọ cho biết: “Đối với các xã biên giới, Thường trực Ban Chỉ đạo CVĐ cấp huyện phối hợp các ngành liên quan vận động người dân không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, không sử dụng hàng không rõ nguồn gốc. Nhằm đưa hàng Việt Nam chất lượng đến tay NTD, các địa phương từng bước xây dựng nhiều mô hình hiệu quả như Điểm tạp hóa bán hàng Việt, Điểm bán hàng Việt trên địa bàn, Phiên chợ hàng Việt cho người nghèo; đưa hàng Việt về nông thôn, đưa sản phẩm nông nghiệp nông thôn ra thành thị; phiên chợ đêm. Đồng thời, nhân rộng các điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” và duy trì một số mô hình có hiệu quả tại các địa phương trong tỉnh gắn với Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”.

Công tác kiểm tra, giám sát các điểm bán hàng Việt cũng được MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh phối hợp thực hiện nhằm tránh xảy ra tình trạng đưa những mặt hàng kém chất lượng vào bán trà trộn với hàng chính hãng để trục lợi, gây mất niềm tin của NTD. Chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh tăng cường quản lý, điều hành trong triển khai, thực hiện tốt cơ chế, chính sách, khuyến khích các tổ hợp tác, hợp tác xã, DN ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.

CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được chọn làm khâu đột phá trong công tác Mặt trận năm 2023. CVĐ là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần yêu nước, từng bước góp phần khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh trong nước, giữ vững mức độ tăng trưởng kinh tế. Ban Chỉ đạo CVĐ các cấp trong tỉnh tiếp tục triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đây là giải pháp nhằm kích cầu tiêu dùng, tạo dựng hình ảnh, uy tín, lòng tin của NTD trong và ngoài tỉnh đối với hàng Việt./.

N.M