(Mặt trận) -Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được MTTQ các cấp tỉnh Long An triển khai sâu, rộng. Công tác tuyên truyền, vận động và nhiều cách làm hiệu quả được triển khai giúp người tiêu dùng (NTD) nhận thức đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, từng bước đưa hàng Việt chất lượng, uy tín đến tận tay NTD.
|
MTTQ các cấp tuyên truyền, vận động người dân ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ hàng hóa Việt Nam |
Lan tỏa trong cộng đồng
CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được chọn làm khâu đột phá trong công tác Mặt trận năm 2023. CVĐ là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần yêu nước, từng bước góp phần khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh trong nước, giữ vững mức độ tăng trưởng kinh tế.
Thông qua hệ thống loa truyền thanh, băng rôn, khẩu hiệu, nền tảng mạng xã hội, MTTQ các cấp phối hợp tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; tăng cường sử dụng các sản phẩm hàng Việt chất lượng cao; duy trì tổ chức các phiên chợ hàng Việt. MTTQ các cấp tích cực vận động DN nâng cao chất lượng, giảm giá thành và tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng Việt trên mạng xã hội.
Là nơi hội tụ nhiều DN sản xuất, kinh doanh và nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hàng hóa, sản phẩm với khối lượng lớn nên UBMTTQ Việt Nam TP.Tân An chú trọng triển khai, thực hiện tốt CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.Tân An - Lê Thành Phước cho biết: “MTTQ đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về những sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt, sản phẩm OCOP của thành phố, nông sản chất lượng, những địa chỉ DN uy tín để NTD có đầy đủ thông tin về sản phẩm; vận động NTD ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ hàng hóa Việt Nam khi có nhu cầu mua sắm trang thiết bị, vật tư bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước”.
Ngoài ra, chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố tăng cường quản lý, điều hành trong triển khai, thực hiện tốt cơ chế, chính sách, khuyến khích các tổ hợp tác, hợp tác xã, DN ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. MTTQ các cấp phối hợp tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt bảo đảm chiếm thị phần tương xứng trong các siêu thị và trung tâm thương mại.
Xây dựng các điểm bán hàng Việt
Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam TP.Tân An chọn và xây dựng điểm bán hàng Việt tại các khu phố trên địa bàn phường Tân Khánh và Khánh Hậu. Đây được xem là đầu mối hỗ trợ các DN, đơn vị tìm kiếm khách hàng để liên kết, hợp tác kinh doanh, tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường, góp phần phát triển hệ thống phân phối hàng Việt một cách bền vững.
Các sản phẩm được bày bán tại điểm bán hàng Việt là hàng hóa được sản xuất 100% trên địa bàn thành phố, bảo đảm các tiêu chí về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, an toàn thực phẩm. Qua đó, giúp NTD nhận thức đúng về chất lượng sản phẩm và ưu tiên dùng hàng hóa của các DN Việt Nam.
Ông Lê Thành Phước cho biết thêm: “Đến nay, thành phố có nhiều sản phẩm được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như sản phẩm bầu khô của Hợp tác xã Nông nghiệp Rau, củ, quả Khánh Hậu; tinh dầu bưởi của Hợp tác xã Nông nghiệp Nhơn Thạnh Trung; đồng thời, chứng nhận các sản phẩm OCOP như chả giò Kim Ngọc food, cơ sở mắm ruốc Ba Buôi, nước mắm Vĩnh Hương. Qua đó, góp phần phát triển hệ thống phân phối, quảng bá các đặc sản nổi tiếng của địa phương đến NTD”.
Công tác kiểm tra, giám sát các điểm bán hàng Việt cũng được UBMTTQ Việt Nam thành phố phối hợp thực hiện nhằm tránh xảy ra tình trạng đưa những mặt hàng kém chất lượng vào bán trà trộn với hàng chính hãng để trục lợi, gây mất niềm tin của NTD. Từ đó, tạo hiệu ứng tốt trong việc triển khai, thực hiện CVĐ cũng như khơi dậy lòng tự hào, niềm tin của NTD đối với các sản phẩm được sản xuất tại địa phương.
Chị Huỳnh Thị Yến (phường Tân Khánh) chia sẻ: “Tôi biết và sử dụng sản phẩm như nước mắm, nước tương, bột ngọt, sữa,... do DN Việt Nam sản xuất từ nhiều năm nay. Sản phẩm “made in Việt Nam” có giá ổn định, được nhiều người đánh giá chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nên tôi an tâm sử dụng”.
Không chỉ tại TP.Tân An, việc xây dựng các điểm bán hàng Việt còn được triển khai hiệu quả tại các địa phương khác trong tỉnh. Thông qua các cuộc họp, UBMTTQ Việt Nam huyện Thạnh Hóa lồng ghép tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức và người dân ưu tiên lựa chọn, sử dụng hàng Việt Nam khi có nhu cầu mua sắm và xem đó là lòng yêu nước, nét đẹp văn hóa tiêu dùng.
Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Minh Trang thông tin: “Địa phương phối hợp tổ chức các phiên chợ hàng Việt, kịp thời thông tin, tạo điều kiện để người dân tham quan các điểm bán hàng Việt. Từ đó, giúp NTD tiếp cận hàng Việt, nâng cao nhận thức trong sử dụng sản phẩm, công cụ sản xuất, hàng tiêu dùng trong nước”.
Đến nay, NTD tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh quen thuộc với tấm biển hiệu Điểm bán hàng Việt. Để CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, MTTQ các cấp tiếp tục rà soát, lựa chọn xây dựng thêm nhiều điểm bán hàng Việt cố định tại các địa phương. Đây là giải pháp nhằm kích cầu tiêu dùng, tạo dựng hình ảnh, uy tín, lòng tin của NTD trong và ngoài tỉnh đối với hàng Việt./.
UBMTTQ Việt Nam thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước ra mắt mô hình Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt và xây dựng được 4 điểm bán hàng Việt.
UBMTTQ Việt Nam TP.Tân An xây dựng thí điểm 6 điểm bán hàng Việt cố định, góp phần hình thành mô hình các chuỗi liên kết sản xuất, phân phối và tiêu dùng.
UBMTTQ Việt Nam huyện Tân Trụ phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện ra mắt mô hình Trưng bày, giới thiệu sản phẩm quê hương.
UBMTTQ Việt Nam huyện Cần Giuộc ra mắt mô hình Quầy hàng sản phẩm thương hiệu quê hương.
UBMTTQ Việt Nam huyện Bến Lức duy trì mô hình Hàng Việt giá rẻ, Đưa hàng Việt đến với công nhân, lao động; vận động 5 tiệm tạp hóa và 15 tiểu thương cam kết ưu tiên bán hàng Việt chất lượng cao, bình ổn giá.
UBMTTQ Việt Nam huyện Thủ Thừa duy trì mô hình Vận động nhân dân tham gia phiên chợ nông sản sạch,...
|
Ngọc Mận