Lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân

(Mặt trận) -Huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, MTTQ và các tổ chức thành viên từ huyện đến cơ sở đã xây dựng chương trình hành động phù hợp với chủ trương, nghị quyết của cấp ủy Ðảng và nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Nhờ đó, hiệu quả hoạt động không ngừng nâng lên.

Khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

 Người dân Hoài Ân tổ chức chuyển hàng hóa hỗ trợ người dân TP Hồ Chí Minh thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, năm 2021. Ảnh: TỐNG BÌNH

Một trong những kết quả nổi bật, thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng lòng của hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Hoài Ân thời gian qua là thành công từ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hoài Ân Trần Xuân Quang, phương châm nhất quán là lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân, lấy lợi ích chung của cộng đồng làm điểm tương đồng, lấy sự tiến bộ và nâng cao chất lượng cuộc sống ở khu dân cư làm mục tiêu.

“Từ đó, Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp trong huyện đã bám sát địa bàn dân cư và từng gia đình để triển khai các nội dung cuộc vận động. Đồng thời, gợi ý cho từng địa phương đề xuất, đăng ký những đầu việc, công trình cụ thể, thiết thực. Qua đó, góp phần đạt mục tiêu chung về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững”, ông Quang cho hay.

Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức thành viên đã triển khai lồng ghép toàn diện, hợp lý các nội dung của cuộc vận động với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ từ nhân dân. Tính đến nay, nhân dân toàn huyện đã hiến trên 23.000 m2 đất, trên 70.000 ngày công lao động và hơn 120 tỷ đồng để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh.

Đáng chú ý, các chương trình an sinh xã hội với nhiều cách làm mới đã được MTTQ và các hội, đoàn thể triển khai có hiệu quả, hướng đến đối tượng cần trợ giúp và có sản phẩm cụ thể, đặc biệt quan tâm đến người nghèo, dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Các phương án hỗ trợ không đơn thuần là trao phương tiện, sinh kế mà thể hiện qua tấm lòng sẻ chia, cảm thông với từng cảnh đời khó khăn, ngặt nghèo.

Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, các tổ chức thành viên của MTTQ các cấp trong huyện đã tín chấp với các ngân hàng hỗ trợ vốn vay cho trên 11.000 lượt hộ gia đình, với số tiền trên 540 tỷ đồng. Duy trì và phát huy các mô hình “Tổ tiết kiệm tương trợ”, “Tổ tiết kiệm tín dụng”, “Nuôi heo đất tiết kiệm”, “Hũ gạo tình thương”… giúp đỡ hội, đoàn viên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đến nay còn 4,32%.

Trong gian khó càng thấy rõ vai trò tập hợp, gắn kết toàn dân của Mặt trận. Hai năm qua, đối mặt với thiên tai, lũ chồng lũ và dịch Covid-19, MTTQ và các tổ chức thành viên trong huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động hội, đoàn viên và nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giúp nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Nhiều “Chuyến xe nghĩa tình”, “Chuyến xe không đồng” đưa những phần quà, nhu yếu phẩm đến tận tay người cần.

Với sự chung tay góp sức của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, DN và các nhà hảo tâm, MTTQ và các hội, đoàn thể trong huyện đã vận động, tiếp nhận hơn 1,6 tỷ đồng cho Quỹ Phòng, chống Covid-19, trên 80 tấn hàng hóa và nhu yếu phẩm hỗ trợ trực tiếp cho người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và các địa phương trong huyện. Ngoài ra, các tổ chức thành viên đã xây dựng “Bếp ăn nghĩa tình” cung cấp trên 50.000 suất ăn cho các tuyến đầu phòng, chống dịch.

MAI LÂM