Lào Cai: Phát huy tiềm năng, thế mạnh giảm nghèo bền vững

(Mặt trận) - Là huyện vùng cao, biên giới phía Tây Bắc của tỉnh Lào Cai, Bát Xát thuộc một trong 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

Qua giám sát về việc thực hiện các chính sách dân tộc và những vấn đề liên quan đến đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bát Xát cho thấy, các chính sách được UBND huyện triển khai hiệu quả đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, thực hiện xóa đói, giảm nghèo. Điển hình là việc thực hiện các dự án bố trí sắp xếp tập trung và xen ghép, bố trí sắp xếp dân cư thiên tai, bố trí dân cư biên giới được UBND huyện chỉ đạo thực hiện cơ bản tốt. Năm 2020, toàn huyện có 126 hộ bị ảnh hưởng thiên tai cần phải di chuyển.

Tính đến ngày 5/11/2020, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã bố trí chuyển và làm nhà tại nơi an toàn được 14 hộ, các hộ cần di chuyển gấp đã được UBND huyện trích ngân sách địa phương trên 500 triệu xây dựng nhà tạm cho các hộ dân đến ở. Đồng thời, triển khai phương án thực hiện các dự án sắp xếp dân cư thiên tai tại các thôn, xã có nhiều hộ dân đang sống tại nơi có nguy cơ cao về thiên tai nguy hiểm như: Dự án bố trí dân cư thôn Láo Vàng, xã Phìn Ngan; thôn Tả Hồ, xã Tòng Sành; thôn Tùng Chỉn, xã Trịnh Tường; thôn Pa Cheo, xã Pa Cheo, để bố trí ổn định dân cư cho trên 300 hộ ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, việc bố trí đất tái định cư và xây dựng các dự án bố trí dân ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm còn gặp khó khăn trong lựa chọn vị trí thuận lợi, quy hoạch đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Đại bộ phận Nhân dân là đồng bào các dân tộc thiểu số tại các thôn, xã vùng cao chưa có nhiều chuyển biến theo theo hướng sản xuất hàng hóa. Tiềm năng, thế mạnh từng vùng chưa được phát huy như: Một số xã có điều kiện thời tiết khí hậu phù hợp cho trồng rau trái vụ như xã Pa Cheo nhưng chưa khai thác được để sản xuất hàng hóa đại trà; các xã vùng cao có thể phát triển chăn nuôi đại gia súc như Sảng Ma Sáo, Ngài Thầu, A Lù… chưa được chú trọng đầu tư thực hiện; đặc biệt, xã Y Tý và một số xã lân cận có sản phẩm đặc thù như khoai sâm đất là mặt hàng thực phẩm được ví như vị thuốc quý nhưng chưa được đầu tư phát triển.

Thực tế trên đặt ra yêu cầu UBND huyện cần tiếp tục đề nghị Trung ương bố trí các nguồn vốn đầu tư xây dựng các dự án bố trí dân cư ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, bảo đảm các hộ dân di chuyển ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm đều được bố trí nơi ở mới an toàn; đồng thời, chủ động đề xuất bổ sung quy hoạch đất ở tại các điểm lựa chọn xây dựng dự án, bảo đảm có đất cho người dân ở theo đúng quy hoạch và quy định về quản lý đất đai. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền vận động, định hướng và hỗ trợ Nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư sản xuất, chăn nuôi phù hợp với tiềm năng, thế mạnh từng địa phương để tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.