Lạng Sơn: Tưng bừng ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư

(Mặt trận) -Trong không khí tưng bừng, phấn khởi cùng Nhân dân cả nước hướng tới kỷ niệm 93 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2023), những ngày qua, khắp các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã hân hoan tổ chức ngày hội đại đoàn kết (ĐĐK) toàn dân tộc. Đây không chỉ là ngày hội, ngày vui mà còn là dịp để thể hiện sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng.

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

Người dân thôn Quyết Thắng, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng chơi lảy cỏ tại ngày hội đại đoàn kết

Để ngày hội diễn ra an toàn, thành công và thực sự là ngày hội của toàn dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tham mưu cho UBND, ban chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, ban công tác gia đình tại các địa phương xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức ngày hội cũng như lên các chương trình, hoạt động diễn ra trước, trong và sau ngày hội.

Ngày hội thiết thực, sôi nổi

Thôn Lạng Giai B, xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng là một trong những khu dân cư tổ chức “Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc” sớm nhất trong tỉnh (ngày 4/11). Bà Trần Thị Thiết, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Lạng Giai B cho biết: Thôn hiện có 152 hộ với 634 nhân khẩu. Công tác chuẩn bị cho ngày hội được thôn triển khai trước đó 1 tháng. Trong các nội dung chuẩn bị thì việc tập văn nghệ được người dân trong thôn nhiệt tình tham gia. Đều đặn trong 1 tháng, từ 19 giờ 30 phút đến 22 giờ mỗi tối, bà con lại tập trung ở nhà văn hóa thôn để tập văn nghệ, múa sạp. Ai nấy đều nhiệt tình, hồ hởi bởi thôn vinh dự được tỉnh, huyện chọn làm điểm tổ chức ngày hội ĐĐK toàn dân tộc, có các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện về dự. Nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp trên, sự nỗ lực của cả thôn, ngày hội đã thành công tốt đẹp. Đặc biệt, qua ngày hội đã thể hiện sự quan tâm của các cấp, ngành tỉnh, huyện, xã đối với thôn, cũng như thể hiện tình cảm, tinh thần trách nhiệm và sự đoàn kết của người dân trong thôn. Trong đó, nhân dịp này, có 26 người dân của thôn đang sinh sống và làm việc trong và ngoài tỉnh đã ủng hộ kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn, mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa, với tổng kinh phí hơn 40 triệu đồng.

Sáng 10/11, đông đảo người dân thôn Quyết Thắng, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng đã tập trung tại nhà văn hóa để tham dự Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc. Đây cũng là khu dân cư được tỉnh, huyện chọn làm điểm chỉ đạo tổ chức sự kiện này. Tại đây, sau phần lễ, không khí ngày hội càng thêm náo nhiệt với trò chơi như thi thái chuối, tẽ ngô, lảy cỏ và giao lưu văn nghệ. Ông Hoàng Văn Thiềm, người dân thôn Quyết Thắng phấn khởi: Cả năm thôn mới có ngày hội đông vui, tập trung đông đủ thế này, làm cho tình cảm làng xóm càng thêm gắn bó. Vui nhất là ngày hội có các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, xã đến dự, lắng nghe ý kiến đóng góp, kiến nghị của người dân và định hướng, chỉ đạo để bà con tận dụng tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống. Tự hào là quê hương đồng chí Hoàng Văn Thụ, tôi cùng người dân trong thôn, trong xã sẽ tiếp tục đoàn kết phát triển kinh tế, góp sức xây dựng khu dân cư ngày càng phát triển…

Đồng chí Phạm Tất Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư thôn Giáp Thượng, xã Y Tịch, huyện Chi Lăng. 

Theo tìm hiểu, để ngày hội ĐĐK toàn dân tộc được tổ chức hiệu quả, đúng mục đích đề ra, ngày 11/10, Ủy ban MTTQ tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức ngày hội năm 2023 để hướng dẫn MTTQ các cấp và khu dân cư chuẩn bị các hoạt động của ngày hội trên tinh thần tiết kiệm, an toàn, ý nghĩa và bổ ích. Mỗi địa phương tùy theo điều kiện để triển khai cho phù hợp. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền về lịch sử, truyền thống MTTQ Việt Nam và kết quả thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động và tình hình khối ĐĐK ở khu dân cư; biểu dương các tập thể, gia đình, cá nhân tiêu biểu để tạo khí thế thi đua sôi nổi trong Nhân dân. Cùng với đó là tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, an sinh xã hội, liên hoan bữa cơm ĐĐK để thắt chặt thêm tình đoàn kết.

Tính từ đầu tháng 11/2023 đến ngày 14/11, toàn tỉnh đã có trên 85% khu dân cư tổ chức ngày hội ĐĐK (toàn tỉnh hiện có 1.676 thôn, bản, tổ dân phố). Điểm mới trong các nội dung của ngày hội năm nay là các khu dân cư tổ chức phát động phong trào thi đua chào mừng đại hội MTTQ các cấp nhiệm kỳ 2024 – 2029; nhiều khu dân cư kết hợp tổng kết 20 năm tổ chức ngày hội ĐĐK toàn dân tộc, tổ chức các hoạt động, trò chơi mới lạ, hấp dẫn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho bà con. Qua đó, mối quan hệ giữa cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp với quần chúng Nhân dân càng thêm gắn bó, khối ĐĐK toàn dân tộc ngày càng được thắt chặt, củng cố.

Đồng chí Phạm Tất Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương tặng quà cho bà con khu dân cư thôn Giáp Thượng, xã Y Tịch, huyện Chi Lăng.  

Lan tỏa tinh thần đồng thuận toàn dân

Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được tổ chức từ năm 2003, thực hiện theo Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW ngày 1/8/2003 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Qua 20 năm tổ chức, ngày hội đã trở thành cầu nối gắn kết và tạo nên những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng, đặc biệt là góp phần củng cố và tăng cường khối ĐĐK toàn dân, chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Theo đó 20 năm qua, ngày hội ĐĐK toàn dân tộc ngày càng được lan tỏa ở các khu dân cư, với quy mô, hình thức ngày càng đổi mới. Nếu như năm 2003, toàn tỉnh có 40% khu dân cư tổ chức được ngày hội thì từ năm 2016 đến năm 2022 có 100% khu dân cư tổ chức được ngày hội (trừ năm 2020 và 2021 không tổ chức được toàn bộ do thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch  COVID-19); trên 90% khu dân cư tổ chức được bữa cơm ĐĐK, tăng gần 72% so với năm 2003. Ngày hội diễn ra từ đầu tháng 11 đến ngày 18/11, nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11).

 Đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh uỷ và đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa, quà cho người dân thôn Giáp Thượng

Đồng chí Nông Lương Chấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lạng Sơn cho biết: Trong từng giai đoạn, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tích lũy kinh nghiệm để tham mưu cấp ủy cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn tổ chức ngày hội ĐĐK với phương châm “lấy khu dân cư là trọng tâm, người dân là chủ thể”. Việc tổ chức ngày càng nền nếp, bài bản, từ đơn vị điểm đến từng khu dân cư, trở thành hoạt động thường niên không thể thiếu ở khu dân cư, được triển khai chu đáo, phù hợp với từng điều kiện, địa bàn cụ thể. Trong đó, Ủy ban MTTQ tỉnh tham mưu Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch, lịch tổ chức ngày hội điểm để mời các đồng chí lãnh đạo trung ương, lãnh đạo tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy tham dự ngày hội. Qua đây, không những góp phần tăng cường khối ĐĐK toàn dân mà còn tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương với Nhân dân.

Ngày hội ĐĐK thường có 2 phần: lễ và hội. Trong đó, phần lễ thường ôn lại truyền thống MTTQ Việt Nam; đánh giá kết quả một năm thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở khu dân cư, công tác thi đua, khen thưởng, tặng quà hộ nghèo, gia đình chính sách, hỗ trợ xây dựng các công trình dân sinh… Phần hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn tặng quà cho bà con khu dân cư thôn Còn Toòng, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc. 

Theo thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh Lạng Sơn, từ năm 2003 đến nay, các cấp, ngành, cơ quan, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh đã ủng hộ kinh phí, vật liệu xây dựng trên 1.000 công trình dân sinh, hỗ trợ kinh phí để xây dựng và sửa chữa 3.255 nhà ĐĐK cho hộ nghèo, gia đình chính sách và tặng nhiều hiện vật phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội cho các thôn bản, khu phố nhân dịp tổ chức ngày hội ĐĐK toàn dân tộc.

Thêm vào đó, tại ngày hội, các khu dân cư còn tổ chức phát động và ký kết thực hiện các phong trào thi đua cho năm tiếp theo. Qua đây tạo sự lan tỏa, đồng thuận của người dân trên địa bàn toàn tỉnh trong hưởng ứng các phong trào, hoạt động, tham gia đóng góp nguồn lực xây dựng các công trình, phần việc ở khu dân cư. Trong 20 năm qua, Nhân dân toàn tỉnh đã hiến 909.850m² đất, đóng góp trên 543 tỷ đồng, hàng triệu ngày công lao động để làm đường giao thông, trường học, nhà văn hóa và nhiều công trình công cộng khác. Các tầng lớp Nhân dân cũng đã đóng góp vốn đối ứng trên 50 tỷ đồng để đầu tư sửa chữa, xây dựng hệ thống thủy lợi, công trình nước sinh hoạt tập trung…

Qua các hoạt động ý nghĩa đã góp phần xây dựng từng khu dân cư cũng như địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đến nay, toàn tỉnh có 86/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 65 tuyến phố văn minh đô thị; tỷ lệ hộ nghèo còn 8,92%, giảm 3,28% so với năm 2021… Toàn tỉnh hiện có hơn 86% hộ dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa, tăng 39,7%; gần 85% thôn bản, tổ dân phố đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, tăng 63,9% so với năm 2003.

Chặng đường 20 năm tổ chức ngày hội ĐĐK toàn dân tộc đã khẳng định sức sống và ý nghĩa ngày hội lớn của toàn dân, góp phần gắn kết cộng đồng, khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường ngay từ cơ sở; tạo động lực để cán bộ và Nhân dân trong toàn tỉnh thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời, qua đó góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị từ mỗi khu dân cư, địa phương, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.

H.H