Lạng Sơn: Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác Mặt trận

(Mặt trận) -Ngày 24/6/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 129-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2025 (Nghị quyết số 129). Sau 3 năm triển khai thực hiện, công tác mặt trận trong tỉnh đã có nhiều đổi mới, mang lại hiệu quả thiết thực.

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

Đoàn công tác của Uỷ ban MTTQ tỉnh Lạng Sơn kiểm tra dự án trồng hồng vành khuyên tại xã Điềm He, huyện Văn Quan. 

Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 129 đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh; các huyện ủy, thành ủy cụ thể hóa, ban hành các văn bản để tổ chức triển khai, thực hiện nghị quyết. Qua đó, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác mặt trận trong toàn tỉnh.

Kiện toàn tổ chức bộ máy

Ông Dương Văn Vịnh, Trưởng Ban Tổ chức – Tuyên giáo, Ủy ban MTTQ tỉnh Lạng Sơn cho biết: Để góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác mặt trận theo tinh thần Nghị quyết số 129, những năm qua, ủy ban MTTQ các cấp trên địa bàn thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung, thay thế kịp thời các ủy viên ủy ban không còn đại diện cho tổ chức theo quy định của Điều lệ MTTQ Việt Nam; đồng thời tăng cường mở rộng thành phần tham gia vào ủy ban MTTQ các cấp, bảo đảm tính đại diện, tính tiêu biểu và tính thiết thực.

Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 129 đến nay, Ủy ban MTTQ tỉnh đã kết nạp được 1 tổ chức thành viên (Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam tỉnh Lạng Sơn), nâng tổng số tổ chức thành viên Ủy ban MTTQ tỉnh lên 28 đơn vị. Cùng đó, chủ tịch ủy ban MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện đều tham gia ban thường vụ cấp ủy cùng cấp; chủ tịch ủy ban MTTQ cấp xã đều tham gia ban chấp hành hoặc ban thường vụ Đảng ủy; trưởng ban công tác mặt trận ở khu dân cư phần lớn đều là bí thư hoặc phó bí thư chi bộ kiêm nhiệm.

Công tác kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ cơ quan Ủy ban MTTQ các cấp cũng được quan tâm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện danh mục vị trí việc làm và thí điểm bố trí sử dụng, tuyển dụng và quản lý công chức theo vị trí việc làm trong cơ quan MTTQ Việt Nam tỉnh và cấp huyện. Hằng năm cơ quan ủy ban MTTQ các cấp rà soát bổ sung cán bộ kịp thời, bảo đảm ổn định hoạt động; công tác tiếp nhận, tuyển dụng cán bộ bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng quy định; công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận luôn được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo, duy trì thường xuyên.

Trong 3 năm qua, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ được 11 lớp, cho 2.407 lượt cán bộ mặt trận tham gia; các huyện ủy, thành ủy phối hợp tổ chức được 223 lớp tập huấn, cho 10.735 lượt cán bộ tham gia. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện theo đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, công khai, chất lượng cán bộ chuyên trách MTTQ các cấp được nâng lên, hiệu quả hoạt động của hệ thống MTTQ các cấp trong tỉnh cũng theo đó ngày càng được nâng cao, thể hiện qua đánh giá chất lượng công tác hằng năm.

Nhờ vậy, từ năm 2020 đến năm 2022, MTTQ huyện, thành phố được cấp trên xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 100%; cấp cơ sở, ban công tác mặt trận được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 90% trở lên; 100% cán bộ mặt trận cấp huyện, cấp cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong đó, năm 2022, số ủy ban MTTQ cấp cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 98%, tăng 7% so với năm 2020%; số ban công tác mặt trận cấp thôn bản hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2022 đạt 97%, tăng 6% so với năm 2020.

Đổi mới trong triển khai các phong trào, hoạt động

Bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết số 129 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và nhiệm vụ chính trị của địa phương, những năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tham mưu, phối hợp xây dựng chương trình hành động, đề ra những nội dung, phương thức tuyên truyền phù hợp với trình độ dân trí, văn hoá, phong tục tập quán từng địa bàn. Trên cơ sở đó, vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên chủ trì phát động.

Điển hình, nếu như trước đây chất lượng một số cuộc vận động, phong trào thi đua do MTTQ triển khai chưa đều, hiệu quả chưa cao, thì trong 3 năm trở lại đây, nhờ đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, lấy người dân làm trung tâm để tuyên truyền, vận động thu hút tham gia, các phong trào thi đua, cuộc vận động đã cho thấy hiệu quả, chuyển biến tích cực.

Nổi bật như thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, bằng nhiều hình thức vận động, tuyên truyền MTTQ các cấp đã vận động Nhân dân hiến trên 800.000m² đất làm đường, xây dựng các công trình phúc lợi, tham gia trên 500.000 ngày công lao động, đóng góp chung vào kết quả xây dựng nông thôn mới. Đến nay toàn tỉnh có 86 xã đạt chuẩn nông nông mới, trong đó có 17 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 119 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện toàn tỉnh có 1.446/1.676 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hoá”, chiếm 86,3%, tăng 8,1% so với năm 2000; có 167.204/192.685 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”, chiếm 86,8%, tăng 5,8% so với năm 2000.

Năm 2022, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc đã đạt chuẩn nông thôn mới, diện mạo nông thôn, đời sống của Nhân dân có nhiều khởi sắc. Để có được kết quả này có sự chung tay tích cực của Ủy ban MTTQ xã. Ông Nông Văn Hạnh, Chủ tịch Ủy Ban MTTQ xã Thụy Hùng cho biết: Chúng tôi đã hướng dẫn ban công tác mặt trận thôn tập trung tuyên truyền người dân qua sinh hoạt chi, tổ, hội, họp thôn về ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới, huy động Nhân dân tham gia thực hiện đảm bảo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng. Nội dung tuyên truyền không còn chung chung như trước đây mà đi vào những vấn đề, đối tượng cụ thể. Từ đó người dân phát huy sức mạnh đại đoàn kết, tính chủ động, tích cực ủng hộ chương trình. Từ năm 2022 đến nay, Nhân dân trong xã đã hiến trên 35.000m², đóng góp hơn 1 tỷ đồng và tham gia trên 2.500 ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới.

Ông Hoàng Anh Dũng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tràng Định cho biết: Năm 2020, Huyện ủy đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 129 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, với 5 chương trình hành động cụ thể, giao cho các cơ quan, đơn vị thực hiện từng chương trình. Trong đó, giao Ủy ban MTTQ huyện chủ trì, phối hợp cùng các tổ chức chính trị – xã hội huyện thực hiện 3 chương trình, trọng tâm là đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện, góp phần thực hiện có hiệu quả các nội dung của nghị quyết. Qua đó, các hoạt động, phong trào của MTTQ và các hội đoàn thể trên địa bàn tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, bám sát nhiệm vụ chính trị và đặc thù của địa phương, ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… Trong 3 năm qua, MTTQ toàn huyện đã vận động, tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ xây được 58 nhà đại đoàn kết cho người nghèo, với tổng kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng; vận động người dân hiến 8.220m² đất để xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông;…

Đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết số 129, cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị quan tâm phối hợp và tạo điều kiện để MTTQ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt trong công tác giám sát và phản biện xã hội. Nếu như những năm trước đây, công tác phản biện xã hội chủ yếu do cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức, thì từ năm 2020 đã có cấp xã tổ chức được hội thảo phản biện xã hội đối với dự thảo các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, văn bản quy phạm pháp luật cùng cấp.

Trong 3 năm qua, ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ trì, phối hợp tổ chức phản biện xã hội đối với trên 100 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp. Tại các hội nghị phản biện, có tổng số trên 700 ý kiến tham gia, được MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội tổng hợp gửi tới các cơ quan chủ trì dự thảo văn bản giải trình, tiếp thu theo quy định. Trong đó, ủy ban MTTQ cấp xã tổ chức phản biện đối với 43 dự thảo, nhận được khoảng 300 ý kiến phản biện. Các ý kiến đã có tác động tích cực đến quá trình hoàn thiện các nội dung đề án, chương trình, kế hoạch, dự án kinh tế, các văn bản pháp quy của các cấp, ngành, phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp Nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

Ngoài ra, việc huy động nguồn lực thực hiện công tác chăm lo cho người nghèo, thực hiện các hoạt động vì an sinh xã hội hay như việc tổ chức ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư cũng được hệ thống MTTQ hướng dẫn triển khai đồng bộ và có nhiều đổi mới so với trước đây, đem lại hiệu quả thiết thực… Qua đó góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn tỉnh.

Có thể khẳng định, sau một thời gian thực hiện Nghị quyết số 129 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền, sự phối hợp thống nhất hành động của các tổ chức thành viên, tổ chức bộ máy của MTTQ các cấp trên địa bàn ngày càng được củng cố, kiện toàn, chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên; các mặt công tác ngày càng được đổi mới về nội dung, phương thức triển khai, đem lại hiệu quả thực chất. Qua đó phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ các cấp trên địa bàn trong triển khai thực hiện các phong trào, hoạt động, vận động Nhân dân tích cực tham gia chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các hoạt động vì an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại địa phương.

H.H - D.D