Lạng Sơn: Đổi mới hình thức thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

(Mặt trận) -Tính đến nay, “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động đã chuẩn bị bước sang năm thứ 15, từ công tác tuyên truyền, vận động trong những năm qua đã từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong việc tiêu dùng hàng Việt. Để thực hiện cuộc vận động (CVĐ) hiệu quả hơn nữa, ban chỉ đạo thực hiện CVĐ các cấp tỉnh Lạng Sơn đã thay đổi hình thức tuyên truyền, vận động để phù hợp với tình hình mới.

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Bình Thuân: Lan tỏa yêu thương, chăm lo cho người nghèo

Hiệu quả từ Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo ở huyện Yên Sơn

 Người dân lựa chọn Hồng Vành khuyên (sản phẩm OCOP của tỉnh) tại Điểm bán hàng Việt “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” tại thành phố Lạng Sơn

Bên cạnh việc tiếp tục tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và triển khai tuyên truyền theo các hình thực trước đây như: treo pano, áp phích; tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng…, Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh đã triển khai CVĐ theo tinh thần của Kế hoạch số 34 ngày 29/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 03 ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

Theo đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể đều thực hiện CVĐ gắn với các phong trào thi đua của đơn vị  như: ủy ban MTTQ các cấp triển khai gắn với CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Ban Dân vận Tỉnh ủy chỉ đạo ban dân vận các huyện, thành ủy xây dựng chương trình phối hợp tuyên truyền gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đẩy mạnh việc tuyên truyền sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); một số sở, ngành, đơn vị như: Sở Nội vụ, Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư tích cực quán triệt, triển khai phổ biến trong các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt đoàn thể đến 100% đảng viên, cán bộ công chức, viên chức và người lao động…

Riêng đối với Sở Công Thương, đơn vị thường trực tham mưu thực hiện CVĐ đã phối hợp với doanh nghiệp tổ chức điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” (số 472 đường Bà Triệu, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn). Đồng thời, tổ chức vận động các doanh nghiệp phân phối lớn trên địa bàn tỉnh cam kết nhập và phân phối từ 80% hàng hóa chất lượng sản xuất trong nước trở lên, tổ chức các chuyến xe bán hàng lưu động lồng ghép tuyên truyền hàng Việt; doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ưu tiên tiêu dùng sản phẩm chéo giữa các doanh nghiệp Việt để kích cầu tiêu thụ sản phẩm trong nước…

Theo Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, một trong những nội dung cốt lõi hiện nay về việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hoá Việt và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước có các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được người tiêu dùng ưa thích; trọng tâm là thị trường trong nước, đồng thời mở rộng ra thị trường nước ngoài, nhất là các thị trường mà Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hoà với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống; công khai, minh bạch thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, giá cả và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hoá Việt…

Ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Việc thành lập điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” là nội dung cụ thể được Sở Công Thương hiện thực hoá theo Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là điểm mới trong tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng CVĐ,  nhằm tăng thị phần hàng Việt Nam thông qua các kênh phân phối truyền thống, qua đó, giúp người tiêu dùng được sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao, cũng như có thêm cơ hội để tìm hiểu, nhận diện những thương hiệu hàng Việt và góp phần quảng bá những sản phẩm mang thương hiệu của Lạng Sơn.

Một nét nổi bật nữa trong giai đoạn hiện nay là Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh đã triển khai thực hiện CVĐ gắn liền với việc xây dựng, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường đối với các sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc sản địa phương… Theo đó, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan, cơ sở kinh doanh tư vấn, hỗ trợ mở 4 điểm quảng bá, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh; tổ chức đoàn tham gia các hội trợ, triển lãm, các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để tuyên truyền hàng Việt cũng như sản phẩm của tỉnh đến người tiêu dùng trong cả nước.

Bà Lương Thị Len, quản lý gian hàng OCOP tại đường Trần Đăng Ninh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, tại gian hàng đang trưng bày, giới thiệu khoảng 100 sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh như: dầu sở, thạch đen, cao khô… Ngoài ra, gian hàng còn trưng bày một số sản phẩm OCOP, đặc trưng, tiêu biểu của các tỉnh khác như: Thái Nguyên, Bắc Giang… Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chúng tôi đã đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và liên kết với một số công ty du lịch, đơn vị phân phối để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Qua đó, góp phần quảng bá những sản phẩm chất lượng, mang thương hiệu Việt đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Với sự thay đổi về cách thức tuyên truyền cũng như mở rộng hệ thống quảng bá, trưng bày và bán sản phẩm hàng Việt đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận sản phẩm của người tiêu dùng. Chị Hoàng Thị Thùy Dương, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình cho biết: Tôi thấy các sản phẩm hàng Việt không chỉ có giá cả phù hợp, chất lượng đảm bảo mà còn rất đa dạng, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Vì vậy, bên cạnh sử dụng các sản phẩm mang thương hiệu Việt trong đời sống hằng ngày, tôi còn ưu tiên lựa chọn những sản phẩm OCOP, sản phẩm mang đặc trưng, tiêu biểu của địa phương để làm quà biếu cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp.

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay,  Ban Chỉ đạo CVĐ đã chỉ đạo các huyện, thành phố và ngành liên quan triển khai thực hiện CVĐ gắn với việc. Trong đó, nội dung quan trọng là quảng bá hàng hóa thương hiệu Việt, sản phẩm của Lạng Sơn trên internet. Tính đến hết tháng 10/2023, tỉnh đã có 20.984 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử, tăng 4,3% so với thời điểm 31/12/2022, đứng thứ 2 toàn quốc; có 48.920 giao dịch thành công, tăng 4% so với thời điểm 31/12/2022, đứng thứ 4 toàn quốc.

Với những hình thức tuyên truyền, vận động mới, phù hợp với xu thế, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục được triển khai rộng khắp, hiệu quả trên địa bàn tỉnh và được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự chuyến biến trong nhận thức và hành động của người tiêu dùng. Theo khảo sát của ngành công thương, hiện nay, trên kệ hàng của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đại lý bán lẻ trên địa bàn tỉnh, hàng sản xuất trong nước chiếm trên 80%

KIM CHI