(Mặt trận) -Mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” được Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Hải Dương chủ trì triển khai đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Đến nay, những mô hình này đã giúp nhiều vùng quê ngày càng sạch đẹp, chất lượng cuộc sống của người dân dần nâng lên.
|
Hố rác hữu cơ của gia đình ông Ngô Văn Hòa, thôn Trúc Văn, xã Minh Đức. |
Minh Đức là xã có dân số đông nhất huyện Tứ Kỳ, địa bàn rộng lại có nhiều doanh nghiệp nên lượng rác thải phát sinh rất lớn. Trước đây tình trạng đổ trộm rác thải, đốt rác ven đường thường xuyên xảy ra gây bức xúc trong nhân dân. Để giải quyết bài toán môi trường, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tháng 2/2024, đảng ủy xã Minh Đức đã ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện phân loại xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình và hoàn thiện dịch vụ quản lý thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt.
Ông Ngô Văn Hòa (thôn Trúc Văn, xã Minh Đức) chia sẻ, từ khi có mô hình phân loại rác thải, người dân trong thôn ai cũng có ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường chung của thôn xóm. Tại các hộ gia đình, rác hữu cơ như rau, củ, quả, đồ ăn thừa được tận dụng ủ bằng men vi sinh để sử dụng bón cho cây trồng. Ngoài việc giúp các gia đình không mất chi phí mua phân bón, việc phân loại và xử lý rác thải tại nguồn cũng hạn chế lượng lớn rác thải ra môi trường, giữ cho cảnh quan trong thôn luôn sạch, đẹp.
Nói về những kết quả bước đầu đạt được, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Minh Đức cho biết, sau thời gian ngắn triển khai thực hiện mô hình phân loại xử lý rác thải tại nguồn đã nhận được sự đồng thuận hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân. Đến nay, toàn xã có 99,5% hộ gia đình ký cam kết thực hiện phân loại xử lý rác thải tại hộ gia đình, trên 95% hộ gia đình đã trang bị hố, thùng để tự xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, lượng rác thải xả ra môi trường giảm 60 đến 70% so với trước. Đặc biệt, từ tháng 4/2024, Minh Đức là xã đầu tiên của huyện Tứ Kỳ chấm dứt việc chôn lấp rác thải tại ở các thôn, khu dân cư. Ngoài ra, xã cũng đã thành lập tổ dịch vụ môi trường xanh với sự tham gia của trên 150 thành viên để thu gom rác thải trên địa bàn toàn xã.
Quyết tâm đi đầu phân loại rác thải tại nguồn như tại xã Minh Đức đang là cách làm hiệu quả giúp nhiều vùng quê của Hải Dương ngày một sáng, xanh, sạch, đẹp. Ông Nguyễn Đức Tuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương khẳng định, việc duy trì thực chất hiệu quả các mô hình tự quản đã mang lại những thay đổi tích cực cho môi trường sống ở các khu dân cư. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động hơn 800 mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”. Ở các khu dân cư lực lượng nòng cốt tham gia mô hình tự quản có lãnh đạo, trưởng các chi hội, đoàn thể, thành viên tổ thu gom rác thải. Nhiệm vụ chính của lực lượng này là thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể như phân loại rác tại nguồn; không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; định kỳ hàng tháng, các thôn, khu dân cư phát động nhân dân tham gia quét dọn đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, trồng, chăm sóc, bảo vệ hoa và cây xanh nhằm tạo cảnh quan môi trường trong lành, sáng, xanh, sạch, đẹp…
Từ những kết quả tích cực này, ông Nguyễn Đức Tuấn khẳng định, thời gian tới, Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tiếp tục nhân rộng các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư. Với phương châm “vì lợi ích của dân, thực hiện bằng sức dân và do dân tự quản”, các mô hình tự quản được kỳ vọng sẽ tạo động lực gắn kết, thúc đẩy người dân tham gia bảo vệ môi trường, góp phần vào quá trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của địa phương.
“Trong nhiệm kỳ 2024-2029, Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu hàng năm phấn đấu mỗi thôn, khu dân cư thành lập và duy trì hiệu quả 1 mô hình tự quản. Hàng năm 100% số đơn vị cấp xã, Ban công tác Mặt trận thôn, khu dân cư tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Vũ Mạnh