Lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Để phát huy vai trò, nguồn lực của các tôn giáo trong việc tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu do Ủy ban MTTQ TP Hà Nội phát động, các tổ chức tôn giáo ở Thủ đô đã có nhiều hoạt động thiết thực không chỉ lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư mà còn góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Lãnh đạo MTTQ TP Hà Nội và đại diện các tổ chức tôn giáo trên địa bàn trồng cây xanh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6). Ảnh: N. Phượng.

Một trong những ngôi chùa có mô hình hay trong phong trào bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu của TP Hà Nội là chùa Xuân Trạch (Linh Ứng Tự), xã Xuân Canh, huyện Đông Anh. Nhiều năm nay, nhà chùa đã kêu gọi các phật tử quyên tặng cây con và phối hợp với chính quyền địa phương phát động phong trào trồng cây xanh. Đến nay, hàng cây đã xanh tốt, chạy dài trên con đường dẫn vào làng Xuân Trạch. Theo Đại đức Thích Thanh Hải - Trụ trì chùa Xuân Trạch, không chỉ trồng cây, nhà chùa còn thường xuyên cùng các phật tử chăm sóc để cây phát triển tốt. Trong các dịp giảng kinh, lễ Phật, nhà chùa cũng lồng ghép tuyên truyền, vận động phật tử và người dân tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi, hạn chế sử dụng túi ni lông, không đốt vàng mã tại các nơi thờ tự, gia đình… Ngoài ra, nhà chùa cũng đang cải tạo cảnh quan khuôn viên theo hướng gần gũi với thiên nhiên, trồng thêm cây xanh và làm vườn thuốc nam.

Còn Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô cũng đã tích cực vào cuộc hưởng ứng phong trào “Đồng bào Công giáo Thủ đô chung tay bảo vệ môi trường” do Ủy ban MTTQ TP Hà Nội phát động. Ông Hoàng Tùng - Trưởng ban đại diện Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô cho biết: Trong các lễ tiệc thánh, chúng tôi thay thế toàn bộ cốc nhựa bằng cốc giấy để bảo vệ môi trường. Các điểm nhóm đều tổ chức quét dọn vệ sinh, bố trí thùng rác, phân loại rác quanh khu vực. Đặc biệt, nhiều năm qua, việc bảo vệ môi trường của Giáo hội đã đi vào nền nếp. Không chỉ có vậy, chúng tôi còn tuyên truyền, vận động tín đồ thực hiện bảo vệ môi trường theo đúng cam kết với Ủy ban MTTQ TP Hà Nội...

Mỗi tôn giáo đều có giáo lý riêng nhưng khi Ủy ban MTTQ TP Hà Nội phát động chung tay bảo vệ môi trường, các tôn giáo đều vào cuộc tích cực. Mục sư quản nhiệm Bùi Tấn Sản - Hội thánh Tin lành Hà Nội chia sẻ: Hội thánh luôn nhắc nhở bà con giữ gìn vệ sinh môi trường để Thủ đô văn minh, xanh, sạch, đẹp; đồng thời tổ chức các buổi dọn rác ở Công viên Yên Sở, tổng vệ sinh ở các ngõ, xóm để cùng với cộng đồng bảo vệ môi trường.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển bền vững hiện nay là vấn đề mang tính toàn cầu, đây không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân, một quốc gia mà là trách nhiệm của tất cả các dân tộc, các quốc gia đối với sự sống trên trái đất. Thời gian qua, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn Hà Nội đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các Cuộc vận động do Ủy ban MTTQ thành phố phát động. Việc làm trên đã góp phần phát triển Thủ đô, phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, với phương châm: Mỗi chức sắc, nhà tu hành tôn giáo là một sứ giả về bảo vệ môi trường, đồng bào có đạo, nhân dân là những người hưởng ứng tích cực. Nhờ đó, đến nay, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn Thủ đô đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng tôn giáo, đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, trong thời gian tới, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn Thủ đô cần tiếp tục tuyên truyền, phát động chiến dịch Chung tay “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa” bằng nhiều hành động thiết thực. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các chức sắc tôn giáo, tín đồ tôn giáo và các tầng lớp nhân ý thức bảo vệ môi trường gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

“Đặc biệt, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, nhân rộng các mô hình điểm đã triển khai trong các tôn giáo; phối hợp đưa một số mô hình thành phố đang triển khai tại các địa phương, như hạn chế sử dụng bếp than tổ ong, đốt rơm rạ, “Chùa xanh” bảo vệ môi trường để thực hiện trong các tổ chức tôn giáo” - bà Dung cho hay.

N.Phương