Lan tỏa hành động “ Vì người nghèo”

(Mặt trận) -Công tác chăm lo, hỗ trợ người nghèo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm triển khai bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực, được các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Tháng cao điểm “Vì người nghèo” (từ ngày 17/10 - 18/11) là khoảng thời gian trọng tâm huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc mạnh mẽ hơn để chăm lo, tiếp sức giúp các hộ nghèo có thêm điều kiện, động lực vươn lên thoát nghèo bền vững.

Những ngôi nhà ấm tình đoàn kết ở Kon Thụp

Thành phố Việt Trì chăm lo đời sống cho người nghèo

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở huyện Yên Định

 Gia đình bà Bùi Thị Đoàn, thôn Ngọc Thạch 2, xã An Hòa, huyện Tam Dương có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết.

Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Vĩnh Phúc đã triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, có nhiều giải pháp huy động nguồn lực hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn để họ có động lực vươn lên trong cuộc sống.

Hằng năm, MTTQ các cấp tỉnh Vĩnh Phúc phát động hưởng ứng Tháng cao điểm “Vì người nghèo”, phối hợp với chính quyền vận động cán bộ, công chức, viên chức trích tiền lương, kêu gọi các đơn vị, cá nhân và nhân dân tích cực ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho người nghèo.

Trong 2 năm (2020-2021), Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo các cấp đã vận động các cấp, ngành, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân đóng góp được gần 29 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến nay, MTTQ các cấp đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa gần 600 nhà đại đoàn kết, xóa nhà tạm, nhà dột nát và trao 28 sổ tiết kiệm tặng hộ nghèo với tổng số tiền hơn 34 tỷ đồng.

Dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022, MTTQ các cấp phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tổ chức thăm hỏi, tặng hơn 21.000 suất quà với tổng số tiền gần 18 tỷ đồng cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hội viên các tổ chức đoàn thể có hoàn cảnh khó khăn.

Việc vận động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo đã trở thành phong trào thường xuyên; khơi dậy được tấm lòng nhân ái, truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc ta. Điều đó càng khẳng định việc vận động quỹ là chủ trương hợp ý Đảng, lòng dân được cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần quan trọng đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh và từng bước thực hiện công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.

Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh giảm còn 1,51%. Trong đó, các huyện, thành phố Bình Xuyên, Vĩnh Yên, Phúc Yên có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%.

Tiếp tục chăm lo, hỗ trợ hộ nghèo, Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch tổ chức tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2022 nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, tích cực ủng hộ, tạo nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

Để phong trào đạt hiệu quả cao, MTTQ các cấp chủ trì phối hợp rà soát, thống kê các hộ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần trợ giúp tại địa phương, đồng thời vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân tổ chức các hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ người nghèo nhân tháng cao điểm “Vì người nghèo” và Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2022 với hình thức phù hợp, thiết thực như thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ giống, vốn, tư liệu sản xuất, hỗ trợ các hộ khó khăn đột xuất, hỗ trợ con em hộ nghèo đi học...

Đồng hành cùng MTTQ tỉnh, Hội CTĐ tỉnh đã triển khai đến các cấp hội chủ động vận động nguồn lực, chăm lo hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi... Trong tháng cao điểm “Vì người nghèo”, hội đã vận động nguồn lực hỗ trợ 30 triệu đồng mua xe đạp tặng học sinh nghèo trên địa bàn tỉnh.. .

Cùng với đó, đã triển khai chương trình “Tết Nhân ái” năm 2023 với chỉ tiêu phấn đấu vận động và trao ít nhất 17.000 suất quà Tết (mỗi suất trị giá từ 500.000 đồng trở lên) tặng hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương, yếu thế trong xã hội…; phấn đấu mỗi huyện, thành phố tổ chức được ít nhất 1 phiên “Chợ Tết Nhân ái” giúp đỡ người nghèo.

Với sự chung tay, chung sức của toàn xã hội trong việc chăm lo, trợ giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn… đã khẳng định rõ ý nghĩa nhân văn sâu sắc, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách" của dân tộc ta.

Thông qua nguồn Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Cứu trợ và các chương trình nhân đạo khác, trong năm đã có hàng trăm hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở, tư liệu sản xuất, khám, chữa bệnh, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững; góp phần cùng cấp ủy, chính quyền các cấp chăm lo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện và khơi dậy ý thức, khát vọng để người nghèo vươn lên.

Ngọc Bích