Lạc Dương huy động các nguồn lực chăm lo, hỗ trợ người nghèo

(Mặt trận) -Thời gian qua, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai sâu rộng, hiệu quả Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, thu hút sự tham gia tích cực của các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn. Qua phong trào góp phần huy động các nguồn lực chăm lo, hỗ trợ, giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Thái Nguyên dồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Phước Đông: Quyết tâm xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu

Quảng Trị: Đẩy mạnh huy động nguồn lực chăm lo cho người nghèo

 Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, huyện Lạc Dương hỗ trợ nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có nơi ở ổn định

CHUNG TAY CHĂM LO HỘ NGHÈO

Lạc Dương là địa phương có trên 67% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vì vậy công tác giảm nghèo được huyện đặc biệt quan tâm. Nhiều chính sách, chương trình hành động thiết thực, giải pháp hiệu quả được triển khai đồng bộ, quyết liệt. 

Trong năm 2023, UBND huyện đã phát động phong trào chung tay hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Qua quá trình triển khai đã vận động được trên 2,7 tỷ đồng hỗ trợ sinh kế cho 63 hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các xã. Đồng thời, thông qua các chương trình thực hiện công tác giảm nghèo, các hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tư liệu sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm nâng cao thu nhập, sửa chữa nhà cửa… góp phần vào kết quả giảm nghèo chung của toàn huyện. Đến cuối năm, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện giảm 3,3%, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 4,9%. 

Theo kế hoạch, năm 2024, huyện Lạc Dương phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,3%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo người DTTS giảm 3,5% và tiến tới cơ bản thoát nghèo. Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Cil Poh cho hay: “Giai đoạn 2024 - 2025, để thực hiện mục tiêu “cơ bản xóa nghèo trên địa bàn huyện” cần hơn 24 tỷ đồng. Trong đó, Đề án giảm nghèo được UBND tỉnh chấp thuận triển khai với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn đối ứng của người dân, để thực hiện nhiệm vụ này thì nguồn lực hỗ trợ từ các cơ quan, đơn vị là hết sức quan trọng, góp phần lớn vào sự thành công trong việc thực hiện Đề án giảm nghèo, đưa huyện Lạc Dương tiến tới cơ bản thoát nghèo vào năm 2024”.

UBND huyện Lạc Dương đã phát động phong trào các cơ quan, đơn vị của huyện chung tay đóng góp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Theo đó, mỗi phòng, ban, cơ quan cấp huyện hỗ trợ tối thiểu 1 hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo. Việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo với nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể như: xây dựng các mô hình sinh kế, hỗ trợ vốn, kiến thức sản xuất cho các hộ có sức lao động; nhận hỗ trợ, đỡ đầu cho các gia đình không có sức lao động, già cả neo đơn... Qua đó tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia của toàn xã hội trong công tác giảm nghèo. 

THỰC HIỆN MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO ĐA CHIỀU, BỀN VỮNG

Theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn, huyện Lạc Dương thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Trong đó, lồng ghép hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện tốt mục tiêu “cơ bản xóa nghèo” theo Nghị quyết của Huyện ủy và HĐND huyện. Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo cụ thể đến từng thôn, từng hộ, tập trung các nguồn lực hỗ trợ, vận động Nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, hướng dẫn cách làm hay cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. 

Tổng vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn huyện Lạc Dương theo kế hoạch vốn là trên 17 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo trên 4,3 tỷ đồng; ngân sách tỉnh trên 10 tỷ đồng; vốn lồng ghép Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS 2,7 tỷ đồng. Địa phương triển khai thực hiện nhóm chính sách giảm nghèo chung gồm: chính sách tín dụng ưu đãi; chính sách hỗ trợ Bảo hiểm y tế; chính sách hỗ trợ giáo dục và đào tạo; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo; chính sách trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện nhóm dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia. Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gồm: đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện… 

“Để thực hiện kế hoạch, UBND huyện đã đề ra các giải pháp cụ thể. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân về công tác giảm nghèo nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững. Cấp ủy, chính quyền ở từng địa phương phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các dự án, chính sách triển khai trên địa bàn và đánh giá kết quả thực hiện theo các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Tăng cường vai trò chủ động của cấp xã, cộng đồng thôn trong việc lựa chọn, đề xuất xây dựng các mô hình sản xuất, nhu cầu cây, con giống với điều kiện canh tác, sản xuất của từng địa phương, điều kiện và khả năng tham gia của từng hộ nghèo, cận nghèo để hộ dân có cơ hội tiếp cận nguồn hỗ trợ của Nhà nước tham gia mô hình sản xuất, tích lũy và từng bước vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, huy động vốn, lồng ghép nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, đặc biệt huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để có cơ hội tiếp cận, phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo nhằm đảm bảo không để ai bỏ lại phía sau…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Cil Poh cho biết. 

T.N