La Gi (Bình Thuận): Nâng cao nhận thức của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường thông qua các mô hình

(Mặt trận) -Hình ảnh rác thải sinh hoạt, mảnh xốp, túi nilon, chai lọ hay bao bì nhựa… tràn ngập tại các khu vực ven sông Dinh đã không còn mấy xa lạ với người dân sinh sống tại khu vực này. Nguyên nhân một phần xuất phát từ ý thức của một bộ phận người dân, bởi thói quen “tiện tay” vứt rác xuống bờ sông hay “vô tư” xả rác ở bất cứ nơi đâu.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Cộng với đó, một lượng lớn rác thải từ ngoài khơi trôi dạt và tồn đọng vào ven bờ theo từng đợt thủy triều cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm kéo dài và khó khắc phục.

Ủy ban MTTQ phường Phước Hội ra mắt mô hình "Kết nối xanh - dân quản lý"

Thực hiện chủ đề năm 2023 của Tỉnh ủy Bình Thuận “Chỉnh trang đô thị, giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp”, chính quyền địa phương liên tục có những giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm, hạn chế rác thải khi công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác luôn được quan tâm chú trọng. Rất nhiều chương trình, chiến dịch hành động từ các cấp, ngành, đoàn viên thanh niên nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, hạn chế ô nhiễm môi trường tại các khu vực ven sông, ven biển đã và đang được diễn ra. Trong đó, mô hình tự quản nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu phố 4 (phường Phước Hội) với tên gọi “Kết nối xanh – dân quản lý” đã được UBMTTQ Việt Nam phường thành lập, bước đầu đã góp phần tạo được những chuyển biến tích cực, nâng cao dần nhận thức của mỗi cá nhân, gia đình và cả cộng đồng khu dân cư trong công tác bảo vệ môi trường. Qua đó, duy trì các hoạt động khắc phục ô nhiễm, hạn chế rác thải, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân.

Tại buổi ra mắt mô hình, con xóm nhỏ ven sông trở nên rộn ràng hơn, vẻ mặt ai ai cũng vui mừng khi bước đầu tình hình vệ sinh tại tuyến sông Dinh thuộc khu phố 4 đã được cải thiện phần nào từ chính sự chung tay, góp sức bằng rất nhiều ngày công dọn dẹp của người dân trong khu phố.

Chính mỗi người dân là thành viên của mô hình – không chỉ tự dọn dẹp vệ sinh từ trong nhà ra đến ngõ mà còn trực tiếp tuyên truyền, vận động các hộ gia đình quanh khu vực mình sinh sống giữ gìn vệ sinh, ngăn chặn tình trạng vứt rác bừa bãi, không để rác thải tồn đọng qua ngày tại các điểm tập kết gây ô nhiễm môi trường sống của chính mình và con em mình. Song song đó, định kỳ mỗi tháng, các thành viên trong mô hình sẽ cùng với người dân trong khu phố tổ chức tổng vệ sinh môi trường xung quanh khu vực mình sinh sống. Nhờ đó bước đầu, lượng rác thải mỗi ngày đã giảm đáng kể, góp phần giúp môi trường nơi đây thêm sạch đẹp.

Ông Huỳnh Thanh Sơn – Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường Phước Hội cho biết: Mặt trận phường không chỉ vận động người dân trong khu phố cùng tham gia mô hình, mà còn phát động việc trồng nhiều cây xanh, góp phần tạo thêm “mảng xanh” tại khu dân cư, phần nào cải thiện vệ sinh môi trường tại tuyến sông Dinh nói chung và địa bàn khu phố 4 (phường Phước Hội) nói riêng.

Có thể thấy, để việc chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường không chỉ mang tính phong trào, rất cần nhiều hơn nữa các giải pháp đồng bộ, mà quan trọng nhất chính là thay đổi dần thói quen, tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của mỗi người dân. Mặt trận phường Phước Hội đã phát huy được tính sáng tạo, tinh thần tự quản trong các tầng lớp nhân dân cùng chung tay, góp sức để môi trường sống của chính mình ngày một tốt hơn.  

Thanh Nga