Kim Sơn đẩy nhanh tiến độ xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới

(Mặt trận) -Trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2023 là mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình lần thứ XXIV (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra. Để đạt được mục tiêu này, huyện Kim Sơn đang nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, trọng tâm là tăng cường cơ sở hạ tầng, nâng cao thu nhập, chất lượng, môi trường sống của người dân.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn) ngày càng đổi mới. Ảnh: Anh Tuấn

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Thượng Kiệm là một trong hai xã đầu tiên của huyện Kim Sơn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014. Kết quả đó là sự chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân trong xã cùng chung tay thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 

Tuy nhiên, không hài lòng với kết quả đạt được, xã xác định "xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc", trên cơ sở nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt, hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. 

Được sự quan tâm của UBND huyện, xã đã và đang thực hiện đề án "Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2021". Một số mô hình đã hình thành và cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình cấy lúa nếp cao sản 50 ha tại HTX nông nghiệp Thượng Kiệm, năng suất đạt 60 tạ/ha, mô hình cánh đồng 50 triệu đồng, chuyển đổi từ trồng lúa kém năng suất sang mô hình đào ao thả cá và trồng các cây lưu niên cho thu nhập cao. 

Sản xuất nông nghiệp của xã từ khi đạt nông thôn mới (năm 2014) đến nay đều có những bước phát triển tích cực. Tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu phục vụ sản xuất đảm bảo 100% diện tích. Để phục vụ tưới tiêu, điều tiết nước cho sản xuất nông nghiệp, HTX nông nghiệp Thượng Kiệm đã đầu tư 4 máy bơm vô ống, đáp ứng tưới tiêu cho 70% diện tích đất trồng lúa của xã. 

Trên địa bàn xã hiện có 9 máy gặt đập liên hoàn, 8 máy làm đất, 5 máy bơm thuốc trừ sâu. Việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất đã giảm sức lao động chân tay, giảm chi phí công lao động, nâng cao năng suất và tăng thu nhập cho bà con. 

Cùng với đó, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ cũng ngày càng phát triển. Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển khá, các làng nghề cói sản xuất trên địa bàn xã thu hút lao động vào làm việc ổn định, có thu nhập khá, toàn xã hiện duy trì khoảng 3.500 lao động làm nghề ổn định, có thu nhập bình quân khoảng 5 - 6,5 triệu đồng/người/tháng. 

Trên địa bàn xã, nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ, thương mại phát triển khá mạnh, thu hút nhiều lao động. Toàn xã thường xuyên có trên 1.000 lao động tham gia các loại hình dịch vụ, năm 2021, thu từ dịch vụ đạt 6.734,5 triệu đồng, tăng 534,8 triệu đồng so với năm 2019. Kinh tế phát triển, đời sống người dân từng bước được nâng cao. 

Thu nhập bình quân tăng từ 27,7 triệu đồng/người (năm 2014) lên 56,5 triệu đồng/người (năm 2021). Diện mạo nông thôn đã đổi thay rất nhiều, đường làng ngõ xóm được đổ bê tông rộng rãi, những đường hoa, đường cây, những con đường bích họa như điểm tô cho vùng quê Thượng Kiệm ngày càng khang trang, đổi mới. 

Với những kết quả đạt được, tháng 12/2021, xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Giờ đây Thượng Kiệm đã thực sự thay da đổi thịt, trở thành miền quê đáng sống.

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Để thực hiện mục tiêu trở thành huyện nông mới mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết 04 ngày 20/2/2021 về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025 với những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí chưa đạt. 

Trong đó công tác tuyên truyền được huyện, các xã, thị trấn, các ngành, MTTQ huyện và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm triển khai đồng bộ, đa dạng về hình thức, sâu rộng về nội dung và đã đạt được kết quả nhất định. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa Chương trình xây dựng nông thôn mới ngày càng nâng cao; vai trò chủ thể của cộng đồng cư dân ở nông thôn có sự chuyển biến rõ nét, nhân dân phấn khởi, tin tưởng, từ đó đã tích cực chung tay, góp sức tham gia thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới ở khu dân cư. 

Xác định xây dựng cơ sở hạ tầng có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, do đó việc đầu tư và nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn được các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân quan tâm, nhất là trong đầu tư xây dựng, nâng cấp đường giao thông nông thôn. 

Đến hết tháng 11 năm 2021, các xã đã tiếp nhận 3.240 tấn xi măng, làm mới và nâng cấp 210 tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài 37,4km. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện xây dựng nông thôn mới năm 2021 là 514.314 triệu đồng. Trong đó: Ngân sách địa phương 277.982 triệu đồng; ngân sách tỉnh 18.985 triệu đồng; ngân sách huyện 39.813 triệu đồng; ngân sách xã 219.184 triệu đồng. 

Song song với việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, huyện chỉ đạo các địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu mùa vụ, thích ứng với biến đổi khí hậu cho từng nhóm cây, con chủ lực được xác định, tăng cường liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Chăn nuôi trên địa bàn huyện chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Một số xã, thị trấn có các trang trại chăn nuôi lợn, gà với quy mô lớn như Chất Bình, Như Hòa, Thượng Kiệm, Kim Tân, Kim Mỹ, Bình Minh. Nuôi trồng thủy sản lấy trọng tâm là nuôi trồng thủy sản nước lợ vùng bãi bồi ven biển theo hình thức thâm canh và bán thâm canh với các đối tượng nuôi chính là tôm thẻ, cua rèm, ngao…, có nhiều mô hình sản xuất thâm canh ứng dụng công nghệ cao như sử dụng nhà có mái che nuôi tôm thẻ 3 vụ/năm, hoạt động sản xuất ngao giống, hàu giống, cua xanh đang được các cơ sở quan tâm đầu tư phát triển. 

Nuôi trồng thủy sản nước ngọt cũng được các địa phương quan tâm phát triển, một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang mô hình trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản hoặc nuôi thủy sản kết hợp với trồng trọt, đã hình thành một số vùng sản xuất thủy sản nước ngọt tập trung từ 5-20 ha như: Quang Thiện, Như Hòa, Kim Chính, Văn Hải… 

Bên cạnh đó, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn huyện tương đối ổn định; các làng nghề truyền thống được duy trì và phát triển, thu hút ngày càng nhiều lao động nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập của người lao động, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 là 4,04%. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2021 đạt 50 triệu đồng/người/năm. 

Đến nay, tổng số hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh trong toàn huyện đạt 99%, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 41%. Đồng chí Đinh Việt Dũng, TVTU, Bí thư Huyện ủy Kim Sơn cho biết: Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy cũng như của UBND tỉnh, Kim Sơn là huyện cuối cùng về đích huyện nông thôn mới và sẽ cố gắng rút ngắn thời gian hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Với quyết tâm đến tháng 6/2022 hoàn thành nốt các tiêu chí của 2 xã về đích nông thôn mới là Kim Tân và Kim Mỹ. Trong quý III năm 2022 hoàn thành các tiêu chí còn lại của huyện để đến quý IV năm 2022 bắt tay vào làm hồ sơ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. 

Hồng Nhung