Khu phố 7, Phường 3, TP. Đông Hà: Điểm sáng về tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) -Hằng năm, cứ vào dịp 18/11, sau cuộc họp của Ban công tác Mặt trận khu phố với cộng đồng dân cư, thì cả Khu phố 7, Phường 3, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị như vào ngày hội. Ban công tác Mặt trận khu phố xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cho các thành viên của ban; Đoàn Thanh niên, Chi hội Phụ nữ chuẩn bị chương văn nghệ, người dân hăng say tập luyện các môn thể thao, các trò chơi... Ban công tác Mặt trận Khu phố 7 tuyên truyền rộng rãi về ý nghĩa nhân văn việc tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, thông báo thời gian, địa điểm tổ chức, từ đó tạo được sự lan tỏa trên khắp địa bàn, thu hút đông đảo bà con tham gia.

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Bình Thuân: Lan tỏa yêu thương, chăm lo cho người nghèo

Hiệu quả từ Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo ở huyện Yên Sơn

 Thi hát bài chòi trong ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Khu phố 7, Phường 3, TP. Đông Hà. Ảnh: N.P

Khu phố 7 quan tâm các hoạt động như: treo cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu, vệ sinh môi trường trong dịp diễn ra ngày hội. Chương trình ngày hội với nhiều nội dung phong phú như: văn nghệ được tập luyện công phu, bài bản với những ca khúc cách mạng, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước, những làn điệu dân ca, hò, vè...

Phần hội với các trò chơi dân gian như: bài chòi, kéo co, bịt mắt bắt vịt, đập niêu, nhảy bao bố... Ngày hội cũng là sự kiện có ý nghĩa tại khu phố, tạo điều kiện cho Nhân dân sau 1 năm có dịp ngồi lại chia sẻ những câu chuyện nghĩa tình, cùng nhau đánh giá những kết quả đạt được qua 1 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động khác do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Qua đó, phát huy tinh thần đoàn kết, tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương.

Tại ngày hội, Ban công tác Mặt trận Khu phố 7 đã phát động phong trào thi đua và ký cam kết thực hiện tốt 5 nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Ngày hội đã tạo sức lan tỏa lớn, quy tụ được sự tham gia của các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn, cán bộ, đảng viên cư trú tại địa phương và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Thông qua ngày hội, các nét văn hóa đặc sắc của các tầng lớp nhân dân được bảo tồn và phát huy, củng cố tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn.

Cũng tại ngày hội, Ban công tác Mặt trận khu phố đã biểu dương, khen thưởng 60 lượt tập thể và 45 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động, trao tặng hơn 80 suất quà của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo phường cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đột xuất, với số tiền trên 40 triệu đồng. Sau phần lễ, đông đảo bà con nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức bữa cơm đại đoàn kết thân mật, ấm cúng làm cho mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên và Nhân dân ngày càng đoàn kết, gắn bó mật thiết.

Từ kết quả đạt được trong 20 năm tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Ban công tác Mặt trận Khu phố 7, Phường 3 đã đúc rút ra những bài học thực tiễn. Đó là nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong đổi mới và nâng cao chất lượng tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được nâng lên.

Phát huy sự sáng tạo của cộng đồng dân cư để tổ chức ngày hội phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Phần lễ và phần hội đảm bảo yêu cầu vui tươi, phấn khởi, trang trọng, hiệu quả. Khuyến khích tổ chức các trò chơi dân gian, biểu diễn các tiết mục văn nghệ truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Căn cứ vào tình hình thực tế của khu phố để vận động Nhân dân tổ chức “Bữa cơm Đại đoàn kết” phù hợp, tạo được mối quan hệ mật thiết, gắn chặt tình làng, nghĩa phố. Cần tập trung làm tốt công tác tập huấn, hướng dẫn kinh nghiệm tổ chức ngày hội, kịp thời sơ kết, tổng kết, đánh giá, đúc rút những kinh nghiệm để nhân rộng mô hình và cách làm hay, sáng tạo, đồng thời khắc phục những hạn chế thiếu sót trong quá trình tổ chức.

Bên cạnh kinh phí do các cấp hỗ trợ cần tăng cường huy động các nguồn lực, thực hiện tốt việc xã hội hóa tạo nguồn lực trong việc tổ chức ngày hội để Ban công tác Mặt trận các khu phố có điều kiện tổ chức các hoạt động biểu dương, khen thưởng, tặng quà và trang trí, khánh tiết. Đảng ủy lãnh đạo, chính quyền phối hợp với MTTQ xây dựng kế hoạch và chọn khu phố điểm tổ chức ngày hội, chú trọng đổi mới nội dung và phương thức tổ chức có trọng tâm, trọng điểm, tạo ra điểm nhấn tích cực trong tổ chức ngày hội phù hợp với từng địa bàn dân cư và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương.

Lãnh đạo địa phương nêu cao tính tiên phong, gương mẫu và dành nhiều thời gian tham dự các hoạt động trong dịp tổ chức ngày hội với Nhân dân, xem đây là giải pháp tích cực để gần dân, nắm bắt tình hình cơ sở, qua đó có những quyết sách tích cực trong thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Việc tổ chức ngày hội là đợt sinh hoạt chính trị - xã hội tại địa bàn khu dân cư, tạo sự gắn kết cộng đồng, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong cộng đồng. Ngày hội là cầu nối mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân. Thông qua ngày hội tăng cường đồng thuận xã hội, mở rộng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần tiếp tục khẳng định, vai trò, vị thế của MTTQ Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước.

N.P