Khơi sức dân xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) -Xác định xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Mặt trận. Thời gian qua, MTTQ các cấp tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhiều hoạt động, không chỉ giám sát tuyên truyền, vận động mà bằng những hành động cụ thể, thiết thực để thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

 Người dân huyện Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn) chung sức xây dựng nông thôn mới. Ảnh: N. Nga.

Nhà văn hóa thôn Khau Ngòa, xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan được đầu tư xây dựng năm 2021 và tới nay sẽ được mở rộng thêm các công trình phụ để đáp ứng cơ sở vật chất theo tiêu chí nông thôn mới. Để công trình có thể xây dựng, mở rộng được, Ban Công tác Mặt trận thôn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công.

Ông Lương Văn Đào, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Khau Ngòa, xã Trấn Ninh cho biết, thời gian qua, chúng tôi đã vận động bà con nhân dân trong thôn góp tiền làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa và các khu vui chơi giải trí khác. Từ đó đã giúp cho thôn hoàn thành các tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Còn tại xã Liên Hội, huyện Văn Quan, năm 2023, địa phương trở thành một trong 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh. Khi triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Ủy ban MTTQ xã được phân công phụ trách tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư. Phát huy vai trò, chức năng của mình, MTTQ xã đã phối hợp làm tốt công tác giám sát, tuyên truyền, vận động, qua đó nhận được sự ủng hộ của nhiệt tình của bà con nhân dân. Vì vậy, hết năm 2023, MTTQ xã đã huy động, hỗ trợ xóa được 8 nhà tạm, nhà dột nát, góp phần cùng xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Bà Lương Thị Hường, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Liên Hội, huyện Văn Quan cho biết, MTTQ xã đã tăng cường tuyên truyền đến các hộ gia đình, từng bước xóa nhà dột nát. Để đạt được mục tiêu xây dựng nông thôn mới, MTTQ xã đã phối hợp với Ban Công tác Mặt trận xuống vận động từng hộ gia đình. Qua công tác tuyên truyền, bà con nhân dân đều đồng tình, ủng hộ. Do đó, đến cuối năm 2023, 100% nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn xã đã được xóa.

Để phát huy vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới, Ủy ban MTTQ huyện Văn Quan đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Trên cơ sở thực hiện các nội dung của Cuộc vận động, Ủy ban MTTQ huyện đã tổ chức hàng trăm hội nghị phổ biến, tuyên truyền, quán triệt đến các tầng lớp nhân dân về các nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, MTTQ và các tổ chức thành viên từ huyện đến cơ sở đã đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động gắn với phong trào thi đua “Văn Quan từng bước xây dựng nông thôn mới”. Từ đó, đã tạo sự lan tỏa sâu rộng từ xã đến các khu dân cư.

Ông Nông Văn Cường, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Văn Quan cho biết, thời gian qua, MTTQ các cấp trên địa bàn huyện đã phối hợp với các tổ chức thành viên thực hiện tốt các nội dung, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Riêng trong năm 2023, bà con nhân dân trong huyện đã hiến hơn 30.500m2 đất, đóng góp gần 3 tỷ đồng; huy động 48.000 ngày công lao động để chung sức thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước cùng sự chung tay góp sức của nhân dân, việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến rõ nét. Đến nay, huyện Văn Quan có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Còn tại thành phố Lạng Sơn, người dân xã Hoàng Đồng cũng tích cực chung tay, góp sức để chung sức thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Phạm Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Hoàng Đồng cho biết, bắt tay vào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Tuy nhiên, ngay vào thời điểm bắt đầu, xã Hoàng Đồng chưa đạt quy định nào trong 4 quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu. Nhưng để triển khai thực hiện tiêu chí, bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã đã tăng cường tuyên truyền, vận động huy động sự chung sức của người dân.

Nhờ đó, trong năm 2023, bà con nhân dân trong xã đã hiến 12.000 m2 đất, đóng góp trên 1 tỷ đồng và hơn 10.000 công lao động. Vì vậy, đến cuối năm 2023, xã đã cơ bản hoàn thành 4/4 quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, để huy động nguồn lực xã hội hóa, công tác tuyên truyền, vận động đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo sát sao và tập trung triển khai thực hiện.

Chỉ tính riêng năm 2023, các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức được hơn 5.000 hội nghị, sinh hoạt chuyên đề tuyên truyền lồng ghép về chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp” với hơn 200.000 lượt người tham dự.

Cùng với đó, các cơ quan liên quan đã biên soạn, in ấn và cấp phát 3.420 cuốn sổ tay hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, tại cơ sở, các xã đã tổ chức tuyên truyền, vận động về xây dựng nông thôn mới trên hệ thống loa truyền thanh, tuyên truyền qua các hội, nhóm mạng xã hội; tuyên truyền qua các chương trình văn nghệ, lễ kỷ niệm, ngày hội trên địa bàn…

Với những việc làm thiết thực, hiệu quả, bám sát điều kiện thực tế ở địa phương, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã khẳng định và phát huy vai trò cốt lõi, đi đầu trong xây dựng đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội tại địa phương; tạo sức mạnh tổng hợp, từng bước phấn đấu hoàn thành các tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

PHƯƠNG NGUYÊN