Khơi dậy tinh thần đoàn kết từ mỗi khu dân cư

(Mặt trận) -Những năm qua, Ủy ban MTTQ huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn luôn chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (CVĐ). Nhờ đó, việc thực hiện CVĐ đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, để nâng cao thu nhập, đa số hộ trồng chè ở xóm Tân Thành, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) đều sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Quang Hải (Đồng Hỷ) 

Để CVĐ trở thành phong trào sâu rộng, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã chú trọng tuyên truyền, vận động để mọi tầng lớp nhân dân hiểu đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa CVĐ, từ đó nhiệt tình tham gia thực hiện. Từ thực tế cho thấy, qua 5 năm thực hiện CVĐ (2015-2020), địa phương đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Ủy ban MTTQ các cấp tập trung vận động bà con tận dụng lợi thế của địa phương để phát triển những mô hình sản xuất nông nghiệp. Đến nay, huyện đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung và đã có 18 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3-4 sao. Ông Phạm Văn Phương, Bí thư Chi bộ xóm Phố Hích, xã Hòa Bình, phấn khởi: Nhờ mạnh dạn thực hiện các mô hình phát triển kinh tế (như trồng chè cành, cây ăn quả, phong lan…), những năm gần đây, số hộ trong xóm có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên không hiếm.

Đối với xây dựng kết cấu hạ tầng, Ủy ban MTTQ các cấp vận động bà con tham gia đối ứng, triển khai các mô hình điểm đóng góp kinh phí xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông; vận động nhân dân hiến đất, tham gia giải phóng mặt bằng… Trong giai đoạn 2015-2020, cùng với kinh phí đầu tư của Nhà nước, nhân dân huyện Đồng Hỷ đã đóng góp gần 200 tỷ đồng, hiến 337.580m2 đất, đóng góp trên 24.200 ngày công lao động để xây dựng trên 100 công trình dân sinh.

Để vận động bà con xây dựng nếp sống văn hóa, MTTQ các cấp trong huyện luôn gắn CVĐ với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Cụ thể là vận động nhân dân gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, bài trừ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; thực hiện tốt hương ước, quy ước của khu dân cư; tích cực đăng ký và thực hiện tốt danh hiệu thi đua hàng năm, như “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”…

Ông Hoàng Văn Nhu, Trưởng xóm Tân Thành, xã Văn Lăng, chia sẻ: Xóm chúng tôi có 87 hộ, 510 nhân khẩu (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số). Trước đây, bà con còn ăn ở chưa hợp vệ sinh, nhưng đến nay, thực hiện hướng dẫn của MTTQ, việc này đã thay đổi theo hướng tích cực. 5 năm qua, Tân Thành liên tục đạt danh hiệu Xóm văn hóa cấp huyện…

Nhằm vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, Ủy ban MTTQ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và xây dựng mô hình điểm tại các khu dân cư. Hiện nay, huyện Đồng Hỷ có 65 mô hình điểm. Trong đó, 1 mô hình cấp tỉnh (công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống HIV/AIDS ở xã Hoá Thượng); 3 mô hình cấp huyện (cộng đồng tôn giáo và dân cư tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở xóm Trung Thành, xã Hòa Bình; khu dân cư phòng, chống tội phạm ở xóm Cà Phê, xã Minh Lập; khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường ở xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng) và 61 mô hình cấp xã (như khu dân cư phòng, chống tội phạm; khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường; khu dân cư bảo đảm an toàn giao thông; khu dân cư an toàn về an ninh trật tự…).

Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đồng Hỷ đánh giá: Thông qua thực hiện CVĐ không những khơi dậy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường của nhân dân trong xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho chính mình mà còn góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Qua kết quả bình xét hàng năm, số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” trên địa bàn huyện luôn đạt mức cao (trên 90%); gần 90% số khu dân cư đạt danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa", “Làng văn hóa”...

Để việc thực hiện CVĐ đạt hiệu quả cao hơn, thời gian tới, Ủy ban MTTQ huyện tiếp tục chủ động phối hợp cùng các ban, ngành liên quan và tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình thực hiện CVĐ.

Sơn Lâm