Khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc

(Mặt trận) -Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực hiện được hơn 10 năm có ý nghĩa quan trọng, đem lại hiệu quả thiết thực. Chính vì vậy, Ban Bí thư tiếp tục ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 19/5/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CVĐ trong tình hình mới; ngày 26/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg về tăng cường thực hiện CVĐ. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, thị trường trong nước thực sự là bệ đỡ và CVĐ càng có ý nghĩa.

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

 Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình hỗ trợ nông dân huyện Tân Lạc tiêu thụ rau su su tại cửa hàng Nông sản an toàn Sông Đà, đường Trần Hưng Đạo, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình).

Thực hiện CVĐ năm 2021, Ban Thường trực UB MTTQ tỉnh Hòa Bình đã tham mưu Thường trực Tỉnh ủy ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư. Ban Chỉ đạo CVĐ được kiện toàn và ban hành kế hoạch thực hiện. Với vai trò chủ trì, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức 384 cuộc tuyên truyền, vận động Nhân dân hưởng ứng CVĐ với 51.489 người tham gia thông qua các buổi tập huấn và hình thức trực tuyến. Phối hợp tổ chức 5 hội chợ và chương trình quảng bá sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao; tổ chức điểm bán hàng bình ổn giá tại các địa phương; đưa hàng Việt chất lượng cao về nông thôn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và lựa chọn, mua sắm, sử dụng hàng Việt. Các đợt khuyến mại trên địa bàn tỉnh sôi động, hàng chủ yếu là đồ gia dụng, mỹ phẩm, dược phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, thực phẩm, đồ uống… thu hút nhiều người thăm quan, mua sắm.

Cùng với hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, các ngành thành viên thực hiện nhiều giải pháp triển khai thực hiện CVĐ. Cụ thể như: Hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, định hướng tiêu dùng; tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý hành vi vi phạm về chất lượng, đầu cơ, găm hàng, tăng giá, đặc biệt là các mặt hàng, thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19. Ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc lưu hành trên thị trường. Xây dựng cơ chế, chính sách về kiểm tra, kiểm soát, theo dõi sát diễn biến thị trường. Tăng cường công tác dự báo, tạo tâm lý an tâm cho người tiêu dùng. Đồng thời, thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường, giá cả phục vụ Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Hiện nay, tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh, lượng hàng Việt chiếm 80 - 95%.

Dịch Covid-19 gây khó khăn cho lưu thông hàng hóa, tìm đầu ra cho nông sản của tỉnh. Thời điểm chính vụ thu hoạch bí xanh, rau su su, củ cải, các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và Sở Công thương đã tổ chức các điểm bán hàng giúp nông dân, kêu gọi mọi người ủng hộ. Hay thời điểm cá hồ Hòa Bình chết nhiều, các đơn vị cũng kết nối tiêu thụ giúp dân. Hiện là thời điểm thu hoạch cam, bưởi, mía nhưng sức tiêu thụ khá chậm, cần những giải pháp kết nối tiêu thụ và kích cầu tiêu dùng từ CVĐ.

Giám đốc Sở Công Thương Phạm Tiến Dũng cho biết: Trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid-19, Sở triển khai các biện pháp để đảm bảo nguồn hàng dự trữ, nguồn cung ổn định theo kịch bản 5 cấp độ dịch, không để xảy ra hiện tượng cháy hàng, sốt giá. Bên cạnh đó, kết nối giao thương, tìm đầu ra cho sản phẩm của tỉnh. Xây dựng các điểm bán hàng Việt với tên "Tự hào hàng Việt Nam". Thúc đẩy việc bán hàng qua sàn thương mại điện tử. Về lâu dài cần có sự liên kết sản xuất - tiêu thụ, nâng cao chất lượng và chế biến sản phẩm.

Thực tế triển khai thực hiện CVĐ đã đem lại hiệu quả thiết thực, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, kích thích sản xuất, tiêu dùng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế. Để tiếp tục thúc đẩy CVĐ trong thời gian tới, theo đồng chí Trần Đức Trường, Phó Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Hòa Bình, cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu sắc 4 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện CVĐ theo tinh thần Thông báo Kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị. Làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nhân, chủ sản xuất, kinh doanh trong nước, người tiêu dùng. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra thực hiện CVĐ ở các cấp. Đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và hàng hoá sản xuất trong nước. Đổi mới công nghệ, quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. MTTQ, các đoàn thể giám sát, tuyên truyền, vận động cán bộ, Nhân dân ưu tiên tiêu dùng hàng Việt…

Cẩm Lệ