Khánh Hòa: Tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo

(Mặt trận) -Qua giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cho thấy, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả, tạo những chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo.

Khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm 

Ông Cao Dê Sy - Chủ tịch UBND xã Giang Ly (huyện Khánh Vĩnh) cho biết, đầu năm 2023, xã có 325 hộ nghèo và 57 hộ cận nghèo. Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, UBND xã đã phân công 33 cán bộ, đảng viên theo dõi, giúp đỡ 78 hộ nghèo nằm trong danh sách thoát nghèo trong năm 2023. Cùng với đó, các hội, đoàn thể của xã tạo điều kiện xét duyệt hồ sơ cho 89 hộ nghèo vay vốn tín dụng hơn 4 tỷ đồng đầu tư phát triển kinh tế; đồng thời hướng dẫn các hộ cách trồng trọt, chăn nuôi… nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn. Xã cũng tích cực vận động các nguồn lực và đề xuất các cấp, ngành hỗ trợ xây mới 49 căn nhà cho hộ nghèo; vận động và phối hợp mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn về trồng trọt, chăn nuôi, thú y, đan lát… cho 25 lao động thuộc hộ nghèo; triển khai kịp thời các chính sách về hỗ trợ bảo hiểm y tế, tiền điện… cho các hộ nghèo. Nhờ đó, đến nay, xã đã giảm được 75 hộ nghèo.

 Mô hình sinh kế hỗ trợ nuôi bò cho hộ nghèo phát huy hiệu quả.

Qua rà soát, năm 2023, xã Cầu Bà (Khánh Vĩnh) có 484 hộ nghèo và 103 hộ cận nghèo. Để đạt mục tiêu giảm 90 hộ nghèo trong năm 2023, xã đã tập trung tạo điều kiện cho 158 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn tín dụng với số tiền gần 7 tỷ đồng đầu tư phát triển kinh tế... Bên cạnh đó, xã tích cực vận động các đơn vị, doanh nghiệp đóng góp kinh phí hỗ trợ xây 6 căn nhà cho hộ nghèo. Đặc biệt, xã chú trọng hỗ trợ mô hình bò sinh sản cho 78 hộ nghèo nhằm tạo việc làm, thu nhập bền vững... 

Hiện nay, xã Sơn Bình (huyện Khánh Sơn) có 307 hộ nghèo và 202 hộ cận nghèo. Để hiện thực hóa quyết tâm đến năm 2025 không còn hộ nghèo, xã tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ về y tế, giáo dục, tiền điện, tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, trợ giúp pháp lý cho người nghèo. Đồng thời, xã phân công cán bộ, đảng viên phụ trách trực tiếp hỗ trợ các hộ nghèo; đẩy mạnh xã hội hóa, hỗ trợ hộ nghèo và hộ cận nghèo. Đặc biệt, để xóa hết nhà tạm cho hộ nghèo, địa phương đã kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp chung tay hỗ trợ kinh phí, hộ nghèo đối ứng chi phí, đến nay đã xây dựng được 58 căn nhà cho hộ nghèo. Bà Mấu Thị Mai (thôn Liên Hòa) chia sẻ: “Gia đình tôi có hoàn cảnh khó khăn nên bao năm qua phải sống trong căn nhà tranh, vách đất ẩm thấp. Được sự quan tâm của địa phương, doanh nghiệp hỗ trợ 70 triệu đồng, gia đình đối ứng thêm 20 triệu đồng, tôi đã xây dựng được căn nhà rộng hơn 50m2. Căn nhà đã tiếp thêm động lực để vợ chồng tôi cố gắng lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo”…

Tập trung nhiều nguồn lực

Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, những năm qua, công tác giảm nghèo được toàn tỉnh triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ với nhiều giải pháp. Qua giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, công tác giảm nghèo đã có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh đã tập trung triển khai hiệu quả 7 dự án.

Đối với Dự án 1 hỗ trợ đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, các địa phương đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng và sửa chữa nhiều công trình về giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… phục vụ dân sinh, sản xuất cho người dân huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh). Tỉnh còn bố trí hơn 116 tỷ đồng để xây dựng 3 công trình trọng tâm, trọng điểm, liên kết vùng, tạo đột phá, động lực phát triển, tăng trưởng kinh tế để nâng cao mức sống cho người dân; phân bổ 64 tỷ đồng vốn Trung ương hỗ trợ cho huyện Khánh Sơn thực hiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; triển khai xây dựng đề án tổng thể giảm nghèo bền vững 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.

 Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Diên Khánh và địa phương kiểm tra hộ nghèo vay vốn đầu tư trồng cây ăn quả.

Dự án 2 đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, tỉnh đã bố trí hơn 750 triệu đồng triển khai. Đồng thời, huy động các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp nhận đỡ đầu các xã nghèo, mỗi năm có hơn 10 tỷ đồng được các đơn vị hỗ trợ xây nhà ở, xây dựng mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt… cho người nghèo. Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng được bố trí hơn 5,4 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ về phát triển sản xuất lĩnh vực nông nghiệp hơn 3,2 tỷ đồng, các đơn vị chức năng đang rà soát triển khai; về cải thiện dinh dưỡng, đã triển khai hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng cho việc tiếp cận can thiệp phòng, chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi và tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, cộng tác viên dinh dưỡng cơ sở. Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững được tỉnh bố trí hơn 1,9 tỷ đồng để các trường nghề, địa phương triển khai đào tạo; hơn 2,3 tỷ đồng hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và phân bổ hơn 3,4 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ việc làm cho người lao động thuộc hộ nghèo.

Dự án 5 về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo tại các huyện nghèo được các ngành, địa phương tích cực triển khai, kêu gọi nhiều nguồn lực hỗ trợ xây, sửa hàng nghìn căn nhà cho hộ nghèo. Đồng thời, tỉnh đã ban hành đề án hỗ trợ xây 1.832 căn nhà cho hộ nghèo huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh trong thời gian tới. Dự án 6 về truyền thông và giảm nghèo về thông tin, các ngành chức năng đã chú trọng hỗ trợ kinh phí xây dựng các đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông theo hoạt động đặc thù; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội về công tác giảm nghèo. Dự án 7 về nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình đang được triển khai tích cực, đảm bảo tính công khai, minh bạch…

Ngoài ra, các ngành chức năng đang tập trung rà soát, đánh giá và đề xuất UBND tỉnh triển khai các chính sách đặc thù của tỉnh. Qua đó, góp phần tạo động lực cho hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế gia đình…

VĂN GIANG