Khẳng định ưu thế hàng hóa Quảng Nam

(Mặt trận) -Sự cộng hưởng của các chủ thể sản xuất và ngành chức năng đã tạo nên dấu ấn cho cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Quảng Nam năm 2023.

Thái Nguyên dồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Phước Đông: Quyết tâm xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu

Quảng Trị: Đẩy mạnh huy động nguồn lực chăm lo cho người nghèo

 Những sản phẩm, hàng hóa đặc trưng Quảng Nam được bày bán ở Co.opMart Tam Kỳ.

Vị thế hàng hóa Quảng Nam

Một trong những sản phẩm OCOP 4 sao nổi bật của huyện Tiên Phước là bánh tráng lề Địch Yên (Tổ hợp tác bánh tráng lề Địch Yên, xã Tiên Phong). Sản phẩm này không sử dụng phụ gia nên an toàn, lại mềm, dẻo, không cần nhúng nước khi sử dụng nên tiện lợi, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Hứa Đại Dương - Tổ trưởng Tổ hợp tác bánh tráng lề Địch Yên cho biết, để đáp ứng nhu cầu thị trường, tổ hợp tác đã đầu tư mở rộng nhà xưởng, giải quyết việc làm cho 10 lao động, hoàn thiện bao bì, nhãn mác và có tem truy xuất nguồn gốc. Sản lượng tiêu thụ hơn 4 tấn/tháng, đem lại doanh thu 120 triệu đồng/tháng, lợi nhuận đạt 20 - 30%.

“Hàng hóa chất lượng, sản phẩm an toàn là 2 tiêu chí hàng đầu để người tiêu dùng ưa chuộng. Chúng tôi phấn khởi khi hàng hóa đã khẳng định được vị thế, có ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Tổ hợp tác tiếp tục quảng bá, kết nối cung cầu, giao thương để rộng mở thêm thị trường” - ông Dương nói.

Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Quảng Nam, trong năm 2023 một số cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan chưa quan tâm đúng mức, nhất là trong trao đổi, kết nối thông tin, kiểm tra, báo cáo kết quả triển khai, nên cuộc vận động chưa lan tỏa mạnh và chưa thật sự đi vào chiều sâu. Về chất lượng, mẫu mã và tính cạnh tranh về giá của một số hàng hóa Quảng Nam còn khá hạn chế trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

“Hội An Organic” là thương hiệu rau hữu cơ của các nông dân canh tác trên phạm vi 1ha ở thôn Thanh Đông (xã Cẩm Thanh, Hội An). Các loại rau sạch ở đây như rau ngò, húng, cải, xà lách, diếp cá, mồng tơi… đều bán với giá cao hơn 20% so với giá thị trường nhưng vẫn thu hút khách.

Thương hiệu rau sạch đã mở lối đi cho sản xuất của các nông dân. Khách hàng là người dân địa phương, các trường học, nhà hàng, các cửa hàng nông sản tại Hội An và Đà Nẵng...

Ông Lê Thái Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, trong năm 2023, dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế phục hồi, là điều kiện thuận lợi cho việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ban chỉ đạo cuộc vận động tỉnh, các cơ quan, ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền người tiêu dùng nên lựa chọn sử dụng hàng Việt chất lượng, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho hàng hóa, xúc tiến thương mại, hình thành chuỗi liên kết sản xuất tập trung. Hàng hóa Quảng Nam có chỗ đứng trên thị trường.

Đòn bẩy kích cầu tiêu dùng

Năm 2023 Quảng Nam cùng với cả nước tiếp nối các chương trình nhận diện hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”, “Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam”.

Sau hơn 14 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng hóa Quảng Nam tiếp tục bao phủ rộng khắp từ các kênh phân phối truyền thống tới các hệ thống phân phối hiện đại, nhất là xuất khẩu ra nước ngoài với các mặt hàng phở sắn, đông trùng hạ thảo, nông sản, thủy sản...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, Quảng Nam tạo động lực phát triển bằng cách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nông nghiệp hữu cơ tạo những dòng sản phẩm cao cấp. Cùng với đó hỗ trợ để các chủ thể tối ưu hóa các quy trình sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.

Ông Lê Thái Bình cho rằng, để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi vào chiều sâu, ngành công thương cần tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh theo các cơ chế, chính sách đã ban hành để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kịp thời biểu dương, khen thưởng, tuyên dương doanh nghiệp tiêu biểu sản xuất, kinh doanh hàng hóa chất lượng nổi bật.

Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, ngành công thương luôn hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất giới thiệu, quảng bá thông tin sản phẩm hàng hóa, trên trang thông tin sản phẩm Quảng Nam; xúc tiến hàng hóa Quảng Nam trên phạm vi cả nước và quốc tế; kết nối cung cầu, khuyến khích triển khai các đợt khuyến mại, giảm giá để kích thích sản xuất và tiêu dùng.

X.H