Huyện Đà Bắc (Hòa Bình): Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) -Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn ở huyện vùng cao Đà Bắc của tỉnh Hòa Bình ngày càng đổi thay tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.

Diện mạo mới vùng nông thôn Hà Giang

Hiệu quả từ việc đổi mới, nâng cao chất lượng Công tác Mặt trận ở Lam Sơn

Mặt trận Tổ quốc TX. Cai Lậy: Dấu ấn qua một nhiệm kỳ

 Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, hạ tầng thiết yếu trên địa bàn huyện Đà Bắc được đầu tư. Ảnh: Tuyến đường mới mở từ xóm Tằm đi xóm Giằng, xã Cao Sơn.

Theo báo cáo của UBND huyện, đến nay, huyện có 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Những năm qua, thông qua chương trình xây dựng NTM, hệ thống hạ tầng nông thôn trên địa bàn phát triển mạnh mẽ. Điều kiện sống cả về vật chất, tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng cao.

Cao Sơn là 1 trong 4 xã của huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Đến Cao Sơn có thể cảm nhận rõ diện mạo nông thôn nhiều đổi thay với những con đường được mở rộng, cứng hoá đến các thôn, xóm. Xóm Giằng là một trong những xóm cách xa trung tâm xã, trước đây chỉ có con đường độc đạo để giao thương, trao đổi hàng hóa. Đến nay, con đường mới từ xóm Tằm đi xóm Giằng được mở và đổ bê tông giúp cho việc đi lại của bà con thuận lợi hơn.

Ông Đinh Văn Lâm, xóm Giằng chia sẻ: Trước đây giao thông đi lại rất khó khăn nên xóm nằm heo hút, cuộc sống của bà con còn nhiều vất vả. Từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM, đường giao thông trong xóm được cứng hoá thuận lợi, tư thương vào tận xóm để thu mua nông sản cho bà con. Đặc biệt, tuyến đường từ xóm Giằng đi xóm Tằm được mở, bà con lên trung tâm xã mua bán hàng hoá hay giao dịch tại UBND xã rất thuận lợi. Nhờ đường giao thông bà con phát triển kinh tế hiệu quả, nhiều hộ thoát nghèo, có những hộ mua được ô tô.

Theo Bí thư Đảng uỷ xã Cao Sơn Ngô Văn Cường, để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, người dân trên địa bàn xã đã nhiệt tình hưởng ứng, đóng góp chung tay xây dựng NTM. Trong giai đoạn 2010 - 2020, tổng nguồn vốn huy động và lồng ghép phục vụ chương trình xây dựng NTM của xã trên 359 tỷ đồng. Trong đó, người dân đóng góp tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất, hiến tài sản trên đất tổng trị giá trên 34 tỷ đồng. Với các hạ tầng thiết yếu được đầu tư đồng bộ và sự chung tay của người dân, Cao Sơn đang nỗ lực xây dựng xã NTM nâng cao, đến nay đạt 7/19 tiêu chí.

Đồng chí Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc cho biết: Năm 2023, tổng số tiêu chí NTM toàn huyện đạt được 209 tiêu chí, trung bình đạt 13,06 tiêu chí/xã. Trong đó, 4 xã đạt 19/19 tiêu chí, 1 xã đạt 15/19 tiêu chí và 11 xã đạt từ 10 - 13 tiêu chí. Trong năm, có 3 vườn mẫu được công nhận, hiện toàn huyện có 5 khu dân cư kiểu mẫu và 17 vườn mẫu. Ngoài ra, huyện có thêm 4 sản phẩm OCOP 3 sao được công nhận (đạt 200% kế hoạch), đến nay, toàn huyện có 9 sản phẩm OCOP được công nhận còn hoạt động.

Đồng chí Trưởng phòng NN&PTNT huyện nhấn mạnh: Năm 2024, huyện đã đề ra các mục tiêu cụ thể trong xây dựng NTM. Mục tiêu chung nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị. Đồng thời đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện để đạt được các mục tiêu. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm huy động cả hệ thống chính trị chung tay xây dựng NTM; quan tâm thực hiện một số tiêu chí còn đạt ở mức thấp, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nước sạch, môi trường. Ngoài ra, tập trung, ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã; mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tạo việc làm, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn.

N.B