Huy động sức dân xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) -Thời gian qua, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Cao Bằng đã đẩy mạnh vận động, tập hợp nhân dân, huy động sức mạnh từ các đoàn viên, hội viên trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Đặc biệt, nhiều cách làm hay, hiệu quả góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của địa phương.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

 Người dân Cao Bằng tham gia xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Thẩm Văn Phán, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng, trong năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên phát huy vai trò tích cực của đoàn viên, hội viên và nhân dân trong tham gia phát triển kinh tế, xây dựng NTM, đảm bảo vệ sinh môi trường, tham gia vào các tổ tự quản về an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn hóa.

MTTQ các cấp tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai các chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng dẫn MTTQ các cấp tổ chức các hoạt động “Tháng hành động vì môi trường” và Ngày Môi trường thế giới 5/6, phối hợp tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền ra quân quét dọn, thu gom rác thải tại xã Lê Lai (Thạch An) và xã Thành Công (Nguyên Bình).

Bên cạnh đó, MTTQ các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng các mô hình điểm, các phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Nhiều cách làm hay được triển khai tại huyện Bảo Lạc với mô hình trồng cây xa mộc, hồi quế, cây dầu, trầm tía; huyện Bảo Lâm có nhiều mô hình nuôi ếch, chăn nuôi lợn đen; huyện Nguyên Bình với mô hình chế biến chè, chế biến miến dong Phia Đén…

Nhờ cải thiện đời sống vật chất, tạo được sự đồng thuận xã hội, nhân dân trên địa bàn tỉnh càng tích cực xây dựng NTM, tham gia hiến trên 78.000 m2 đất, gần 85.000 ngày công lao động để tu sửa, làm mới, bê tông hóa đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng và các công trình phúc lợi khác.

Ông Phán cũng cho rằng, góp phần vào thành công trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” phải kể đến sự góp sức nhiệt tình từ các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh, với nhiều hoạt động thiết thực triển khai cuộc vận động trong đông đảo các đoàn viên, hội viên.

Tiêu biểu, trong năm qua, Hội Nông dân tỉnh triển khai 2 mô hình điểm “Truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, cải thiện điều kiện vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn trong xây dựng NTM cho cán bộ, hội viên nông dân” và “Hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn”.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng tránh ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường cho tuyên truyền viên cơ sở; phối hợp với tổ chức ADRA xây dựng 2 bể nước và hệ thống vòi, ống dẫn nước trị giá 150 triệu đồng; vận động hỗ trợ được 555 hộ mới sử dụng thùng lọc nước, 328 hộ sử dụng téc nước.

Từ việc đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, quy tụ được sức mạnh từ nhân dân tham gia xây dựng NTM, đến nay, toàn tỉnh có 7 xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 25/261 xã.

Thời gian tới, MTTQ các cấp tỉnh Cao Bằng và các tổ chức thành viên tiếp tục nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, tham gia để góp phần cùng chính quyền các cấp của tỉnh đạt được các tiêu chí về xây dựng NTM nâng cao theo kế hoạch đề ra.

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Cao Bằng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nông thôn tiếp tục có nhiều đổi thay, nông nghiệp được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng chất lượng và hiệu quả, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đều tăng qua các năm, góp phần từng bước ổn định và nâng cao chất lượng đời sống dân cư nông thôn. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 14,2 triệu đồng/ người/ năm, tăng 7,3 triệu đồng so với năm 2010 (6,9 triệu đồng/ người/ năm).

TIẾN ĐẠT