Hướng Hóa: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) -Trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp trên địa bàn huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị luôn phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện có hiệu quả nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Qua đó, phát huy sức mạnh đoàn kết, khơi dậy các giá trị văn hóa, chung sức xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị, thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Bản làng ngày càng đổi mới - Ảnh: K.S

Huyện Hướng Hóa có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống (Vân Kiều, Pa Kô và Kinh), với truyền thống văn hóa đa dạng và đặc sắc. Thông qua nhiều phong trào, cuộc vận động do MTTQ triển khai với hình thức, nội dung đa dạng, phong phú, đặc biệt là ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” hằng năm, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi cộng đồng dân cư ở huyện đạt nhiều kết quả tích cực.

Ban công tác Mặt trận các khu dân cư, các chi hội, chi đoàn ở thôn, bản, khối, khóm tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân khôi phục và duy trì các hoạt động truyền thống văn hóa của dân tộc, như cồng chiêng, khèn, các làn điệu dân ca, dân vũ, những phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào để trình diễn tại ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc”, trưng bày các sản phẩm, nông cụ như: rượu cần, a đư, a chói...thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, khơi dậy ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Phát huy truyền thống đoàn kết trong cộng đồng, vai trò tự quản của khu dân cư; tích cực tham gia xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa.

Tính đến nay, toàn huyện có 20.564/22.942 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa; có 149/149 thôn, bản, khối, khóm trên địa bàn huyện đã được công nhận danh hiệu văn hóa; hàng năm có 92% thôn, bản, khối, khóm được công nhận khu dân cư văn hóa; có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thị trấn Khe Sanh và thị trấn Lao Bảo được công nhận “đô thị văn minh”. Toàn huyện có 5 xã có nhà văn hóa; 127 nhà sinh hoạt cộng đồng, trong đó có 70 nhà sinh hoạt cộng đồng bảo đảm diện tích, cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu hội họp, sinh hoạt của Nhân dân trong thôn, bản, khối, khóm.

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”, MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn huyện thường xuyên khuyến khích, động viên Nhân dân chỉnh trang nhà cửa, sân vườn, tường rào, tạo môi trường, cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp.

Qua tuyên truyền, vận động, người dân tích cực đóng góp nguồn lực để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng ở nông thôn như: hiến đất, đóng góp ngày công làm đường giao thông, cổng chào, bảng tin, sân bóng đá, bóng chuyền và các thiết chế văn hóa khác.

Qua thống kê, từ năm 2016 đến nay có 11 gia đình hiến 11.526 m2 đất để xây dựng trường học, làm đường giao thông, các công trình văn hóa, dân sinh ở cơ sở. Kết cấu hạ tầng KT-XH ngày càng được hoàn thiện; nông thôn, làng bản ngày một khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên.

Có 86/149 khu dân cư phát động xây dựng mô hình tự quản và tổ chức cho Nhân dân ký cam kết thực hiện như khu dân cư điển hình trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; mô hình vì biên giới bình yên; khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn ma túy; khu dân cư tự quản đường biên, cột mốc; tổ tự quản an ninh, trật tự khu vực biên giới; khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; khu dân cư đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; khu dân cư điển hình trong phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững; mô hình công dân học tập...

Đến cuối năm 2022 đầu năm 2023, toàn huyện có 6.068 hộ nghèo (chiếm 26,45%), có 2.171 hộ cận nghèo (chiếm 9,46%) theo chuẩn đa chiều. Thông qua các phong trào thi đua, cuộc vận động của Mặt trận, truyền thống đoàn kết của dân tộc ở huyện Hướng Hóa được phát huy, khơi dậy các phong trào thi đua yêu nước, tăng cường và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; góp phần thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân hai bên biên giới Việt Nam - Lào; thực hiện tốt phong trào tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản, khu vực biên giới.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Hướng Hóa Nguyễn Văn Tư cho biết: “Thời gian tới, MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu Nghị quyết chuyên đề số 02-NQ/HU của Đảng bộ huyện đề ra.

Tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về giữ gìn, phát huy những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục cụ thể hóa 5 nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả.

Phối hợp tổ chức tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, đồng thời nhân rộng các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong Nhân dân; góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tạo cơ sở vững chắc để hướng đến mục tiêu xây dựng Hướng Hóa phát triển nhanh và bền vững”.

Kô Kăn Sương